Kiểm sát, nhận diện vi phạm trong cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất

Vợ chồng ông Ký - bà Vương phải thi hành khoản nợ hơn 59,6 triệu đồng cho một người ở cùng huyện Phú Hòa (Phú Yên). Đến cuối năm 2019, vợ chồng ông Ký còn nợ 29,3 triệu đồng. Theo đơn vị thi hành án, do ông bà không trả nợ nên phải cưỡng chế kê biên tài sản để bảo đảm việc trả nợ cho người được thi hành án. Ngày 4/4/2019, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Hòa cưỡng chế kê biên 1 ngôi nhà diện tích 92m2 và một số tài sản khác gắn liền với thửa đất rộng 185m2 của vợ chồng người phải thi hành án, theo thẩm định giá tài sản này có trị giá hơn 433 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Quang cảnh một buổi công bố các quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản trong thi hành án dân sự. 

Sáng ngày 2/1/2020, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Hòa tống đạt thông báo ký cùng ngày với nội dung có người mua tài sản của vợ chồng ông Ký mà đơn vị thi hành án đã thông báo bán đấu giá. Thông báo này hạn cho ông, bà trong 1 ngày phải nộp đủ số tiền còn nợ trước thời điểm mở bán đấu giá tài sản vào đầu buổi chiều ngày 3/1/2020, nhưng văn bản ghi thời điểm chót phải nộp tiền là trước 14h ngày… 2/1/2010 (tức lùi lại đến 10 năm, hoặc nếu nhầm năm 2020 thành năm 2010 thì thời hạn đóng tiền chỉ cách khi tống đạt thông báo vài giờ đồng hồ).

Tài sản nêu trên sau đó được bán đấu giá thành công cho một người ở TP Tuy Hòa. Vợ chồng ông Ký - bà Vương liên tục khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan chức năng, cho rằng, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Hòa kê biên thiếu tài sản của họ (2 căn nhà nhưng chỉ kê biên 1 căn, còn thiếu tài sản là sân ximăng, tường rào, cổng ngõ, 2 xe máy, nhiều vật gia dụng có giá trị; đất trồng cây hằng năm khác rộng 217m2 phía sau nhà có lối đi riêng…), vi phạm pháp luật khi tống đạt thông báo quá gấp khiến họ không thể thực hiện được yêu cầu nộp tiền trả nợ để giữ lại tài sản và văn bản thông báo còn có những sai sót…

Sau khi hàng loạt cơ quan chức năng như: VKSND tối cao, Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên vào cuộc, Tổng cục Thi hành án dân sự có hướng dẫn thì ngày 19/4, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Hòa thỏa thuận với các bên liên quan để hủy bỏ hợp đồng phiên đấu giá, kết quả bán đấu giá tài sản của ông Ký - bà Vương.

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên thông báo đã có quyết định kiểm tra đảng viên đối với 2 chấp hành viên có dấu hiệu vi phạm trong vụ cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản và tổ chức bán đấu giá tài sản của ông Ký - bà Vương.

Tại Bản án dân sự chia di sản thừa kế số 04/2015/DS-ST ngày 25/9/2015 của Tòa án nhân dân huyện Y, chia cho bà Phan Thị H. được hưởng phần di sản thừa kế 60m2 đất có kích thước phía Tây giáp đường 480 rộng 3m, phía Đông giáp phần đất của gia đình ông T rộng 3m, phía Bắc giáp phần đất làm lối đi chung dài 20m; phía Nam giáp phần đất chia cho ông T dài 20m. Sau khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, bản án chưa có hiệu lực, người phải thi hành án đã xây dựng công trình trên đất (xây nhà thờ). Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm số 04/2016/DS-PT ngày 20/4/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh N tuyên giữ nguyên án sơ thẩm, giao cho bà H được sử dụng 60m2 đất, không thẩm định lại nên không xử lý về tài sản trên đất, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án… Tại vụ án này, Kiểm sát viên (KSV) được giao nhiệm vụ cần trao đổi, phối hợp với khâu công tác Kiểm sát đã báo cáo lãnh đạo Viện, đề nghị Viện kiểm sát cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 04/2016/DS-PT nêu trên.

Trong thời gian qua, chất lượng công tác kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất được nâng cao; việc tổ chức cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất của cơ quan THADS cơ bản được thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong THADS vẫn còn những tồn tại, hạn chế, qua các vụ việc cụ thể như sau: Diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác với thực tế; không có tài sản để thi hành án; sai sót trong thẩm định lại tài sản, thẩm định giá, xử lý tài sản trên đất… Vì vậy, VKSND các cấp cần đẩy mạnh công tác kiểm sát kê biên, cưỡng chế tài sản là nhà, đất để bảo đảm hoạt động này đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho các bên đương sự. 

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản. 

Nâng cao năng lực và kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ, Kiểm sát viên

 Viện Kiểm sát và Kiểm sát viên (KSV) phải chủ động tăng cường kiểm sát việc phân loại THA của Chấp hành viên, những vụ việc có điều kiện nhưng để kéo dài thời gian thi hành án thì kiên quyết kiến nghị, yêu cầu Chấp hành viên phải cưỡng chế thi hành án. Trước khi đề xuất lãnh đạo ban hành kiến nghị, KSV phải đọc kỹ hồ sơ, tài liệu, xác minh điều kiện thi hành án, xem tài sản cưỡng chế, kê biên có bị thế chấp không và đối chiếu với cơ quan quản lý nơi đăng ký kê khai tài sản. Đối với tài sản có giá trị lớn của người phải thi hành án đã chuyển nhượng, tặng, cho, cầm cố, thế chấp… mà không thi hành án, sau khi có bản án, quyết định của Tòa án là hành vi tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ THADS cần phải yêu cầu cưỡng chế, kê biên để thi hành án. Trong quá trình kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên, KSV phải chú ý tính có căn cứ, đúng pháp luật về trình tự, thủ tục cưỡng chế, kê biên thi hành án theo luật định. 

Trước khi cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất: Yêu cầu cơ quan THADS cung cấp hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu trước khi tiến hành kiểm sát cưỡng chế, kê biên: Khi nghiên cứu hồ sơ, KSV phải xác định được những vấn đề gì cần phải làm, yêu cầu Chấp hành viên bổ sung thêm những nội dung gì để đánh giá hồ sơ có đủ điều kiện tiến hành cưỡng chế, kê biên hay không.

Kiểm sát viên cần kiểm tra toàn bộ thủ tục giao nhận giấy tờ về thi hành án bảo đảm đầy đủ, tránh trường hợp còn người bị tước quyền lợi do không được giao nhận thủ tục thi hành án. Nếu phải niêm yết thông báo về thi hành án thì xác định đó là trường hợp đủ điều kiện để buộc phải niêm yết, bảo đảm thời gian niêm yết. Trên cơ sở đó, đánh giá hồ sơ về điều kiện để cơ quan THADS đưa ra cưỡng chế, kê biên. Nếu phát hiện có vi phạm, chưa  bảo đảm thì KSV phải có văn bản yêu cầu cơ quan Thi hành án dừng việc cưỡng chế, kê biên để bổ sung khắc phục các tồn tại, thiếu sót, sau đó mới tiến hành cưỡng chế, kê biên.

Kiểm sát bản kế hoạch cưỡng chế, kê biên: Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, KSV tiến hành kiểm sát kế hoạch cưỡng chế, kê biên của cơ quan THADS. Cần  chú ý các nội dung: Kế hoạch cưỡng chế, kê biên có nêu được đặc điểm, thái độ của người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không; nếu không nêu thì phải yêu cầu bổ sung (vì nội dung này sẽ phản ánh được lực lượng cần huy động đối với buổi cưỡng chế, kê biên); căn cứ đặc điểm, thái độ thể hiện trên bản kế hoạch để so sánh với nội dung hồ sơ vụ việc có phù hợp không; tài sản cưỡng chế, kê biên có những gì (cụ thể là đất trống hay đất có tài sản gắn liền trên đất, tài sản có những loại gì).

Từ những nội dung nêu trên, KSV cần xác định: Lực lượng mà cơ quan THADS dự kiến huy động tham gia buổi cưỡng chế, kê biên, thành phần cơ quan chuyên môn phối hợp. Ngoài ra, KSV cần đánh giá được kế hoạch cưỡng chế, kê biên; dự kiến tình huống; dự trù chi phí. Từ đó, yêu cầu cơ quan THADS bổ sung, sửa đổi kế hoạch cho phù hợp với quá trình tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản THADS.

 Kiểm sát trực tiếp quá trình cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất: Nhiệm vụ này rất phức tạp, đòi hỏi KSV phải có sự quan sát tổng quan toàn bộ diễn biến của quá trình cưỡng chế, kê biên, mỗi sự việc phát sinh đều phải có sự cân nhắc, đối chiếu  với quy định pháp luật để xác định thao tác nghiệp vụ của Chấp hành viên chủ trì buổi cưỡng chế, kê biên và từng thành viên các cơ quan chuyên môn phối hợp. 

Các cơ quan chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành để thực hiện trách nhiệm phối hợp, cụ thể: Cán bộ địa chính đo, vẽ lô đất, xác định chiều rộng, chiều dài, vị trí đất ở, đất nông nghiệp…, ranh giới thửa đất, tính diện tích cụ thể của lô đất (hiện trạng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); bản vẽ này phải được kèm theo biên bản cưỡng chế, kê biên. Cán bộ có chức năng ngành xây dựng cần đo, vẽ tài sản là nhà ở, nhà kho, vật kiến trúc trên đất; mô tả kết cấu từng loại tài sản xây dựng, kết cấu nhà ở, nhà kho, vật kiến trúc; đo đếm các hệ thống cửa của nhà ở, nhà kho, tường rào xây, mái che, khung sắt…, hệ thống điện, nước, trang trí nội thất...; bản vẽ này phải được kèm theo biên bản cưỡng chế, kê biên. Cán bộ có chuyên môn về nông, lâm nghiệp cần đếm số lượng cây, loại cây, xác định năm tuổi của từng loại cây; có bản tổng hợp kèm theo biên bản cưỡng chế, kê biên.

Sau đó, trên cơ sở các nội dung từ các cơ quan chuyên môn phối hợp trên, Thư ký tổng hợp đưa vào biên bản cưỡng chế, kê biên. Nội dung này phải thể hiện được: Tài sản kê biên mô tả theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, hoặc giấy phép xây dựng (phần thứ nhất); mô tả hiện trạng tài sản cưỡng chế, kê biên (phần thứ hai); xác định được giữa tài sản theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, hoặc giấy phép xây dựng với tài sản kê biên theo hiện trạng có sự phù hợp hay chênh lệch thiếu, thừa như thế nào (phần thứ ba).

Căn cứ vào các thao tác nghiệp vụ này, KSV phải kiểm sát được quá trình tác nghiệp của từng thành viên trong Hội đồng cưỡng chế, kê biên, phải có trình độ tổng hợp để xác định được số liệu mà cơ quan chuyên môn tổng hợp, đo, vẽ, đếm đã chính xác chưa. Trong thực tế, các cuộc cưỡng chế, kê biên, KSV đã phát hiện được những sai sót của các cơ quan chuyên môn về số liệu đo đạc, tính toán diện tích, có nhiều vị trí xây dựng bị đo thiếu…, và đã yêu cầu khắc phục kịp thời, nên khi các số liệu đưa vào biên bản không bị sai sót.

Sau khi kết thúc quá trình cưỡng chế, kê biên và trước khi Hội đồng cưỡng chế, kê biên thông qua biên bản, KSV phải kiểm sát lại toàn bộ nội dung mà Thư ký đã tổng hợp trong biên bản xem đã bảo đảm đúng với diễn biến thực tế quá trình cưỡng chế, kê biên hay không. Nếu chưa đúng, chưa đầy đủ thì KSV yêu cầu điều chỉnh cho phù hợp. Khi Chấp hành viên thông qua biên bản, nếu người có tài sản, người liên quan, người phải thi hành án có ý kiến về số liệu đo đạc, kiểm đếm có sai sót thì KSV phải yêu cầu cơ quan chuyên môn liên quan đến nội dung đo, vẽ, kiểm đếm phải tiến hành kiểm tra lại dưới sự chứng kiến của đương sự, để xác định số liệu một lần nữa trước khi thông qua biên bản. Khi KSV ký vào biên bản, phải bảo đảm biên bản đã có đủ chữ ký của các thành phần tham gia, kể cả Thư ký và Chấp hành viên. 

Kiểm sát viên Vũ Quỳnh Trinh, Phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án, VKSND tỉnh Gia Lai: Kiểm sát viên cần nhận dạng được các vi phạm trong quá trình tổ chức cưỡng chế, kê biên thi hành án

Trong thời gian gần đây, những vụ việc thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng đột biến; Nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, bản án tuyên khó thi hành, đương sự chống đối, cũng có một số trường hợp Chấp hành viên tổ chức cưỡng chế kê biên không đúng quy định, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan dẫn đến tình trạng đơn khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, vượt ngành. Vì vậy, công tác kiểm sát việc cưỡng chế kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của VKSND có vai trò rất quan trọng trong khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Qua kinh nghiệm thực tiễn kiểm sát các vụ việc cưỡng chế kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, Phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án VKSND tỉnh Gia Lai nhận thấy một số vướng mắc như: Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 201, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 và các văn bản hướng dẫn Luật có nhiều nội dung mới quy định chưa cụ thể, rõ ràng. Do đó, trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, nhận thức khác nhau và từ đó dẫn đến việc áp dụng thiếu nhất quán. Ví dụ theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên không được phân chia tài sản chung mà chỉ yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án. Nhưng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/NĐ-CP thì Chấp hành viên có quyền xác định phần sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản của vợ chồng; xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Việc hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định dẫn đến sự tùy nghi của Chấp hành viên trong thực tiễn áp dụng pháp luật…

Do đó, để thực hiện tốt chức năng kiểm sát đối với lĩnh vực này, cần tăng cường hơn nữa việc tổng hợp những khó khăn, vướng mắc giữa các đơn vị để hướng dẫn, rút kinh nghiệm chung, đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu về công tác này.

Bên cạnh đó, Kiểm sát viên phải nắm vững chức năng, quyền hạn của Viện kiểm sát và vai trò trách nhiệm của mình để xử lý tình huống hợp tình, hợp lý và đúng pháp luật. Nắm chắc các văn bản pháp luật về Thi hành án dân sự, những nội dung của các văn bản pháp luật khác có liên quan đến Thi hành án dân sự như: Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân gia đình… Nhận dạng được các dạng vi phạm cơ bản, thường xuyên xảy ra trong quá trình tổ chức cưỡng chế, kê biên thi hành án của Chấp hành viên và Cơ quan thi hành án dân sự, qua đó phát hiện các dạng vi phạm để kịp thời kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan có liên quan khắc phục.

 

Luật sư Trần Đức Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Kiểm sát việc kê biên quyền sử dụng đất để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân

Hiện nay, các cơ quan THADS còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 110 Luật THADS: “Chấp hành viên chỉ kê biên QSDĐ của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”. Trong khi đó, Luật Đất đai quy định nhiều trường hợp QSDĐ được chuyển quyền sử dụng tùy theo mỗi loại phân định về người sử dụng đất (cá nhân, hộ gia đình, tổ chức), phân định trên cơ sở loại đất (đất ở, đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp để trồng lúa nước, đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm…).

Trong trường hợp nhất định, đất được giao cho người phải thi hành án sử dụng chính là công cụ lao động, sản xuất của họ nếu họ là người trực tiếp lao động, sản xuất nông nghiệp và có thu nhập từ diện tích đất nông nghiệp đó. Theo quy định của pháp luật về đất đai thì người nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp để trồng lúa nước phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có quy định họ được nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp vượt quá hạn mức đất mà pháp luật quy định. Vì vậy, việc xác minh đầy đủ các yếu tố liên quan đến QSDĐ của người phải thi hành án, nhất là điều kiện nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp đã kê biên trong THADS rất khó khăn. 

Việc tiến hành hoạt động kê biên quyền sử dụng đất của cơ quan thi hành án hiện nay phụ thuộc rất lớn đến việc thể hiện đầy đủ thông tin của thửa đất ở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại không thể hiện được thông tin như ranh giới thửa đất, tài sản gắn liền với đất, diện tích hoặc diện tích nào là đất ở hay đất nông nghiệp… do đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc kê biên quyền sử dụng. Cho nên, cơ quan chức năng là Sở Tài nguyên- Môi trường tại địa phương phải rà soát điều chỉnh đo đạc, chỉnh sửa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phản ứng đúng thực tế thì việc kê biên mới có thể thực hiện được. Chính vì vậy mà trong việc kiểm sát công tác cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự có vai trò quan trọng, để hạn chế tối đa những thiếu sót, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho cơ quan, tổ chức và người dân.


Nhóm PV