Những dạng vi phạm được phát hiện

Vi phạm của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự:

Bản án, quyết định của Tòa án tuyên không đúng nhưng Cơ quan THADS không kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật THADS năm 2014) mà vẫn tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản để THA.

Một số vụ việc liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng, bản án, quyết định của Tòa án chỉ tuyên buộc người phải THA thi hành nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng, không đề cập đến việc Ngân hàng được quyền yêu cầu Cơ quan THADS xử lý tài sản của người phải THA theo hợp đồng thế chấp tài sản để thu hồi nợ cho Ngân hàng. Khi nhận đơn yêu cầu THA của tổ chức tín dụng, Cơ quan THADS không hướng dẫn cho đương sự yêu cầu Tòa án giải thích bản án, quyết định để bảo vệ quyền lợi cho mình hoặc kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mà vẫn ra quyết định cưỡng chế và tiến hành kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của người phải THA đang thế chấp tại tổ chức tín dụng.

leftcenterrightdel
VKSND huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) kiến nghị khắc phục vi phạm về thi hành án dân sự đối với Chi cục Thi hành án dân sự cùng cấp.  

Trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, Cơ quan THADS không tiến hành xác minh hoặc xác minh không đầy đủ, cụ thể tài sản, điều kiện thi hành án của người phải THA, dẫn đến quá trình tổ chức THA đã cưỡng chế kê biên tài sản của người khác; hoặc trường hợp người phải THA tẩu tán tài sản nhưng Cơ quan THADS không biết để có biện pháp xử lý kịp thời.

Chấp hành viên không xác minh kỹ về thông tin tài sản của người phải THA, dẫn đến kê biên cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của người khác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Trước khi cưỡng chế kê biên, Cơ quan THADS không có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký. Sau khi kê biên, không thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký về việc kê biên tài sản đó để xử lý theo quy định tại Điều 89 Luật THADS năm 2014.

Cơ quan THADS vi phạm Điều 88 Luật THADS năm 2014 trong việc kê biên tài sản; Vi phạm khoản 8 Điều 1 Nghị định 33/2020/NĐ-CP về việc kê biên tài sản không tương ứng với nghĩa vụ thi hành án; Vi phạm Điều 74 Luật THADS năm 2014 trong việc kê biên tài sản chung của vợ chồng; Vi phạm Điều 74 Luật THADS năm 2014 trong việc kê biên tài sản hộ gia đình; Vi phạm trong quá trình THADS đối với tài sản của người phải THA nhưng là tài sản thuộc di sản thừa kế;…

Vi phạm của các cơ quan khác có liên quan:

Ngoài ra, trong việc phối hợp công tác khi tiến hành các cuộc cưỡng chế THADS, Viện kiểm sát nhận thấy các cơ quan, tố chức liên quan thực hiện chưa tốt công tác phối hợp, làm ảnh hưởng đến tiến độ THA như: Văn phòng đăng ký đất đai còn chậm cung cấp thông tin, điều kiện THA của người phải THA, hoặc cung cấp sai thông tin tài sản của người phải THA;...

Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát cưỡng chế kê biên tài sản 

Về hoàn thiện cơ sở pháp luật:

Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các văn bản hướng dẫn Luật có nhiều nội dung mới quy định chưa cụ thể, rõ ràng, nên trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, nhận thức khác nhau và từ đó dẫn đến việc áp dụng thiếu nhất quán. 

Ví dụ: vướng mắc trong việc áp dụng Điều 74 Luật THADS về việc xác định phân chia, xử lý tài sản chung để THA: Tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS quy định: “Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.

leftcenterrightdel
Quang cảnh một phiên tòa dân sự tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai).  

Như vậy, theo quy định nêu trên, Chấp hành viên không được phân chia tài sản chung mà chỉ yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải THA trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì Chấp hành viên có quyền xác định phần sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản của vợ chồng; xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Việc hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định  Số 62/2015/NĐ-CP dẫn đến sự tùy nghi của Chấp hành viên trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Bởi lẽ, nhiệm vụ của Chấp hành viên là thi hành đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục THA, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đây là khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật và các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác THA, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong khi, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, nhưng nội dung này vẫn không được đề cập sửa đổi. Do đó, đến nay, những vụ việc liên quan đến việc xác định phân chia, xử lý tài sản chung để THA vẫn chưa được thực hiện thống nhất.

Hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên:

Tăng cường ban hành các thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát THADS, đặc biệt là kinh nghiệm trong công tác kiến nghị, kháng nghị vi phạm của Cơ quan THADS, để các địa phương học tập, rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. 

Cần tăng cường hơn nữa việc tổng hợp những khó khăn, vướng mắc giữa các đơn vị để hướng dẫn, rút kinh nghiệm chung, đồng thời tăng cường tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác này.

Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát việc cưỡng chế kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất:

Thứ nhất, cần xác định đây là một trong những khâu công tác trọng tâm của Ngành, vì khi thực hiện tốt chức năng kiểm sát sẽ hạn chế sai phạm, vi phạm của cơ quan THADS, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo đảm cho bản án của Tòa án được thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước. Do vậy, công tác này cần được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo VKSND hai cấp. Qua hoạt động nghiệp vụ kiểm sát THA, phát hiện những vi phạm đến mức kháng nghị, kiến nghị, lãnh đạo đơn vị phải kiên quyết ban hành kháng nghị, kiến nghị tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của mỗi hành vi, quyết định có vi phạm.

Thứ hai, cần quan tâm, bố trí đủ cán bộ, Kiểm sát viên có năng lực để làm công tác này, đặc biệt là phải bảo đảm thời gian công tác lâu dài để cán bộ, Kiểm sát viên có sự tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thực tế, bảo đảm hiệu quả công tác.

Thứ ba, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công cần nhận thức, đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác kiểm sát THADS nói chung và công tác kiểm sát việc cưỡng chế kê biên tài sản nói riêng, có sự đầu tư để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của khâu công tác này. 

Vũ Quỳnh Trinh