2 năm thụ lý 435 vụ án khởi kiện chia thừa kế

Tranh chấp thừa kế thường là một trong những tranh chấp rất phức tạp, khiến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, bởi liên quan đến quyền tài sản, đến những người có quan hệ thân thích, họ hàng... Tại Hà Nội, trong 2 năm (2018 - 2019), tổng thụ lý mới án dân sự của VKSND 2 cấp thành phố là 27.219 vụ, trong đó có 435 vụ án khởi kiện chia thừa kế. Ngoài ra, các loại tranh chấp khác như tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tranh chấp hợp đồng... cũng có một tỉ lệ nhất định liên quan đến chia thừa kế.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội cùng lãnh đạo, Thẩm phán, Thư ký TAND cùng cấp theo dõi một phiên tòa xét xử vụ án dân sự trực tuyến.    

Khi giải quyết một vụ án chia thừa kế, VKSND TP Hà Nội luôn chú ý đến những vấn đề đó là: Thời hiệu chia thừa kế còn hay hết? Di sản thừa kế gồm những gì? Các đương sự yêu cầu chia những tài sản nào? Những tài sản nào không yêu cầu chia?  Phải chia di sản theo di chúc hay theo pháp luật? Chia hiện vật hay chia bằng tiền? Xác định hàng thừa kế và ai là những người được hưởng di sản? Một số vấn đề liên quan đến những người ở trên đất, những người đang quản lý đất mà không thuộc đối tượng trong vụ tranh chấp thừa kế. 

Cũng theo VKSND TP Hà Nội, để phát hiện vi phạm qua công tác kiểm sát bản án, quyết định trong các vụ án liên quan đến chia thừa kế, VKS phải nhận diện được những vi phạm về tố tụng. Theo đó, trước hết, về thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án: Nếu nguyên đơn chỉ khởi kiện chia thừa kế thì Tòa án đều thụ lý đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp yêu cầu chia thừa kế phát sinh sau, trong khi nguyên đơn khởi kiện vụ án khác (như tranh chấp QSDĐ, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng...) thì cần lưu ý các trường hợp như: Bị đơn vắng mặt, hoàn toàn không có lời khai, không có sự ủy quyền cho người khác thì cần xem nguyên đơn đã cung cấp đúng địa chỉ của bị đơn hay chưa? Nếu bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú trên 6 tháng, không rõ lý do thì Tòa án đã hướng dẫn nguyên đơn làm thủ tục yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú chưa? Nếu có thông tin bị đơn hoặc người liên quan đã ra nước ngoài thì Tòa án đã có văn bản xác minh tại Cục Xuất nhập cảnh hay chưa, từ đó mới xác định được thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ nơi bị đơn cư trú hoặc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh nếu bị đơn đang xuất cảnh. Thực tế, VKSND TP Hà Nội đã kháng nghị 1 vụ án có bị đơn đang lao động ở nước ngoài nhưng nguyên đơn chỉ khai chung chung là đi làm xa, ít về. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên hỏi rõ thì nguyên đơn mới khai bị đơn đi lao động tại Nhật Bản từ 4 năm trước. VKS đã kháng nghị hủy án do việc thụ lý giải quyết không đúng thẩm quyền và kháng nghị đã được cấp phúc thẩm chấp nhận.

Đối với các tranh chấp về hợp đồng liên quan đến bất động sản: Tranh chấp về bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết theo điểm c, khoản 1, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), nhưng tranh chấp các loại hợp đồng liên quan đến bất động sản (như: tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, hợp đồng đặt cọc, tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng liên quan hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu...) thì thẩm quyền vẫn là nơi bị đơn cư trú nếu không có thỏa thuận nào khác. 

Xác định đầy đủ những người tham gia tố tụng

Về việc xác định người tham gia tố tụng theo Điều 68 BLTTDS, theo VKSND TP Hà Nội, việc xác định đúng và đầy đủ người tham gia tố tụng cũng như tư cách của họ là vấn đề hay bị thiếu sót, hay là nguyên nhân bị cấp phúc thẩm hủy án nhất. Trong vụ án tranh chấp thừa kế, cần thiết phải xác định đầy đủ những người tham gia tố tụng. Cụ thể: Những người ở hàng thừa kế thứ nhất là ai? Trong số đó, có ai còn sống, ai đã chết, thời điểm chết (chết trước hay sau người để lại di sản để xác định thừa kế thế vị)? Ai là những người có liên quan đến tài sản đang tranh chấp mà không thuộc diện thừa kế (như người đang quản lý tài sản, người đang thuê, mượn tài sản, người đang nhận thế chấp tài sản...). Thông thường, các trường hợp hay bị bỏ sót là con riêng không giá thú, con nuôi của người để lại di sản, những người đang sinh sống trên đất, thuê mượn nhà đất là di sản nhưng không đăng ký hộ khẩu thường trú, không xuất trình được hợp đồng có công chứng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý các trường hợp đương sự cần có người giám hộ theo quy định tại Điều 47 BLTTDS, cần có người đại diện theo pháp luật theo Điều 135, 136, 137 BLTTDS; người có công sức đóng góp duy trì khối tài sản... để xác định Tòa án đã đưa đúng và đầy đủ các đương sự theo quy định tại Điều 68 BLTTDS chưa.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên VKSND TP Hà Nội tại một phiên tòa dân sự. 

Về việc áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ theo Điều 97 BLTTDS và tống đạt văn bản tố tụng, để nhận biết những vi phạm trong vấn đề này, Kiểm sát viên cần phải đối chiếu với hồ sơ đã nghiên cứu. Khi kiểm sát, cần tập trung vào các vấn đề: Việc thu thập chứng cứ của Tòa thực hiện theo yêu cầu của đương sự hay do Tòa án tự tiến hành và khi áp dụng việc thu thập chứng cứ có tuân thủ đúng quy định tại Điều 97 BLTTDS hay không (trong một số trường hợp thu thập chứng cứ thì Tòa án phải ra quyết định về việc thu thập chứng cứ theo khoản 3 Điều 97; sau khi thu thập được chứng cứ, Tòa án có thông báo cho đương sự biết theo khoản 5 Điều 97 không?). 

Đối với việc thẩm định, định giá tài sản: Có được thực hiện đúng quy định của BLTTDS về trình tự, thủ tục và thành phần tham gia Hội đồng định giá không (Điều 101, Điều 104). Lưu ý, đối với những vụ án đương sự khiếu nại kết quả định giá nên phải định giá lại, Kiểm sát viên phải chú ý thành phần Hội đồng định giá lại có trùng với Hội đồng định giá của lần trước không. Nếu có thì đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư liên tịch số 02/2014 ngày 28/3/2014. Trong việc tống đạt văn bản tố tụng: Tòa án đã tiến hành giao, tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự, VKS đúng hạn, theo các quy định tại Điều 171, Điều 172, Điều 174, Điều 175, Điều 177, Điều 178, Điều 179 BLTTDS không? Nếu có đương sự ở nước ngoài thì phải xem Tòa án có làm đúng quy định tại Điều 474, Điều 476, Điều 477 BLTTDS không?  

Trường hợp phải niêm yết văn bản tố tụng, cần chú ý thời hạn niêm yết có đủ 15 ngày không (ngày niêm yết cuối cùng rơi vào ngày nghỉ thì ngày hết hạn niêm yết là ngày làm việc tiếp theo quy định tại khoản 5, Điều 148 Bộ luật Dân sự và nơi niêm yết có đúng quy định theo Điều 179 BLTTDS không?). Nếu không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự thì đây là căn cứ để VKS kháng nghị. 

Việc tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, cần lưu ý các nội dung: Các đương sự có được triệu tập đầy đủ để tham gia hòa giải hay không? Thành phần tiến hành hòa giải công khai chứng cứ có đúng theo quy định tại Điều 211 BLTTDS không? Lưu ý trường hợp Thẩm phán sau khi thu thập chứng cứ đã công khai chứng cứ mới cho các đương sự được biết chưa? Nếu chưa công khai thì tùy theo mức độ ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự để VKS xem xét có kiến nghị hoặc kháng nghị. 

Ngoài ra, về thành phần những người tiến hành tố tụng: Có đúng theo quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án không? Đặc biệt lưu ý, đối với những vụ án bị hủy nhiều lần thì thành phần Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký, xem những người này đã từng tham gia xét xử vụ án đó lần nào chưa? Nếu có thì đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (được quy định tại các Điều 52, 53, 54 BLTTDS), cần được xem xét để kháng nghị.

Qua kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, VKSND hai cấp TP Hà Nội phát hiện nhiều bản án, quyết định có vi phạm và đã ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị đối với vi phạm, thiếu sót của Tòa án. Trong 2 năm (2018 - 2019), qua kiểm sát 10.986 bản án, quyết định là nguồn kháng nghị phúc thẩm, VKS hai cấp của thành phố đã phát hiện 3.078 bản án, quyết định có thiếu sót, vi phạm; đã ban hành 104 kiến nghị, 77 kháng nghị (trong đó năm 2018 là 42 kháng nghị - có 3 kháng nghị về thừa kế, năm 2019 là 35 kháng nghị - có 3 kháng nghị về thừa kế). 


Đắc Thái