Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với nhiều điểm cầu trên cả nước như: Đại học Kiểm sát, Đại học CSND, Học viện CSND, Học viện Tòa án, TAND TP Hồ Chí Minh... Hội thảo nhằm đích nâng cao nhận thức, tạo dựng và phát triển môi trường trao đổi học thuật, chia sẻ quan điểm của các nhà khoa học về những vấn đề lý luận, cán bộ làm công tác thực tiễn đối với hình thức tổ chức xét xử trực tuyến của TAND.

Đại tá, PGS, TS. Trần Ngọc Đức, Trưởng Khoa Luật Trường Đại học CSND cho biết:

"Xét xử trực tiếp vụ án hình sự là hoạt động chính, chủ yếu từ nhiều năm nay trong tố tụng hình sự (xét xử theo hình thức truyền thống). Hoạt động này đòi hỏi những người tiến hành, tham gia tố tụng phải có mặt tại phiên tòa và được thực hiện trực quan.

Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, cùng với sự phát triển tư pháp trên thế giới đã đòi hỏi hoạt động xét xử phải đa dạng, linh hoạt, phù hợp với tình hình mới. Ngày 12/11/2021, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, là cơ sở pháp lý quan trọng để Tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống cơ quan tư pháp của Việt Nam có liên quan đến công tác đảm bảo ANTT của lực lượng CAND.

leftcenterrightdel
 Đại tá, PGS, TS. Trần Ngọc Đức, Trưởng Khoa Luật Trường Đại học CSND tham luận tại hội thảo.

Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề về quy trình, thủ tục tiến hành phiên tòa trực tuyến, việc đảm bảo các nguyên tắc tố tụng trong phiên tòa hình sự trực tuyến, mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong tổ chức phiên tòa hình sự trực tuyến, sự tham gia của Điều tra viên tại phiên tòa hình sự trực tuyến…".

Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Giang Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CSND, cho biết:

"Hội thảo đã nhận được 34 bài tham luận, trong đó có 9 tham luận của các cấp lãnh đạo các cơ quan tư pháp... Các tham luận cũng như ý kiến trao đổi trực tiếp tại hội thảo đều đánh giá cao những ưu điểm của việc tổ chức phiên tòa trực tiếp không những phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về tư pháp, mà còn góp phần hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với toàn xã hội, trong đó có công tác xét xử của TAND.

Bên cạnh đó, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn là các biện pháp thực thi trên thực tế, từng bước xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, tiến tới xây dựng và vận hành Tòa án thông minh. Tuy nhiên, đây là chế định mới của pháp luật Việt Nam, lần đầu tiên được áp dụng trong toàn hệ thống TAND theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên toà trực tuyến nên không tránh khỏi một số khó khăn, hạn chế..."

Thu Trang