Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực rất lớn đối với các doanh nghiệp, dẫn tới số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị tường tăng nhanh, trong đó, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực chịu tác động nặng nề nhất.
Chính vì vậy, nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp sau đại dịch là mục tiêu tiên quyết và quan trọng nhất của năm 2022. Sau những tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; bản thân các doanh nghiệp trong cả nước cũng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.
Trong hành trình vượt khó này, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, giúp doanh nghiệp nhận diện đúng và đầy đủ các cơ hội, cũng như tồn tại, hạn chế đang ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
|
|
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phối hợp với Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ pháp lý phát triển doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19 |
Theo đó, ngày 28/4/2022, tại Quảng Ninh, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phối hợp với Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ pháp lý phát triển doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19”. Tham gia Hội thảo gồm có các chuyên gia: Ông Nguyễn Thiện Trưởng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam; ông Đặng Vũ Huân, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp...
|
|
ông Bùi Hồng Cường, Viện trưởng Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường phát biểu chủ trì Hội nghị. |
Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của ông Bùi Hồng Cường, Viện trưởng Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường và ông Vũ Hoài nam, Q. Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần tạo cầu nối để các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cùng trao đổi về những vướng mắc mà doanh nghiệp đang phải đối mặt; đưa ra những giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi nhanh và bền vững, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giúp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, hiện thực hóa triển vọng kinh tế trung và dài hạn, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề chính như: Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thời kỳ COVID-19; vấn đề phát triển nguồn nhân lực và tái cấu trúc doanh nghiệp; chương trình hỗ trợ tài chính, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp; số hóa doanh nghiệp trong thời kỳ đổi mới… Trong đó, nhiều giải pháp quan trọng, thiết thực đã được đưa ra, cụ thể như: Đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý cho việc quản lý, phát triển kinh tế; tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế số; thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước…
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng được nghe các chuyên gia chia sẻ, giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là cách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, các gói hỗ trợ của Nhà nước.
|
|
Các nhà tài trợ đã hỗ trợ 20 gói quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại tỉnh Quảng Ninh. |
Đồng thời, cũng tại Hội thảo này, với tinh thần tương thân tương ái, các nhà tài trợ đã hỗ trợ 20 gói quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại tỉnh Quảng Ninh. Đây sẽ là nguồn động viên tinh thần giúp các em cố gắng vượt khó để tiếp tục phấn đấu trong học tập, rèn luyện.