1. Trước khi tham gia phiên tòa

Một trong những hoạt động quan trọng của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa hình sự sơ thẩm là thực hiện việc xét hỏi đối với bị cáo, những người tham gia tố tụng khác nhằm kiểm tra lại tất cả các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và làm rõ các vấn đề mới phát sinh tại phiên tòa, trên cơ sở đó bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát.

leftcenterrightdel
 Nghiên cứu, trao đổi về vụ án (VKS Đông Anh, Hà Nội).

Muốn thực hiện tốt hoạt động này, rước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên nghiên cứu thật kỹ hồ sơ vụ án,  trích cứu đầy đủ, nắm chắc hành vi phạm tội của bị cáo, các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; tình tiết định khung hình phạt; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và những tình tiết khác có liên quan đến vụ án.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên tiến hành dự thảo đề cương xét hỏi. Để đề cương xét hỏi được cụ thể và đầy đủ, Kiểm sát viên nên bám sát vào những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án, từ đó đề ra hệ thống các câu hỏi đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác để làm rõ tất cả các tình tiết có liên quan đến vụ án.

Câu hỏi đưa ra rõ ràng, ngắn gọn, phù hợp với trình độ, nhận thức, hiểu biết của bị cáo, người tham gia tố tụng khác, đồng thời dự kiến trước hướng trả lời của họ và chuẩn bị các câu hỏi tiếp theo nhằm tạo ra sự chủ động khi xét hỏi.

Kiểm sát viên cũng phải dự kiến trước các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa và chiến thuật xét hỏi phù hợp, như tình huống bị cáo từ chối khai báo, kêu oan; bị hại, người làm chứng vắng mặt hoặc thay đổi lời khai tại phiên tòa. Ví dụ: Qua nghiên cứu nhân thân và kết quả điều tra vụ án, nhận thấy bị cáo có thể im lặng không khai báo hoặc thay đổi lời khai tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã dự kiến các chiến thuật, thủ thuật xét hỏi bị cáo như: giáo dục, thuyết phục; sử dụng các tài liệu, chứng cứ như biên bản khám xét, biên bản khám nghiệm hiện trường, kết quả nhận dạng của người làm chứng để đấu tranh với bị cáo; sử dụng các câu hỏi đứt quảng một cách hợp lý, từ đó buộc bị cáo phải cúi đầu nhận tội.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND tối cao xét hỏi bị cáo tại một phiên tòa đại án. Ảnh Phạm Kiên TTXVN

Hoặc tình huống bị cáo kêu oan vì cho rằng hành vi của mình không phạm tội, Kiểm sát viên đã giải thích quy định của pháp luật, kết hợp với việc đưa ra tài liệu, chứng cứ cho bị can thấy rõ hành vi của bị can là hành vi phạm tội (như biên bản thu giữ vật chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản), sau đó giải thích chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, qua đó đã làm thay đổi thái độ khai báo của bị cáo.

Để việc xét hỏi có chất lượng tốt, thuyết phục, quá trình xét hỏi cần kết hợp với việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh. Theo đó, Kiểm sát viên nghiên cứu, chuẩn bị trước các chứng cứ, tài liệu để công bố bằng hình ảnh tương ứng với các tình huống dự kiến có thể phát sinh tại phiên tòa. Các tài liệu, chứng cứ thường sử dụng là kết luận giám định, biên bản hỏi cung bị can, biên bản ghi lời khai người làm chứng, biên bản thực nghiệm điều tra. Khi đã lựa chọn được các tài liệu, chứng cứ cần sử dụng, Kiểm sát viên tiến hành đánh dấu, làm nổi bật các nội dung quan trọng trong các tài liệu, chứng cứ đó để khi trình chiếu, những người tham gia phiên tòa có thể nhìn thấy rõ.

Kiểm sát viên dự kiến trình tự xét hỏi tùy thuộc vào vai trò, vị trí và thái độ khai báo của bị cáo và người tham gia tố tụng khác. Có thể xét hỏi người làm chứng, bị cáo thành khẩn khai báo trước, sau đó sử dụng lời khai của họ và các tài liệu, chứng cứ khác để xét hỏi, đấu tranh với bị cáo kêu oan, từ chối khai báo hoặc bị cáo là chủ mưu, cầm đầu.

Chuẩn bị và phối hợp với Thẩm phán về việc sử dụng thiết bị ghi âm, vị trí đặt máy chiếu, màn hình chiếu, chỗ ngồi của cán bộ kỹ thuật tại phiên tòa…, bảo đảm cho phiên tòa được diễn ra thuận lợi.

2. Tiến hành xét hỏi tại phiên tòa

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chú ý theo dõi, đánh dấu vào đề cương xét hỏi để không hỏi lại những vấn đề mà Hội đồng xét xử đã hỏi và đã làm rõ. Chỉ hỏi những vấn đề chưa được làm rõ hoặc còn mâu thuẩn.

leftcenterrightdel
 Trình chiếu chứng cứ khi xét hỏi tại phiên tòa (Ảnh: Đức Mạnh)

­Trong quá trình tiến hành xét hỏi, gặp tình huống nào, Kiểm sát viên chủ động xét hỏi theo đề cương, kết hợp với việc trình chiếu các chứng cứ, tài liệu, văn bản đã chuẩn bị trước đó nhằm làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Lưu ý các trường hợp công bố và không được công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố tại phiên tòa được quy định tại Điều 308 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Ví dụ: Nếu tại phiên tòa, bị cáo từ chối khai báo hoặc khai báo mâu thuẫn với lời khai trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử tiến hành trình chiếu các biên bản hỏi cung bị can, biên bản ghi lời khai người làm chứng, kết luận giám định…để làm thay đổi thái độ khai báo của bị cáo.

Trường hợp bị cáo tố cáo việc Điều tra viên bức cung, nhục hình, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử trình chiếu nội dung ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh về việc hỏi cung bị can có sự tham gia của Kiểm sát viên, người bào chữa; đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập Điều tra viên, cán bộ điều tra bị tố bức cung, nhục hình đến phiên tòa để đối chất.

Tiến hành xét hỏi các bị cáo thành khẩn khai báo trước, sau đó sử dụng lời khai của họ và các tài liệu, chứng cứ khác để xét hỏi, đấu tranh với bị cáo kêu oan, từ chối khai báo hoặc bị cáo là chủ mưu, cầm đầu. Nếu bị cáo này có ảnh hưởng đến bị cáo khác (quan hệ gia đình, cấp trên cấp dưới), lời khai của người làm chứng này có thể ảnh hưởng đến lời khai của người làm chứng khác, thì Kiểm sát viên cần đề nghị Hội đồng xét xử tiến hành cách ly và xét hỏi tuần tự nhằm bảo đảm tính khách quan trong lời khai của mỗi người, tránh việc tác động lẫn nhau.

Kiểm sát viên phải có thái độ lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác; cử chỉ, hành động, lời nói, biểu cảm của Kiểm sát viên phải rõ ràng, dứt khoát, lịch sự, đúng mực; ngôn ngữ phải chuẩn xác, không nói ngọng, nói lắp…

Thực tiễn xét xử cũng cho thấy, tại phiên tòa có thể phát sinh nhiều tình huống khó khăn, phức tạp mà Kiểm sát viên không thể dự kiến hết, không thể lường trước được. Vì vậy, điều quan trọng là Kiểm sát viên phải luôn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, rèn luyện và giữ vững bản lĩnh, sự tự tin, trao dồi các kỹ năng mềm như kỹ năng lắng nghe, trình bày, ứng dụng công nghệ thông tin… mới có thể thực hiện tốt việc xét hỏi tại các phiên tòa.

 

         

 

Anh Minh