Theo Thanh tra VKSND tối cao, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao, hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử (THQCT, KSĐT, KSXX) các vụ án hình sự (thanh tra nghiệp vụ) nói riêng đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Qua thanh tra cho thấy, công tác THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án hình sự của VKSND các cấp ngày càng được nâng cao, hạn chế được nhiều vi phạm thiếu sót. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án hình sự vẫn còn một số thiếu sót, vi phạm. Chính vì vậy, để kịp thời phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục thiếu sót, vi phạm trong công tác THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án hình sự, việc tăng cường công tác thanh tra này là cần thiết.

leftcenterrightdel
Thanh tra VKSND tỉnh Sơn La thanh tra nghiệp vụ tại VKSND huyện Phù Yên. 

Qua thực tiễn công tác, Thanh tra VKSND tối cao đã rút ra những kỹ năng thanh tra công tác THQCT, KSĐT trong ngành KSND. Cụ thể, đối với kỹ năng nắm và phân tích số liệu: cần nắm số liệu trong giai đoạn điều tra, truy tố, tập trung vào số vụ phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, vụ án kéo dài phải gia hạn thời hạn điều tra nhiều lần; số vụ/bị can tạm đình chỉ, số vụ/bị can đình chỉ (phân tích lý do đình chỉ, chú ý đến số đình chỉ theo Điều 29 Bộ luật Hình sự, đình chỉ do bị can không phạm tội).

Về kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, đối với việc nghiên cứu hồ sơ để nhận xét, đánh giá: Hồ sơ kiểm sát điều tra phải được xây dựng và sắp xếp, đánh số bút lục, lập danh mục thống kê tài liệu theo Quy chế công tác THQCT, KSĐT và Quyết định số 590/QĐ ngày 5/12/2014 của Viện trưởng VKSND tối cao. Xác định xem Kiểm sát viên (KSV) đã thực hiện đúng quy trình, thao tác nghiệp vụ theo Quy chế số 07/2008 ngày 2/1/2008 nay là Quy chế số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 không; chất lượng báo cáo, đề xuất, yêu cầu điều tra của KSV; đường lối giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố có bảo đảm đúng quy định của pháp luật không.

leftcenterrightdel
Thanh tra VKSND tỉnh Quảng Trị tiến hành phúc tra tại VKSND huyện Hướng Hoá. 

Bên cạnh đó, cần kiểm tra hồ sơ kiểm sát xem có đầy đủ các thủ tục tố tụng quy định tại Điều 4 Quyết định 590 không; kiểm tra về hình thức và nội dung của các thủ tục tố tụng có bảo đảm đúng quy định của Bộ luật TTHS (ở thời điểm khởi tố) không; căn cứ, thẩm quyền, thời hạn ban hành các thủ tục tố tụng có bảo đảm đúng quy định của Bộ luật TTHS (ở thời điểm khởi tố) không. Chú ý đến các thao tác của KSV được phân công giải quyết vụ án.

Mặt khác, cần kiểm tra các tài liệu điều tra như: Biên bản khám nghiệm hiện trường; sơ đồ hiện trường, khám nghiệm tử thi; xem xét dấu vết trên thân thể, trên phương tiện, đồ vật; tài liệu xác định thương tích; các quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung, giám định lại; các bản kết luận giám định; các quyết định trưng cầu định giá tài sản, biên bản định giá tài sản; các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung, bản tường trình của bị can, bị hại, người làm chứng; tuổi chịu trách nhiệm hình sự của bị can; quá trình hoạt động của bản thân, trình độ văn hoá, dân tộc, tôn giáo, tiền án, tiền sự; các chứng từ, hoá đơn và các tài liệu khác giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự… để xác định có được thực hiện theo Quy chế kiểm sát điều tra số 111/QĐ-VKSTC, hình thức, nội dung các tài liệu này có đúng quy định không; có được thu thập theo trình tự tố tụng hình sự không; có được dùng làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can không. Chú ý đến các thao tác của KSV được phân công THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với vụ án.

Trong việc kiểm tra các tài liệu kết thúc điều tra: Kiểm tra về thời hạn kết thúc điều tra và thời hạn chuyển giao hồ sơ sang Viện kiểm sát; nội dung bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố hoặc kết luận điều tra và đình chỉ điều tra có phù hợp với các tài liệu, chứng cứ thể hiện trong hồ sơ không; kiểm tra về tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ; thẩm quyền đình chỉ; kết luận kiểm sát về việc đình chỉ có đúng quy định tại Điều 63, 64 Quy chế kiểm sát điều tra số 111/QĐ-VKSTC và Điều 157, Điều 229, Điều 230, Điều 232 Bộ luật TTHS 2015 không. Chú ý đến các thao tác của KSV được phân công THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với vụ án.

Ngoài ra, khi kiểm tra các tài liệu trong giai đoạn truy tố, cần chú ý kiểm tra các thao tác nghiệp vụ của KSV, kiểm tra thẩm quyền truy tố, thời hạn truy tố, việc gia hạn thời hạn tạm giam để truy tố có đúng quy định tại Điều 239, 240, 241, 243 Bộ luật TTHS 2015 không; việc truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không; có bỏ lọt tội phạm không; báo cáo truy tố của KSV và phê duyệt của lãnh đạo về dự thảo cáo trạng… có đúng trình tự, thủ tục không; báo cáo đề xuất của KSV và phê duyệt của lãnh đạo về việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố, căn cứ, thẩm quyền đình chỉ… có đúng quy định của pháp luật không.

Thanh tra VKSND tối cao cũng lưu ý, kết thúc thanh tra, phải làm rõ được căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tài liệu làm căn cứ kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ có phù hợp với tài liệu có trong hồ sơ vụ án không. Đối với hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018 chưa khởi tố hoặc đã khởi tố, phải so sánh với các quy định mới của pháp luật sau ngày 1/1/2018 để áp dụng các tình tiết có lợi cho bị can làm căn cứ truy tố hoặc đình chỉ điều tra. Đồng thời, kiểm tra các tài liệu hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp trên, biên bản các cuộc họp trong đơn vị hoặc liên ngành bàn về đường lối giải quyết vụ án; các văn bản báo cáo và ý kiến của cấp uỷ địa phương về giải quyết vụ án; các đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra, truy tố; biện pháp và kết quả giải quyết.

Đắc Thái