leftcenterrightdel
 Lấy lời khai một đối tượng xâm hại tình dục trẻ em.

Thời gian gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng có chiều hướng gia tăng và ở mức báo động; đã trở thành một vấn nạn của xã hội; xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và sự phát triển của thế hệ tương lai đất nước. Gây tâm lý hoang mang, bất bình trong dư luận, đặc biệt đối tượng bị xâm hại không chỉ trẻ em gái mà còn có cả các trẻ em nam. Đáng nói, sau khi bị xâm hại nạn nhân thường không dám kể về những gì đã xảy ra; nguy cơ sự việc bị “lặp đi lặp lại”, việc bị “tấn công tình dục” liên tiếp xảy ra bởi những người thân thích và có thể diễn ra ở bất kỳ nơi nào, từ ngôi trường hay chính trong ngôi nhà của các em đang ở. Điển hình:

Vụ thứ nhất, từ cuối tháng 12/2020 đến đầu tháng 4/2021 tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, Trần Ngọc Ba đã nhiều lần thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái với ý muốn đối với 2 con gái đẻ của mình là cháu T.D, SN 2/9/2006 và cháu T.T, SN 2015 (thời điểm này mẹ đẻ của các cháu đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út). Hiện, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam của Cơ quan CSĐT Công an cùng cấp đối với Trần Ngọc Ba về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Vụ thứ hai, vụ án bố ruột hiếp dâm con đẻ suốt nhiều năm liền không bị phát hiện, khi đến lớp cô giáo thấy cháu có những biểu hiện bất thường đã động viên cháu bé làm đơn trình báo cơ quan chức năng.

Theo đó, từ tháng 7/2015 đến tháng 9/2018 tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, Nguyễn Võ Tiến Hoàng thực hiện hành vi hiếp dâm con gái ruột của mình là cháu K.H; thời điểm bị xâm hại lần đầu tiên cháu K.H vào khoảng 11 tuổi 5 tháng, đến thời điểm xâm lần cuối cùng cháu K.H 14 tuổi 6 tháng 15 ngày. TAND tỉnh Đắk Lắk đã xử phạt Hoàng 20 năm tù về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Vụ thứ ba, mới đây nhất, ngày 24/6/2021 VKSND Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Cáo trạng truy tố bị can Võ Văn Định về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Theo Cáo trạng, trong thời gian ở chung phòng trọ, từ ngày 12/10/2020 đến ngày 27/10/2020, Võ Văn Định đã 2 lần thực hiện hành vi giao cấu với cháu ruột của mình, là cháu M, sinh năm 2005. Tại thời điểm hành vi của Định bị phát giác, cháu M có thai 7 tuần tuổi.

Thống kê trong 5 năm (2016 - 2020), các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 214 vụ/229 bị can; truy tố 203 vụ/228 bị can; xét xử 175 vụ/220 bị cáo về các tội xâm hại trẻ em. Trong đó, có 190 trường hợp bị xâm hại tình dục, tập trung vào các tội Hiếp dâm trẻ em, Dâm ô với trẻ em, Giao cấu với trẻ…

Hậu quả, có 8 trường hợp bị tử vong; 163 trường hợp bị tổn thương bộ phận sinh dục; 13 trường hợp có thai; 7 trường hợp phải bỏ học và 160 trường hợp bị tác động mạnh, mang thương tật về thể chất, tinh thần thường xuyên có thái độ lo sợ, tự ti từ đó làm suy giảm nhận thức và mất năng lực giao tiếp xã hội.

Những con số vô cùng xót xa, nhưng chỉ là “bề nổi của tảng băng” khi mà phần lớn hành vi xâm hại trẻ em còn chưa bị phát hiện do đe dọa, dụ dỗ hoặc do e ngại, sợ điều tiếng mà chính nạn nhân hoặc gia đình không lên tiếng tố cáo.

Điểm chung lớn nhất trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em là các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại là những người thân quen hoặc thường xuyên gần gũi các em (theo thống kê, tại tỉnh Đắk Lắk đối tượng này chiếm hơn 60%);  những “số liệu” được nêu lên tại các loại báo cáo, không chỉ riêng tại tỉnh Đắk Lắk mà trên cả nước, chỉ là một phần rất nhỏ, chưa phản ánh đầy đủ tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bởi một số khó khăn, vướng mắc sau:

Về nhận thức: Nhận thức của người nhà nạn nhân họ còn xấu hổ và mặc cảm bởi các định kiến xã hội, thiếu niềm tin vào công lý, thiếu hiểu biết về quyền được tiếp cận công lý và các dịch vụ hỗ trợ tại địa phương, điều đáng nói là một số ít gia đình có xu hướng thoả thuận bồi thường với người xâm hại. Việc trình báo cơ quan chức năng thường diễn ra sau nhiều ngày xảy ra sự việc, không có nhân chứng và chứng cứ, đa số chỉ thu thập lời khai của trẻ để làm căn cứ buộc tội nên rất “mong manh”.

Về quy định pháp luật: Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP, theo đó đã Hướng dẫn cụ thể hành vi quan hệ tình dục khác và hành Dâm ô, tuy nhiên khái niệm Dâm ô vẫn còn trừu tượng, khó áp dụng. Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 không bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y về xâm phạm tình dục cũng là trở ngại trong quá trình thu thập chứng cứ. Mức hình phạt đối với hành vi hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 142 BLHS còn quá nhẹ so với yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện nay.

Về thu thập, đánh giá chứng cứ: Khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục đối trẻ em, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử bị cáo về tội danh gì thì cần phải có kết luận giám định pháp y và những vật chứng có liên quan để làm căn cứ, khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội và sẽ bị khởi tố điều tra, truy tố, xét xử về tội gì trong các tội xâm hại tình dục trẻ em.

Trên thực tế có nhiều vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em nhưng không đủ cơ sở để đưa người phạm tội ra trước pháp luật. Có nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, khi gia đình biết đã lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến khai báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên vô hình chung đã tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa dấu vết. Có những trường hợp sau khi bị xâm hại một thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội do sợ danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nơi vắng vẻ, hoặc lợi dụng trẻ em không có người chăm sóc nên thường không có nhân chứng trực tiếp và thường được phát hiện muộn nên rất khó thu thập chứng cứ sinh học hoặc dấu vết không có giá trị chứng minh; việc tổ chức khám nghiệm, thu giữ mẫu vật không kịp thời; đối tượng thường “chối tội”, chỉ có lời khai của bị hại nhưng cũng không nhất quán bởi lẽ do tâm lý, nhận thức của trẻ chưa ổn định, lại bị dư chấn tâm lý về hành vi xâm hại tình dục nên lời khai thường không trọng tâm, thiếu chính xác, thậm chí thay đổi lời khai hoặc khai theo ý của người giám hộ nên khó thu thập chính xác.

Mặt khác, người đại diện hợp pháp của bị hại không muốn hợp tác với Cơ quan điều tra, thậm chí từ chối giám định, từ chối khai báo hoặc thay đổi lời khai do sợ ảnh hưởng đến tâm sinh lý, cuộc sống sau này của con em mình. Do vậy, việc thu thập chứng cứ đầy đủ chính xác gặp nhiều khó khăn, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này.

Từ những khó khăn, vướng mắc đó dẫn đến chứng cứ thu thập được chưa đảm bảo nên cơ quan tiến hành tố tụng không đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì sợ oan, sai.

Với bối cảnh hội nhập của xã hội như hiện nay, dự báo trong thời gian tới, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng lên. Đây là loại tội phạm làm suy thoái đạo đức xã hội, đạo đức gia đình, trực tiếp đe dọa phá vỡ nền tảng đạo đức, văn hóa của xã hội. Vì vậy cần xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các Ngành và toàn xã hội để chung tay phòng ngừa và đấu tranh tội phạm xâm hại trẻ em một cách hiệu quả nhất.

Hiểu rõ tầm quan trọng của công tác này, trong thời gian qua lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo hai cấp Kiểm sát thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này. Kết quả trong 5 năm, Liên ngành tư pháp tỉnh Đắk Lắk không để xảy tra bất kỳ trường hợp nào bỏ lọt tội phạm, đình chỉ điều tra, tòa tuyên không phạm tội đối với những hành vi thuộc nhóm tội này, góp phần giữ vững tình hình trật tự, an ninh chính trị trên địa bàn. 

Để đạt được những kết quả như vậy, ngành KSND tỉnh xin có một số kinh nghiệm như sau:

Một là, Lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo VKSND hai cấp phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để phân loại án, nhóm tội ngay từ giai đoạn tố giác, tin báo tội phạm, chủ động đề ra yêu cầu xác minh, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu thập chứng cứ, truy nguyên người, phương pháp chiến thuật khám nghiệm…

Đối với những tố giác, tin báo, những vụ án hình sự xâm hại trẻ em phức tạp, có nhiều quan điểm trái chiều nhau về chứng cứ, tội danh, Viện kiểm sát đã chủ động mời Công an và Tòa án họp bàn để thống nhất quan điểm xử lý, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong liên ngành.

Những năm qua công tác phối hợp liên ngành được duy trì thường xuyên, hàng tháng, hàng quý, hàng năm, liên ngành đều tổ chức họp sơ kết, tổng kết để rà soát, phân tích, đánh giá về nguyên nhân của những tồn tại, thiếu sót trong việc xử lý các vụ án về xâm hại trẻ em để kịp thời khắc phục. Trong quá trình phối hợp, các ngành đều tạo điều kiện thuận lợi cho nhau để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với VKSND cấp huyện về việc thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ của Ngành như: Năm 2019 VKSND tỉnh đã tiến hành kiểm tra đối với 8 VKSND cấp huyện và kiểm tra liên ngành đối với 3 VKSND cấp huyện, thị xã, thành phố. Qua công tác kiểm tra, giám sát của VKSND tỉnh đối với VKSND cấp huyện đã chỉ ra nhưng vi phạm, thiếu sót của đơn vị được kiểm tra để khắc phục sai sót, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; phòng chống oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Đặc biệt đối với các tin báo xâm hại tình dục trẻ em, sau khi Cơ quan điều tra ra Quyết định không khởi tố, VKSND cấp huyện phải kiểm sát việc không khởi tố và báo cáo về phòng nghiệp vụ, sau khi VKSND tỉnh kiểm tra nếu không có căn cứ sẽ yêu cầu VKSND cấp huyện hủy Quyết định không khởi tố của Cơ quan CSĐT Công an huyện.

Điển hình như vụ hiếp dâm trẻ em xảy ra ngày 8/3/2018, Y Boi Kbuôr đã thực hiện hành vi hiếp dâm cháu H’L (sinh ngày 12/9/2009) tại vườn tiêu của gia đình mình ở buôn Ea Ktur, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Gia đình cháu H’L đã làm đơn tố cáo Y Boi Kbuôr có hành vi hiếp dâm cháu H’L. Tuy nhiên quá trình xác minh giải quyết tin báo, Điều tra viên, Kiểm sát viên của Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Kuin và VKSND huyện Cư Kuin không đánh giá đúng chứng cứ xác định hành vi phạm tội của Y Boi Kbuôr; Khi Y Boi Kbuôr thay đổi lời khai, cho rằng mình chỉ có hành vi sờ mó vào người cháu H’L chứ không thực hiện hành vi hiếp dâm cháu H’L.

Điều tra viên, Kiểm sát viên không căn cứ vào các tài liệu chứng cứ ban đầu đã thu thập để đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của Y Boi mà chỉ ghi nhận lời khai của Y Boi khai sờ soạng bộ phận sinh dục cháu H’L để thỏa mãn dục vọng và không thừa nhận hành vi quan hệ tình dục với cháu H’L.

Từ đó, Cơ quan Điều tra, căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh và xác định hành vi của Y Boi Kbuôr là hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 BLHS, tính tới thời điểm phạm tội Y Boi chưa đủ 18 tuổi, không cấu thành tội này nên đã thống nhất quyết định không khởi tố vụ án hình sự về tội: Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 BLHS và Kết thúc xác minh tin báo là không đúng quy định của pháp luật. 

Sau khi kiểm tra hồ sơ tố giác, tin báo về tội phạm nêu trên, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu hủy bỏ Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an huyện và yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Y Boi Kbuôr về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” để xử lý theo quy định. Tại Bản án sơ thẩm số 25 ngày 20/5/2019 của TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên bố bị cáo Y Boi Kbuôr phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và tuyên phạt bị cáo Y Boi Kbuôr 13 năm tù).

Hai là, Đối với các loại tội về xâm hại trẻ em, Liên ngành hai cấp đều phối hợp thống nhất tập trung giải quyết nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật. Khi tiếp nhận tin báo đã nhanh chóng thu thập chứng cứ để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đối với loại tội này, Viện kiểm sát và Tòa án đều tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm chung cho Thẩm phán, Kiểm sát viên góp phần nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho những người tiến hành tố tụng.

Điểm nổi bật là, VKSND tỉnh Đắk Lắk cùng Công an, Hội liên hiệp phụ nữ, Tòa án tỉnh Đắk Lắk thống nhất ký kết Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn 2019 - 2022,  nhằm mục đích bảo đảm các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, công bằng, nghiêm minh, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái.

Các VSKND cấp huyện tại tỉnh Đắk Lắk đã và đang xây dựng Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cùng cấp về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Theo đó, Quy chế quy định cụ thể những hoạt động “cần thực hiện ngay” của Cơ quan CSĐT và Viện kiểm sát khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Từ đó, cụ thể hóa, chi tiết hóa những hoạt động của Viện kiểm sát và Cơ quan CSĐT nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án, như: phân công rõ cơ quan nào có trách nhiệm thông báo cho Phòng LĐTB và XH, bác sỹ hoặc chuyên gia tâm lý, cán bộ chăm sóc, giáo dục trẻ em; việc bắt buộc trưng cầu giám định pháp y; xác định tuổi, nhân thân, hoàn cảnh bị hại... Đây là những hoạt động thể hiện rõ quan hệ phối hợp của liên ngành, phù hợp với tinh thần của Chỉ thị số 18 ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Ba là, Phối hợp cơ quan liên quan thực hiện đúng các quy định của Pháp luật, quá trình điều tra, truy tố, xét xử luôn đảm bảo người bị hại là trẻ em có người giám hộ, tổ chức đoàn thể (thanh niên, phụ nữ), nhà trường (thầy, cô giáo) và mời luật sư tham gia bào chữa theo quy định; Các bị cáo đều bị áp dụng khung hình phạt nghiêm khắc, bảo đảm tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung trên địa bàn. 

Bốn là, Hàng năm VKSND tỉnh đều xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án về “Đấu tranh phòng, chống xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người” với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia, triển khai đồng bộ,có hiệu quả công tác phòng, chống loại tội phạm này…

Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các đạo luật liên quan (như góp ý dự thảo“Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”...).

Năm là, Qua khảo sát, trẻ bị xâm hại rơi nhiều vào các trường hợp gia đình tan vỡ, bố mẹ ly hôn . Xác định mấu chốt này, lãnh đạo VKSND tỉnh đã quán triệt đến VKSND hai cấp, đặc biệt là Kiểm sát viên làm ở các khâu hình sự và dân sự, trong quá trình tiếp xúc đương sự hoặc luận tội, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát phải lồng ghép nội dung tuyên truyền chống xâm hại tình dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức và phát huy trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với việc quản lý, giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Hiện nay VKSND tỉnh Đắk Lắk đang tổng hợp số liệu liên quan để ban hành kiến nghị đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và đề ra các giải pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Sáu là, Chỉ đạo Tổ tuyên tuyền và Ban biên tập VKSND tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đăng tải trên trang thông tin điện tử các bài viết có nội dung về giáo dục pháp luật, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của loại tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục tại cơ quan, trường học... để mọi người dân và tự bản thân trẻ em nâng cao ý thức phòng ngừa. Đặc biệt, phối hợp cùng các tổ chức, các đơn vị VKSND cấp huyện tổ chức tuyên truyền dưới hình thức phiên tòa giả định tại vùng sâu vùng xa, vùng đặc thù tội phạm…

Để nâng cao hơn nữa chất lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, VKSND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị một số vấn đề sau đây:

Một, Xác định một trong những nguyên nhân chính để xảy ra tội phạm về loại tội này là do “chủ quan”, coi công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em là nhiệm vụ riêng của ngành Công an mà quên mất việc việc giáo dục giới tính, nhân cách, kỹ năng sống, nhất là các kỹ năng phòng chống xâm phạm tình dục cho trẻ thuộc về cộng đồng và trường học. Vì vậy, cần kiến nghị Bộ Giáo dục đào tạo phải đưa vào khung chương trình học của nhà trường, bắt đầu từ cấp tiểu học để các cháu được trang bị vốn kiến thức cơ bản để tự bảo vệ chính mình.

Hai, Nguyên nhân lớn nhất gây khó xử lý trong các vụ án xâm hại trẻ em là thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm, việc thu thập chứng cứ này chủ yếu phụ thuộc vào kết quả giám định. Vì vậy, cần quy định riêng một quy trình giám định đối với loại tội phạm này. Bảo đảm thủ tục, thời gian giám định đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

Ba là, Kiến nghị Chính phủ tiến hành triển khai đến các địa phương việc “xã hội hóa” lắp đặt hệ thống camera tại những địa điểm nhạy cảm, góp phần đẩy mạnh phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, gắn công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ và chăm sóc trẻ em với việc thực hiện các phong trào lớn như “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - tại khu dân cư”; “Phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc”... 

Bốn là, Kiến nghị các Bộ, Ban, Ngành quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép kinh doanh và tăng cường, thường xuyên quản lý các hoạt động kinh doanh nhạy cảm như karaoke, masage, khách sạn…và các ấn phẩm nhập khẩu, loại hình vui chơi giải trí liên quan, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vi phạm có thể tác động làm nảy sinh tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em. 

Từ những bài học và kinh nghiệm nêu trên, VKSND hai cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả, bám sát và đáp ứng kịp thời những yêu cầu của nhiệm vụ của Ngành; Đã làm tốt việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác chuyên môn nghiệp vụ; tập trung cao việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoàn thành toàn diện các chương trình, nhiệm vụ của Ngành đã đề ra./.

Phạm Quang Hưng - Trường Lưu