VKSND tối cao vừa ban hành công văn số 1209/VKSTC-V4 gửi Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Thủ trưởng một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện quản lý, giải quyết vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo Thông tư liên tịch số 01/2020.

Theo VKSND tối cao, việc ban hành công văn nhằm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020, Kế hoạch trọng tâm số 01/KH-VKSTC ngày 5/1/2021 của VKSND tối cao và kết luận của lãnh đạo liên ngành Bộ Công an - VKSND tối cao tại Hội nghị liên ngành triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 1/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ (Thông tư liên tịch số 01/2020).

Cùng với đó, việc ban hành công văn còn nhằm mục đích giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng qua nhiều năm những vụ án tạm đình chỉ đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có căn cứ để ra quyết định đình chỉ nhưng chưa được đình chỉ, cũng như các vụ việc tạm dừng xác minh, tạm đình chỉ giải quyết đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự nhưng chưa ra được quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Đồng thời đưa các vụ án chưa đủ điều kiện ra quyết định đình chỉ, các vụ việc tạm đình chỉ chưa đủ điều kiện ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vào quản lý, giải quyết theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch 01/2020, bảo đảm không để xảy ra tình trạng lạm dụng việc tạm đình chỉ để che giấu khuyết điểm cũng như không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

VKSND tối cao yêu cầu Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện một số nội dung và báo cáo kết quả về VKSND tối cao.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm do VKSND tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, đối với các vụ án tạm đình chỉ, Viện kiểm sát phải chốt số liệu về số vụ án hình sự tạm đình chỉ tại thời điểm Thông tư liên tịch 01/2020 có hiệu lực (trong đó nêu rõ bao nhiêu vụ án tạm đình chỉ chưa khởi tố bị can, bao nhiêu vụ án tạm đình chỉ đã khởi tố bị can, bao nhiêu vụ tạm đình chỉ tại Cơ quan điều tra? tại Viện kiểm sát? tại Tòa án?).

Trên cơ sở số liệu đã chốt (với Cơ quan điều tra, với Tòa án và tại Viện kiểm sát) về vụ án hình sự tạm đình chỉ cần báo cáo rõ tính đến ngày 31/3/2021: Cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định đình chỉ điều tra bao nhiêu vụ án, bao nhiêu bị can theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2020.

Số vụ án, bị can mà theo thời hạn thụ lý trong sổ sách theo dõi đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định đình chỉ. Lý do chưa ra quyết định? quan điểm giải quyết của liên ngành tố tụng cùng cấp.

Số vụ án, bị can tạm đình chỉ chưa đủ điều kiện đình chỉ còn lại bao nhiêu? Trong số này có bao nhiêu vụ án, bị can được phục hồi điều tra đã xử lý khi có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật? Số vụ án tạm đình chỉ còn lại được quản lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2020?

Đối với các vụ việc tạm dừng xác minh, tạm đình chỉ việc giải quyết, Viện kiểm sát phải chốt số liệu với cơ quan có thẩm quyền điều tra về số vụ việc đang tạm dừng xác minh, tạm đình chỉ việc giải quyết tại thời điểm Thông tư liên tịch số 01/2020 có hiệu lực.

Trên cơ sở số liệu đã chốt về số vụ việc tạm dừng xác minh, tạm đình chỉ việc giải quyết cần báo cáo rõ tính đến ngày 31/3/2021: Cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự bao nhiêu vụ việc theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2020.

Số vụ việc có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 01/2020 ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự? Lý do chưa ra quyết định? quan điểm giải quyết của liên ngành tố tụng cùng cấp?

Số vụ việc tạm dừng xác minh, tạm đình chỉ việc giải quyết qua rà soát thấy có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự đã được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra?

Số lượng vụ việc tạm dừng việc xác minh qua rà soát chưa đủ căn cứ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là bao nhiêu? Đối với số vụ việc này Viện kiểm sát đã trao đổi, yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi việc giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2020 bao nhiêu?

Ngoài ra, công văn nêu rõ, Văn phòng VKSND tối cao, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao trong việc theo dõi, hướng dẫn việc thống kê, báo cáo kết quả việc quản lý và giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo Thông tư liên tịch số 01/2020 trong ngành Kiểm sát; phân công Vụ 4 là đơn vị đầu mối tham mưu, giúp lãnh đạo VKSND tối cao trong công tác quản lý và giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ trong Ngành Kiểm sát và trong quan hệ phối hợp với các ngành tham gia ký kết Thông tư liên tịch, khi cần thiết tiến hành kiểm tra việc thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị trong Ngành.

Đối với quan hệ phối hợp với ngành Công an, Vụ 4 thực hiện theo kết luận của lãnh đạo liên ngành Bộ Công an - VKSND tối cao tại Hội nghị liên ngành triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020.

VKSND tối cao yêu cầu Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về VKSND tối cao (qua Vụ 4) trước ngày 15/4/2021 (Báo cáo này do lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện duyệt, ký).
P.V