Trong lựa chọn án, đơn vị đã chủ động lựa chọn vụ án điển hình ở địa phương, các vụ án nổi cộm được cấp ủy, chính quyền và dư luận quan tâm như: Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; Gây rối trật tự công cộng; Mua bán trái phép chất ma túy; Cố ý gây thương tích… hoặc những vụ án bị cáo không nhận tội, khai báo không thành khẩn, có nhiều mâu thuẫn, những vụ án có tính chất nghiêm trọng để tổ chức xét xử rút kinh nghiệm.

Điển hình như vụ án Đào Duy Tùng phạm tội Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; vụ Tăng Văn Chí và đồng phạm phạm tội Đánh bạc… Đối với các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động tập trung các vụ án có tranh chấp điển hình xảy ra tại địa phương, có nhiều người tham gia tố tụng, có nhiều nội dung xét hỏi như tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về chia di sản thừa kế, tranh chấp về hợp đồng mua bán điện…

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Thị Băng Tâm, Viện trưởng VKSND TP Hải Dương nghe Kiểm sát viên báo cáo trước khi xét xử các vụ án. 

Lãnh đạo Viện thực hiện việc phân công KSV có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án, có vụ án do Lãnh đạo Viện trực tiếp xét xử vụ án để tổ chức rút kinh nghiêm chung. Để làm tốt chức năng THQCT- KSXX tại phiên tòa, KSV được phân công phải kiểm sát điều tra vụ án ngay từ khi khởi tố, nắm chắc các chứng cứ, tài liệu điều tra, kịp thời báo cáo lãnh đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Trước khi xét xử, KSV phải chuẩn bị đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, dự kiến các vấn đề cần tranh luận, đối đáp tại phiên tòa để Lãnh đạo duyệt, đồng thời tập hợp các văn bản có liên quan đến căn cứ để buộc tội, gỡ tội, đề nghị áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo đúng quy định của pháp luật. 

Trong xét xử, KSV vừa thực hành quyền công tố, kiểm tra chứng cứ đã thu thập trong quá trình điều tra, luận tội để bảo vệ cáo trạng, vừa kiểm sát hoạt động của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, kịp thời nắm bắt, bổ sung những diễn biến mới tại phiên tòa. Trên cơ sở đó đề nghị đường lối xét xử một cách toàn diện để HĐXX quyết định hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội bị cáo đã gây ra cũng như làm tăng hiệu quả của tuyên truyền pháp luật, nâng cao vị thế của KSV tại phiên tòa.

Việc tổ chức tham dự các phiên tòa rút kinh nghiệm cũng được đơn vị quan tâm. Các KSV, Kiểm tra viên, chuyên viên trong đơn vị đều tham dự các phiên tòa rút kinh nghiệm để nghiên cứu, học tập. Đặc biệt là chú trọng công tác đào tạo đối với các Kiểm tra viên, chuyên viên. Sau mỗi phiên tòa đơn vị đều tiến hành tổ chức họp rút kinh nghiệm.

Tại cuộc họp rút kinh nghiệm những đồng chí dự phiên tòa tham gia ý kiến đóng góp những ưu điểm, tồn tại của KSV khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử như: Tư thế, tác phong, trang phục của KSV tại phiên tòa, việc xây dựng bản Cáo trạng, xây dựng Luận tội, đề cương xét hỏi, dự kiến tình huống tranh luận, kỹ năng tranh luận đối đáp với Luật sư và những người tham gia tố tụng khác; kiểm sát hoạt động việc tuân theo pháp luật trong xét xử của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng.

leftcenterrightdel
Phiên tòa xét xử vụ việc liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 mà Lãnh đạo VKSND TP Hải Dương cùng tham gia xét xử rút kinh nghiệm.

Có thể nói việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã đem lại nhiều chuyển biến mới tích cực. Những mặt hạn chế trước đây về chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của KSV tại các phiên tòa được khắc phục. Kết quả trong năm đơn vị đã tổ chức được 30 phiên tòa rút kinh nghiệm hình sự; 9 phiên tòa rút kinh nghiệm dân sự, kinh doanh thương mại, lao động trong đó có 2 phiên tòa rút kinh nghiệm mở rộng.

Các phiên tòa rút kinh nghiệm của được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, từ khâu lựa chọn vụ án để xét xử có các tình huống phức tạp, thực hiện việc trình chiếu, công bố hình ảnh tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; tổ chức tham dự các phiên tòa, tổ chức họp để đánh giá ưu, khuyết điểm vừa để học tập, vừa rút kinh nghiệm.

Thực tế cho thấy qua tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ thẩm vấn, kỹ năng tranh luận, xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa của KSV. Các KSV nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí rất quan trọng của mình tại phiên tòa. KSV đều chú trọng nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra vụ án, chất lượng nghiên cứu hồ sơ các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, tại phiên tòa KSV chủ động hơn trong việc xét hỏi làm rõ nội dung vụ án.

Vì vậy, chất lượng xét xử, chất lượng tranh luận từng bước được nâng lên rõ rệt. Thông qua tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, đơn vị đánh giá cán bộ chính xác, toàn diện, từ đó phân công cán bộ, KSV phù hợp năng lực nghiệp vụ, xây dựng phương hướng đào tạo bồi dưỡng phát huy những điểm mạnh, khắc phục những yếu kém để KSV nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu về chiến lược cải cách tư pháp. Qua đó đề cao vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo đơn vị trong chỉ đạo, giải quyết vụ án.

Nguyễn Thị Băng Tâm – Viện trưởng VKSND TP. Hải Dương