Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc
Cách TP Vinh khoảng 120 km về phía Tây, là một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, Con Cuông có 12 xã, dân số trên 78.000 người, diện tích hơn 1.680km2. Trong đó, có 2 xã giáp với huyện Xây Xăm Phon, tỉnh Bolikhamxay thuộc đất nước Lào, với đường biên giới 61,8km. Tuy có đường biên giới dài với Lào nhưng ở đây không có cửa khẩu để giao thương mà chỉ có những đường tiểu ngạch nhỏ lẻ.
|
|
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành huyện Con Cuông (Nghệ An). Ảnh: PV |
Con Cuông cũng là huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển nông - lâm nghiệp và du lịch, thương mại, có Vườn quốc gia Pù Mát, là khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Huyện Con Cuông cũng là nơi phong phú về loại hình rừng, thảm thực vật cùng với các danh thắng, di tích như: thác Khe Kèm, thác Bổ Bố,... và nhất là 67 nghìn ha rừng thuộc Vườn quốc gia Pù Mát, với hơn 6 nghìn ha thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống… đã tạo cho huyện nhiều tiềm năng du lịch, có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Đây cũng là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó có dân tộc Đan Lai- một tộc ít người, trước đây có nguy cơ tuyệt chủng vì đói nghèo, lạc hậu, hôn nhân cận huyết thống. Do địa hình sinh sống hiểm trở, xa xôi, tập tục, đời sống lạc hậu và lối sống phụ thuộc vào tự nhiên và viện trợ… của đồng bào nên mặc dù được thiên nhiên ưu đãi nhưng đời sống người dân còn khó khăn.
Do đó, để nâng cao nhận thức của đồng bào nơi đây, công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã được các cấp chính quyền, các cơ quan tư pháp trên địa bàn huyện quan tâm, đẩy mạnh.
|
|
Cán bộ Kiểm sát phối hợp liên ngành huyện Con Cuông tuyên truyền pháp luật đến đồng bào bản Khe Bu, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. |
Trong chuyến công tác tại Nghệ An, phóng viên đã theo chân cán bộ, Kiểm sát viên VKSND huyện Con Cuông về bản Khe Bu, xã Châu Khê để làm tuyên truyền pháp luật cho người dân nơi đây, ghi nhận không ít khó khăn, vất vả của cán bộ Kiểm sát khi phải đi vào những bản xa xôi, đường núi đi gồ ghề, ngoằn ngoèo, cũng như những niềm vui khi mà mỗi buổi tuyên truyền đều có rất đông người dân đến nghe.
Viện trưởng VKSND huyện Con Cuông Lầu Nỏ Tu chia sẻ, những năm qua, ngoài thực hiện tốt công tác chuyên môn, VKSND huyện Con Cuông đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số. Qua những buổi tuyên truyền đã giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, chấp hành đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, từ đó đời sống của người dân cũng dần được nâng lên.
|
|
Họp liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng. |
Bên cạnh đó, VKSND huyện Con Cuông đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy Con Cuông ban hành Chỉ thị số 16-CT/HU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn huyện Con Cuông. Ban hành kiến nghị tổng hợp, kiến nghị phòng ngừa gửi đến Chủ tịch UBND huyện Con Cuông trong công tác hòa giải đất đai tại UBND cấp xã trong các vụ án tranh chấp đất đai...
Trao đổi với phóng viên, ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết: Xã Châu Khê cách trung tâm thị trấn Con Cuông khoảng 16 km, là xã diện tích lớn nhất trong các xã của tỉnh Nghệ An với 10 thôn bản, trong đó có 3 bản làm lúa nước, nghề thủ công, còn 7 bản sống dựa vào nương rẫy, trồng và bảo vệ rừng và khai thác lâm sản phụ. Tỉ lệ hộ nghèo ở Châu Khê vẫn ở mức cao so với trung bình chung. Điển hình như bản Khe Bu, có khoảng 190 hộ dân nhưng chủ yếu là người dân tộc Đan Lai. Trước đây, người dân chủ yếu sống nhờ vào rừng như săn bắn, bẻ măng, lấy nguồn thức ăn từ rừng… nhưng từ khi có các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cán bộ bám bản thường xuyên tuyên truyền cho người dân cách làm ăn, không vi phạm pháp luật, không săn bắn… nên tỉ lệ người vi phạm pháp luật đã giảm hẳn.
Chung tay bảo vệ biên giới, giữ rừng xanh
Do có đường biên giới giáp Lào và diện tích rừng nguyên sinh trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát lớn nên công tác bảo vệ biên giới, bảo vệ rừng, phòng chống tội phạm mua bán ma túy, buôn bán người, buôn bán động vật hoang dã ở Con Cuông được cơ quan chức năng đặc biệt chú ý. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, trong đó có Viện kiểm sát được thực hiện liên tục để trở thành nếp sống tuân thủ pháp luật của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Theo Thiếu tá Hà Ngọc Duy, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Châu Khê, do biên giới trên địa bàn huyện Con Cuông không có cửa khẩu nên tình trạng buôn bán, tội phạm ma túy có phần ít hơn các địa bàn có cửa khẩu. Tuy nhiên, vừa qua, Đồn cũng đã phối hợp với Công an bắt vụ vận chuyển trái phép 170 viên hồng phiến ở huyện Kỳ Sơn về Con Cuông để bán cho các đối tượng nghiện thông qua đường biên giới. Hiện đơn vị cũng đang thực hiện rà soát các đối tượng nghiện trên địa bàn và phối hợp với Công an, Viện kiểm sát để phòng, chống tệ nạn ma túy.
|
|
Viện trưởng VKSND huyện Con Cuông Lầu Nỏ Tu phát biểu tại cuộc họp phối hợp công tác với Đồn Biên phòng Châu Khê. |
“Công tác tuyên truyền pháp luật được đơn vị chú trọng, nhất là đối với người dân tộc Đan Lai, do trình độ nhận thức của họ hạn chế nên công tác tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự phối hợp giữa Biên phòng, Mặt trận Tổ quốc, Công an, Kiểm sát, chúng tôi tuyên truyền về phòng chống ma túy, buôn bán động vật hoang dã, tội phạm mua bán người đã có hiệu quả rõ rệt. Nếu cách đây 5-6 năm, tình trạng các loại xe vào rừng để săn bắn động vật khá phổ biến nhưng giờ thì hoàn toàn không có. Người dân cũng dần ý thức được việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.” - Thiếu tá Hà Ngọc Duy cho hay.
Chia sẻ thêm với phóng viên, Viện trưởng VKSND huyện Con Cuông Lầu Nỏ Tu cho biết, công tác giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn các xã biên giới rất quan trọng. Trong đó, việc phối hợp giữa chính quyền với Công an, Kiểm sát, Tòa án, Biên phòng được triển khai thường xuyên. Các đơn vị liên ngành đã đến trực tiếp về các bản để tuyên truyền pháp luật cho người dân hiểu, thông qua cuộc nói chuyện gần gũi, ngôn từ ngắn gọn, dễ hiểu. Hoặc phối hợp tổ chức các phiên tòa lưu động và vận động người dân tới tham dự để nghe, hiểu nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật.
|
|
Ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông trả lời phỏng vấn Báo Bảo vệ pháp luật. |
Còn theo ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, ngoài việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, chính quyền địa phương và các cơ quan tố tụng còn tuyên truyền về các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động, các hoạt động xâm phạm chủ quyền biên giới, với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng. Ngoài tuyên truyền thông thường, huyện quan tâm tổ chức tuyên truyền cá biệt, như: Giáo dục các đối tượng chậm tiến; cảm hóa giáo dục đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; tham mưu giải quyết các vấn đề búc xúc, tồn tại, không để mâu thuẫn trong nhân dân; vận động nhân dân đấu tranh, ngăn chặn hành vi lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo.
Để nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân trong tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, huyện đã thành lập 11 tổ tự quản 61,8 km đường biên và 11 cột mốc và 24 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản ở 2 xã biên giới.
Tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới trên địa bàn, huyện Con Cuông xác định, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới, nhất là tại địa bàn 2 xã Châu Khê và Môn Sơn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới. Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.