Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, có nhiều văn bản hướng dẫn việc xác định tội danh về: Cấu thành tội độc lập, cấu thành tội ghép (hành vi này là tiền đề để thực hiện hành vi kia - chuỗi hành vi). Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng đối với từng vụ án cụ thể còn có những quan điểm chưa thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
|
|
Tang vật một vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước và mua bán tài khoản ngân hàng số lượng lớn, do Công an tỉnh Bắc Giang triệt phá. (Ảnh: CABG). |
Nội dung vụ án: Nguyễn Văn S là giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên “KV”, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bê tông thương phẩm và dịch vụ ép cọc bê tông. Để đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ đá vôi, mỏ đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường tại tỉnh TQ.
Ngày 8/10/2023, Nguyễn Văn S đã chỉ đạo Nguyễn Thị H (Kế toán của Công ty) tìm hình ảnh giấy phép khai thác khoáng sản của công ty khác trên địa bàn tỉnh HG để chỉnh sửa, làm thành giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho Công ty “KV”. Nguyễn Thị H đã tìm được File định dạng PDF giấy phép khai thác khoáng sản số 1192/GP-UBND ngày 21/6/2019 của UBND tỉnh HG cấp cho Công ty TNHH sản xuất và thương mại “LA”; H in giấy phép số 1192, rồi sử dụng máy tính, đánh máy và căn chỉnh dòng chữ "Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên KV" cho phù hợp với cỡ chữ và độ dài của tên "Công ty TNHH sản xuất và thương mại LA" trên Giấy phép khai thác khoáng sản số 1192, dùng keo dán đè lên các dòng chữ "Công ty TNHH sản xuất và thương mại LA", sau đó sao chụp, in ra.
Ngày 10/10/2023, Nguyễn Văn S đã có hành vi sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản giả (đã được Công chứng) nộp cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh TQ để tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ đá vôi, mỏ đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường tại tỉnh TQ.
Quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh TQ phát hiện Giấy phép khai thác khoáng sản số 1192/GP-UBND ngày 21/6/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh HG có trong bộ hồ sơ của Công ty “KV” đăng ký tham gia đấu giá là giả.
Trong quá trình giải quyết vụ án, hiện còn có quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh đối với Nguyễn Văn S.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Nguyễn Văn S đã thực hiện chuỗi hành vi, hành vi Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức là tiền đề để thực hiện hành vi Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Do đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn S phải nêu đầy đủ hành vi “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự (BLHS), nhưng chỉ chịu hình phạt một tội (tương tự như áp dụng đối với các tội ghép quy định tại Điều 304, 305, 306 BLHS).
Quan điểm thứ hai cho rằng, Nguyễn Văn S phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và phải chịu hình phạt của hai tội độc lập.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ: Trước hết nói về cấu trúc, tên gọi của điều luật “Điều 341. Tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, như vậy ngay tên gọi của điều luật đã phân định rõ hai “tội” danh độc lập được quy định trong cùng một điều luật; khác hoàn toàn so với cấu trúc tên gọi của các Điều luật 304, 305, 306 BLHS. Cụ thể, “Điều 304. tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” , việc ngăn cách giữa các hành vi (tội danh) chỉ là dấu phẩy (,), không ngăn cách hành vi bằng dấu chấm phẩy (;) và nêu rõ “tội” như quy định tại Điều 341 BLHS. Vì vậy, không thể vận dụng các văn bản hướng dẫn xử lý như các tội ghép quy định tại Điều 304, 305, 306 BLHS.
Về nội dung cấu thành cơ bản của Điều 341 BLHS “…Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị...”, như vậy, “thực hiện hành vi trái pháp luật” là dấu hiệu bắt buộc đối với tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; khác biệt hoàn toàn so với Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; chỉ cần có hành vi “làm” là đã cấu thành tội phạm.
Từ phân tích trên cho thấy, nếu xuôi theo hướng: Hành vi này làm tiền đề thực hiện hành vi kia và cùng xâm hại tới một khách thể, thì nêu đầy đủ các hành vi, nhưng chỉ chịu một hình phạt; phù hợp với các văn bản hướng dẫn về việc sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi lừa đảo (xâm hại tới hai khách thể khác nhau), thì đồng thời phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 và 341 BLHS. Nhưng nhất thiết phải sửa đổi lại cấu trúc của điều luật như đã nêu trên.
Trên đây là quan điểm của tác giả về việc áp dụng pháp luật đối với vụ án cụ thể, rất mong được sự quan tâm tham gia ý kiến của các bạn đọc.