Thực hiện nghiêm các biện pháp trong Chỉ thị số 04/CT-VKSTC

Về nhiệm vụ trọng tâm, Hướng dẫn số 09 nêu rõ, lãnh đạo Viện kiểm sát (VKS) các cấp xác định nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm trong Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; chủ động kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ án có dấu hiệu oan, sai; tích cực giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan; giải quyết dứt điểm các trường hợp yêu cầu bồi thường phức tạp, kéo dài.

Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 09/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Lãnh đạo VKS các cấp chỉ đạo, kiểm tra Kiểm sát viên xây dựng kế hoạch xét hỏi, tranh tụng có chất lượng và thuyết phục, nhất là đối với những vụ án bị cáo kêu oan, vụ án có nhiều bị cáo, phạm nhiều tội, có nhiều người bào chữa.

Đẩy mạnh công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; chú trọng giải quyết đơn do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyển đến; đơn khiếu nại kêu oan, đơn kêu oan có mức án cao; không để xảy ra trường hợp đơn hết thời hạn kháng nghị nhưng không được xem xét, giải quyết.

Đẩy nhanh tiến độ, xét xử nghiêm minh đối với những vụ án dư luận xã hội quan tâm

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, theo Hướng dẫn, các đơn vị cần chủ động đề ra các biện pháp; phối hợp tốt với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm đẩy nhanh tiến độ, xét xử nghiêm minh đối với những vụ án dư luận xã hội quan tâm, nhất là tội phạm về môi trường, tội phạm công nghệ cao, tội phạm hoạt động theo kiểu băng, nhóm, tội phạm hoạt động tín dụng đen và tội phạm xâm hại trẻ em.

Các Kiểm sát viên phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; nắm chắc và thực hiện đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là các quy định mới về trách nhiệm của VKSND. Nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; không để xảy ra trường hợp VKS truy tố Tòa án xét xử tuyên không phạm tội hoặc bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại có trách nhiệm của VKS; hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp Tòa án xét xử khác quan điểm VKS truy tố. Kiểm sát chặt chẽ hoạt động xét xử, kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án, kịp thời phát hiện vi phạm và kiên quyết kiến nghị yêu cầu Tòa án nơi có vi phạm khắc phục.

Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc nội dung của vụ án, các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, dự kiến các vấn đề cần hỏi, xây dựng kế hoạch tranh luận và đối đáp tại phiên tòa. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động xét hỏi, tranh luận để làm rõ các tình tiết của vụ án, các vấn đề mới phát sinh (nếu có), xác định các nội dung liên quan để định hướng tranh luận, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Khắc phục tình trạng Kiểm sát viên không tranh luận, đối đáp với luật sư và người tham gia tố tụng; triển khai thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm tính thuyết phục trong quá trình xét hỏi và tranh tụng. Đồng thời, kịp thời phát hiện các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có sai sót, vi phạm để báo cáo VKS cấp trên kháng nghị theo thẩm quyền.

leftcenterrightdel
Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2019 của Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7), VKSND tối cao 

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, lập hồ sơ kiểm sát theo đúng quy định tại Điều 5 (Phần thứ hai) Quyết định số 590/VKSTC ngày 5/12/2014 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành quy định về lập hồ sơ kiểm sát án hình sự (Quyết định 590); trích cứu đầy đủ các chứng cứ, tình tiết của vụ án; có báo cáo tổng hợp đề xuất quan điểm, chuẩn bị dự thảo đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội và dự kiến nội dung đối đáp, tranh luận tại phiên tòa. Chú ý các biện pháp kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, đặc biệt là kiểm sát việc tuyên án; kiểm tra biên bản phiên tòa và kiểm tra bản án, quyết định của Tòa án. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, Lãnh đạo các đơn vị phải trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của các bản án, quyết định có kháng cáo, kháng nghị; phát hiện, tổng hợp vi phạm để ban hành kháng nghị, kiến nghị và thông báo rút kinh nghiệm. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, báo cáo đề xuất quan điểm giải quyết vụ án bằng văn bản để lãnh đạo Phòng và lãnh đạo Viện xem xét, quyết định. Lập hồ sơ kiểm sát theo đúng quy định tại Điều 6 (Phần thứ hai) Quyết định số 590 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của các VKSND cấp cao, Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự; kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới phát hiện vi phạm để đề xuất kháng nghị hoặc kiến nghị, thông báo rút kinh nghiệm.

Các VKSND cấp cao cần đẩy mạnh công tác xử lý đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân cấp cao trong việc thực hiện nhiệm vụ này; có quy trình xử lý bảo đảm hiệu quả, đúng luật định; thụ lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đúng thẩm quyền; xác định tiêu chí đánh giá kết quả giải quyết đơn, bảo đảm tỷ lệ xử lý, giải quyết đơn phản ánh đúng kết quả công tác, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội. Đồng thời, lập hồ sơ kiểm sát theo đúng quy định tại Điều 7 (Phần thứ hai) Quyết định số 590 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị ở các thủ tục

Trong công tác kháng nghị phúc thẩm, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19/6/2008 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự”; Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị án hình sự” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị ở các thủ tục, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

Kiểm sát 100% bản án, quyết định của Tòa án, đảm bảo đúng thời hạn và chất lượng để phát hiện vi phạm, kịp thời kháng nghị theo thẩm quyền hoặc đề xuất với VKS cấp trên kháng nghị; kiên quyết kháng nghị và bảo vệ kháng nghị nếu phát hiện có vi phạm và có căn cứ kháng nghị.

Nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm đối với Tòa án cùng cấp. Hạn chế để xảy ra các trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của cấp sơ thẩm có trách nhiệm của VKS nhưng không phát hiện để kháng nghị.

Các VKSND cấp cao và Phòng 7 VKSND tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ việc kháng nghị phúc thẩm và kết quả xét xử gửi VKSND tối cao (Vụ 7) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao. Để có đánh giá chính xác về công tác kháng nghị, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo các phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra gửi đầy đủ số liệu và kết quả xét xử các vụ án có kháng nghị phúc thẩm cho Phòng 7.

Trong công tác kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, các VKSND cấp cao kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tập trung rà soát, nghiên cứu những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng có đơn kêu oan; đơn nêu các dấu hiệu vi phạm tố tụng, đơn bổ sung tình tiết mới, các chất vấn, kiến nghị của Đại biểu quốc hội, cử tri... để rút hồ sơ nghiên cứu, phát hiện vi phạm, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện kháng nghị theo thẩm quyền.

Phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Tòa án nhân dân cấp cao để trao đổi nghiệp vụ, nắm tình hình tiếp nhận và kết quả giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đảm bảo việc giải quyết đơn đúng thời hạn. Định kỳ (6 tháng, một năm) thông báo rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự thuộc phạm vi và thẩm quyền.

Viện trưởng VKSND cấp dưới phải báo cáo VKS cấp trên về các bản án, quyết định có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm để kháng nghị theo quy định của pháp luật, hạn chế việc công dân gửi đơn vượt cấp đến VKSND tối cao.

Trong công tác kiến nghị khắc phục vi phạm, các đơn vị cần tăng cường công tác kiến nghị khắc phục vi phạm, thường xuyên cập nhật, tích lũy các vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chấp hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản pháp luật có liên quan về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự chưa đến mức kháng nghị để kiến nghị đối với từng vụ việc hoặc có kiến nghị tổng hợp. Phấn đấu nâng chất lượng và số lượng kiến nghị vượt chỉ tiêu mà Quốc hội và VKSND tối cao giao. Báo cáo đầy đủ số liệu kiến nghị (2 cấp) về VKSND tối cao (Vụ 7) để tổng hợp chung.

Đối với các trường hợp VKS truy tố Tòa án xét xử tuyên không phạm tội, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa báo cáo nêu rõ quan điểm gửi Lãnh đạo Viện xem xét. Nếu Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội không có căn cứ thì đề nghị xem xét kháng nghị phúc thẩm hoặc báo cáo đề nghị VKS cấp trên kháng nghị giám đốc thẩm. Nếu để xảy ra trường hợp VKS truy tố sau đó Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội hoặc bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại có trách nhiệm của VKS thì cán bộ, Kiểm sát viên có liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm và đây cũng là một trong những căn cứ xem xét khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh tư pháp.

Phòng 7 VKSND tỉnh, thành phố và các VKSND cấp cao theo dõi chặt chẽ các trường hợp VKS truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội của hai cấp, báo cáo cụ thể từng trường hợp Tòa án sơ thẩm cấp huyện, cấp tỉnh; Tòa án phúc thẩm cấp tỉnh; Tòa án nhân dân cấp cao tuyên không phạm tội theo các tháng, kỳ sơ kết, tổng kết công tác của ngành và phục vụ Viện trưởng VKSND tối cao báo cáo công tác tại các kỳ họp Quốc hội.

Mặt khác, trong công tác thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với người bị oan trong tố tụng hình sự, VKSND các cấp cần chủ động, phối hợp, nghiên cứu kỹ các quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các văn bản pháp luật liên quan và Quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND.

Tích cực giải quyết việc bồi thường cho người bị oan; giải quyết dứt điểm các trường hợp yêu cầu bồi thường kéo dài nhiều năm; trường hợp vướng mắc phải báo cáo thỉnh thị kịp thời và khẩn trương hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường theo đúng quy định. Định kỳ, hàng tháng báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết những vụ án đã xác định là oan, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra oan về VKSND tối cao (Vụ 7).

Ngoài các nội dung trên, Hướng dẫn số 09 còn đề cập đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại; công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; về chấp hành chế độ thông tin, báo cáo; công tác xây dựng chuyên đề, tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ; việc tổ chức thực hiện...

Liên quan đến việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, Hướng dẫn số 09 nêu rõ: Nhằm bảo đảm sự thuyết phục trong quá trình xét hỏi và tranh tụng, năm 2019 sẽ thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa rút kinh nghiệm; trước mắt áp dụng đối với các vụ án đưa ra xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Phòng 7 VKSND cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm tham mưu, làm đầu mối theo dõi, tổng hợp và báo cáo kết quả việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của 2 cấp gửi về Vụ 7 VKSND tối cao. Việc bố trí dự phiên tòa rút kinh nghiệm thực hiện thường xuyên qua lịch phiên tòa, dự đột xuất không thông báo trước để đánh giá đúng chất lượng phiên tòa và góp ý thiết thực cho Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử.

 

P.V