Theo đó, VKSND tối cao hướng dẫn VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một số nội dung trọng tâm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án do Cơ quan An ninh điều tra thụ lý điều tra như sau:
- Xử lý kịp thời các vụ việc an ninh chính trị, an ninh biên giới, dân tộc, tôn giáo, chính sách đối ngoại; các vụ việc lợi dụng mạng internet để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xúc phạm lãnh đạo cấp cao; các vụ việc khác về chính trị được dư luận xã hội quan tâm, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
- Kịp thời tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền địa phương và lãnh đạo VKSND tối cao để chỉ đạo xử lý các vụ việc xâm phạm an ninh quốc gia, vụ việc khác về an ninh, trật tự được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tăng cường kiến nghị các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm theo quy định của pháp luật.
- Viện trưởng VKSND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đảm bảo tuân thủ pháp luật, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm trong công tác này. Quản lý đầy đủ số liệu thụ lý, thời hạn và kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc thẩm quyền.
- Tăng cường yêu cầu kiểm tra, xác minh bằng văn bản; kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền; kiểm sát căn cứ tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tổng hợp vi phạm trong lĩnh vực này để kiến nghị khắc phục. Ngay khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng không được khắc phục, Viện trưởng VKSND phân công Kiểm sát viên trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
- Các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về an ninh quốc gia hoặc liên quan đến dân tộc, tôn giáo, yếu tố nước ngoài, vụ việc về an ninh được dư luận xã hội quan tâm, phải kịp thời phối hợp với Cơ quan điều tra thống nhất biện pháp giải quyết.
- Tăng cường kiểm sát việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tránh oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS), Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, không để xảy ra quá hạn thời hạn tạm giữ, tạm giam. Các quyết định, phê chuẩn của Viện kiểm sát đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật... Đảm bảo việc điều tra của Cơ quan An ninh điều tra đúng thẩm quyền theo quy định của Bộ luật TTHS và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; kiên quyết yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra chuyển vụ án hoặc Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vụ án để điều tra đúng thẩm quyền.
- Hạn chế việc gia hạn thời hạn điều tra, truy tố; giảm tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung có lỗi của Kiểm sát viên; không để xảy ra trường hợp phải đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội hoặc Viện kiểm sát truy tố sau đó Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội. Quản lý chặt chẽ các vụ án tạm đình chỉ điều tra và kịp thời yêu cầu phục hồi điều tra khi có căn cứ; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm của VKSND trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ...
- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Chủ động báo cáo, tham mưu Thường trực, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo giải quyết các vụ án an ninh theo Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị; đảm bảo việc giải quyết đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, không để xảy ra vi phạm, sai sót để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, ảnh hưởng đến uy tín của ngành kiểm sát.
Quá trình giải quyết vụ án, phải làm rõ hành vi, động cơ, mục đích phạm tội; thế lực đứng sau chỉ đạo, cung cấp tiền, phương tiện; chủ động yêu cầu giám định tài liệu, thu thập chứng cứ vật chất (tài liệu, dữ liệu điện tử,...) để chứng minh tội phạm; nghiên cứu kỹ hồ sơ, thống nhất việc khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn (diện, đối tượng,...). Đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng, cần chủ động yêu cầu tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
Khi xét xử các vụ án về an ninh, trước khi tham gia phiên tòa, kiểm sát viên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo viện (hoặc VKS cấp trên); chuẩn bị kỹ dự thảo luận tội, đề cương thẩm vấn, dự kiến tình huống tranh tụng tại phiên tòa. Thông qua việc tranh tụng tại phiên tòa, kiểm sát viên làm rõ nội dung cáo trạng truy tố, phản bác lại luận điệu tuyên truyền chống Nhà nước (nếu có), phát huy tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Đáng chú ý, công văn nhấn mạnh việc xây dựng cáo trạng các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, nhất là về các tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tội gián điệp, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ,..., cần lưu ý viết ngắn gọn, tránh phân tích dài dòng, không trích dẫn nguyên văn các nội dung của kết luận giám định để tránh việc các đối tượng lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc tại phiên tòa; hạn chế việc giám định, viện dẫn nội dung tài liệu bí mật nhà nước trong vụ án gián điệp.
Xem văn bản số 12/HD-VKSTC ở link dưới đây:
PV