Theo dự thảo, người sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau: 1- Người môi giới dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và đã giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; 2- Người môi giới biết hoặc có khả năng để biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn để đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục hoặc bán cho người khác nhưng vẫn tiến hành môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người nước ngoài.

leftcenterrightdel
Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Moong Thị Hà (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) phạm tội “Mua bán người” (tháng 3/2018).  Ảnh: Đức Dũng 

Đưa người đi lao động nước ngoài trái phép bị truy cứu TNHS

Người sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Người môi giới, người đưa người đi lao động nước ngoài biết hoặc có khả năng để biết người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) ra nước ngoài sẽ bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn lừa gạt hoặc ép buộc người lao động và giao họ cho người khác ở nước ngoài để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

 2. Người môi giới sử dụng thủ đoạn môi giới đưa lao động ra nước ngoài để chuyển giao người lao động cho phía nước ngoài bán người lao động cho người khác.

3. Người sử dụng thủ đoạn môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (sau khi nhận tiền của người lao động đã chiếm đoạt và bỏ trốn, không thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán người nhưng tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nếu có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm khác.

4. Người tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài không nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc không vì mục đích vô nhân đạo khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán người nhưng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép quy định hoặc tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm khác.

Bên cạnh đó, cũng truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân.

Truy cứu TNHS sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi trái pháp luật

Người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã giới thiệu người đó với người muốn cho con của chính họ đi làm con nuôi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện nuôi dưỡng đứa trẻ, mong muốn đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt hơn và đã nhận một khoản tiền, đồng thời người môi giới cũng được nhận một khoản tiền cho việc môi giới, thì người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Hình sự.

Người sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi trái pháp luật phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán người theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Hình sự, nếu thuộc một trong các trường hợp như: Người môi giới biết hoặc có khả năng biết việc nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột, cưỡng bức lao động đối với người dưới 16 tuổi hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng đã sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi để chuyển giao nạn nhân cho người khác để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; người môi giới nuôi con nuôi biết hoặc có khả năng biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là sau khi nhận con nuôi sẽ bán nạn nhân cho người khác; người nhận nuôi con nuôi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác…

Ngoài ra, trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà các hành vi đó độc lập với nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội độc lập mà người đó đã thực hiện. Khi xét xử, Tòa án áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt chung.

P.L