Ngày 26/11, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử dân sự phúc thẩm về tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Phiên tòa được truyền trực tuyến tới 30 điểm cầu tại Tòa án, Viện kiểm sát 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố nhằm rút kinh nghiệm về công tác chuẩn bị phiên tòa, xét xử và số hóa các tài liệu, văn bản, chuẩn bị triển khai cho công tác xét xét trực tuyến tại Tòa án trong thời gian tới.

Đây là bước đầu thí điểm để triển khai phiên tòa trực tuyến, số hóa các tài liệu để trình chiếu trực tuyến trong tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, với mục đích nâng cao chất lượng xét xử và không để án tồn đọng kéo dài.

Phiên tòa này được 2 ngành chú trọng thực hiện số hóa hồ sơ, trình chiếu các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa và phân tích, đánh giá đầy đủ các tình tiết của vụ án. Qua đó, nâng cao kỹ năng, chuẩn bị các điều kiện nhằm đẩy cao tỷ lệ số hóa các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án.

leftcenterrightdel
  Phiên tòa rút kinh nghiệm được truyền trực tuyến tới 30 điểm cầu tại Tòa án, Viện kiểm sát 30 quận, huyện .

Theo đánh giá của Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội Bùi Thị Hồng Anh, một trong những yêu cầu chuẩn bị tốt cho việc mở các phiên tòa xét xử trực tuyến là cần thiết phải số hóa các văn bản, chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, từ đó trình chiếu các văn bản này ngay tại phiên tòa để các đương sự và các bên tham gia tố tụng được xem.

Mặc dù từ nhiều năm nay, VKSND TP Hà Nội đã chỉ đạo số hóa hồ sơ, giúp cho Kiểm sát viên, Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị cho phiên tòa xét xử và vấn đề lưu trữ hồ sơ. Tuy nhiên, tỷ lệ số hóa tài liệu chưa cao, số vụ án được lựa chọn để thực hiện phiên tòa trực tuyến cũng rất hạn chế, bởi trình độ của Kiểm sát viên và Thẩm phán về công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế.

Trong thời gian tới, hai ngành sẽ phối hợp tổ chức các lớp đào tạo công nghệ thông tin để nâng cao trình độ cho đội ngũ Kiểm sát viên, Thẩm phán, tiếp đó sẽ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu cho công tác xét xử trực tuyến.

Tại phiên tòa phúc thẩm, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã thực hiện tốt kỹ năng điều hành phiên tòa từ khi khai mạc cho đến khi kết thúc, đặc biệt là việc điều hành tranh tụng theo Hướng dẫn số 136 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Kiểm sát viên tại phiên tòa đã kiểm sát chặt chẽ hoạt động tuân theo pháp luật tố tụng của HĐXX, thẩm phán, thư ký Tòa án, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng; tham gia hỏi các bên đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đặt câu hỏi rõ ràng, có trọng tâm…

Đặc biệt, tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa này đều đã được các cơ quan tố tụng thực hiện số hóa và trình chiếu ngay tại phiên tòa để làm rõ các vấn đề trong vụ án.

Theo dõi phiên tòa tại 30 điểm cầu được kết nối với các Thẩm phán, Kiểm sát viên 2 cấp (thành phố và quận, huyện, thị xã) cùng tham dự, rút kinh nghiệm, từ đó có phương thức triển khai phù hợp với điều kiện đặc thù của đơn vị mình, chuẩn bị các kỹ năng, cơ sở cần thiết để triển khai các phiên tòa trực tuyến, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Đào Sỹ Hùng và Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội Bùi Thị Hồng Anh chủ trì phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm đã nhận xét, phân tích, rút kinh nghiệm chung về công tác xét xử trong điều kiện yêu cầu công nghệ 4.0 và đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.

Trong thời gian tới, 2 ngành Tòa án và Viện kiểm sát cần tăng cường liên thông trong công nghệ thông tin. Thực tế hiện nay, mỗi khi có hoạt động trao đổi công việc, thì Kiểm sát viên lại sang Tòa án hoặc ngược lại, rất bất cập trong điều kiện dịch bệnh phức tạp và cũng không đảm bảo các hoạt động phối hợp hai bên. Các đơn vị Viện kiểm sát cấp quận, huyện, thị xã làm tốt công tác liên thông và số hóa hồ sơ trên địa bàn sẽ được VKSND TP Hà Nội nhân rộng điển hình cho các đơn vị khác cùng học tập, áp dụng.

Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến là một bước chuẩn bị quan trọng để các Thẩm phán, Kiểm sát viên tích lũy kinh nghiệm, trau dồi bản lĩnh nghiệp vụ và kỹ năng tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Đây là một trong những giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay.

Nhật Minh