Những sai phạm trong việc đào tạo “chui” văn bằng 2 tiếng Anh tại ĐH Đông Đô trong kết luận điều tra đã chỉ rõ có trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của trường này.

Để ĐH Đông Đô tự tung, tự tác tuyển sinh, đào tạo “chui” và cấp bằng cho hàng trăm trường hợp không cần thi tuyển, không qua đào tạo không lẽ không ai liên quan, nghi vấn này đã và đang được làm rõ.

Theo kết luận điều tra, quá trình hoạt động, Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, nhưng nhiều năm liền Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu và đăng công khai trên Cổng thông tin của Bộ.

Dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT khi để cấp dưới, cụ thể là lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Giáo dục đại học qua mặt hay biết sai nhưng vẫn ngó lơ cho sai phạm trong nhiều năm liền của ĐH Đông Đô đăng công khai trên cổng thông tin của Bộ.

Cụ thể, từ năm 2015, ĐH Đông Đô đã được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.  

Ngày 12/01/2015, Trường ĐH Đông Đô có Công văn số 25/CV-ĐĐ gửi Vụ Kế hoạch tài chính báo cáo thống kê năm học 2014-2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, trong đó không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy, nhưng ngày 1/4/2015, Bộ GD&ĐT có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh số 173/TB-BGDĐT, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Ngày 14/01/2016, Trường ĐH Đông Đô có Công văn số 06/ĐĐ-ĐT&QLSV xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016, trong đó đăng ký 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Ngày 24/02/2016, Bộ GD&ĐT có Thông báo về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 số 68/TB-BGDĐT gửi Trường ĐH Đông Đô, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

leftcenterrightdel
ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2, nhưng Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Trần Tú Khánh vẫn thừa lệnh Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao 150 chỉ tiêu.  

Ngày 07/2/2017, Trường ĐH Đông Đô gửi Bộ GD&ĐT (Vụ Kế hoạch tài chính) Đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017-2018, Vụ Kế hoạch tài chính có Thông báo về việc xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 số 136/TB-BGDĐT gửi Trường ĐH Đông Đô, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Đồng thời, với việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh gửi Vụ Kế hoạch tài chính, Trường ĐH Đông Đô cũng gửi Vụ Giáo dục đại học Đề án tuyển sinh năm 2017 và được Vụ Giáo dục đại học cho đăng tải trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trong đó có 150 chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Năm 2018, Trường ĐH Đông Đô gửi Đề án tuyển sinh đến Vụ Giáo dục đại học và được Vụ Giáo dục đại học đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, nội dung đề án tuyển sinh có 400 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Việc các đơn vị, cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh trên Cổng thông tin tuyển sinh cho Trường ĐH Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 chính quy nêu trên trong khi Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 có dấu hiệu vi phạm quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2, cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Do đã hết thời hạn điều tra vụ án, cơ quan điều tra tách ra để xem xét, xử lý sau.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, sai phạm tại ĐH Đông Đô có trách nhiệm lớn của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Quochoi.vn

Kết luận điều tra cũng chỉ rõ, nhiều cán bộ, công chức nhà nước sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của ĐH Đông Đô để tiến thân, thi nâng ngạch, thăng hạn, làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ.

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII thẳng thắn cho rằng: “Đối với những cán bộ, công chức nhà nước sử dụng bằng giả, bằng bất hợp pháp phải bị xử lý nghiêm.

Các cơ quan chủ quản phải rà soát những cán bộ, công chức đó để làm trong sạch bộ máy. Cán bộ, công chức đã gian dối trong sử dụng văn bằng giả, mua bằng để tiến thân, có vị trí trong bộ máy thì không đủ tư cách”.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Thuyền, việc sử dụng văn bằng giả, bằng gian dối sẽ khó mà hy vọng những cán bộ, công chức đó đóng góp, mang lại lợi ích cho đất nước, dân tộc. Những người đó chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân.

Trước câu hỏi của phóng viên, kết luận điều tra đã chỉ rõ, có cá nhân của Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã tiếp tay cho ĐH Đông Đô, ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng: “Bộ GD&ĐT cũng phải xử lý nghiêm những người liên quan đến sai phạm, tiếp tay cho ĐH Đông Đô.

Trường không được phép đào tạo mà lại cấp chỉ tiêu cho trường tuyển sinh thì chắc chắn ở đây có vấn đề. Nếu không có sự tiếp tay cho sai phạm, trường Đông Đô có dám làm sai không, chắc chắn là không. Như vậy phải xem xét trách nhiệm và xử lý thật nghiêm những cá nhân liên quan”.

 

Trần Vũ