Đó là một trong những nội dung tại Quyết định vừa được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội (LĐTB &XH) Đào Ngọc Dung ký ban hành, yêu cầu việc xác minh tài sản, thu nhập phải được tiến hành kịp thời, công khai, khách quan, trung thực.

Kê khai tài sản, thu nhập được xem là một trong những biện pháp để hạn chế tình trạng tham nhũng trong cán bộ, công chức.

Không xác minh tài sản, thu nhập của người đang bị điều tra, truy tố, xét xử

Theo Quyết định (QĐ) số 226/QĐ-LĐTBXH ngày 18/2/2021 của Bộ LĐTB&XH, việc ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực, rõ ràng nội dung kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Đồng thời, nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đối với người có nghĩa vụ kê khai.

Việc xác minh tài sản, thu nhập được giao cho Thanh tra Bộ này thực hiện theo thủ tục, trình tự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.  

Liên quan đến nội dung xác minh, Bộ LĐTB &XH định hướng cần tập trung xác minh tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng nội dung bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và xác minh thực tế tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Thanh tra Bộ LĐTB &XH là cơ quan chịu trách nhiệm việc tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tại 9 đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ và xác minh những người có nghĩa vụ kê khai quy định tại Điều 10 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

Theo Quyết định của Bộ LĐTB&XH, người được lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập là những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 4 năm liền, tính từ ngày 31/12/2020 trở về trước.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Bộ này cũng thông tin là không lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập của những người đang bị điều tra, truy tố, xét xử, người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận, người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.

Đáng chú ý, tại mỗi đơn vị được xác minh, lựa chọn tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị.  “Người được xác minh tại mỗi đơn vị trong năm nay sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm. Khi tiến hành lựa chọn bốc thăm người được xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mời đại diện Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cùng cấp dự và chứng kiến”- Quyết định 226 nêu rõ. 

Chọn "ngẫu nhiên"  cán bộ, công chức để xác minh thu nhập, tài sản

Về điểm mới trong Quyết định số 226, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết, theo khoản 3, Điều 15 Nghị định 130/2020 nêu rõ: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mời đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp dự và chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh.

"Theo quy định này, có thể thấy, bất cứ cán bộ, công chức nào cũng có thể được chọn "ngẫu nhiên" để xác minh thu nhập, tài sản. Qua đó, đảm bảo ít nhất 10% cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai hàng năm phải được xác minh. Tuy nhiên, dù được quy định là xác định "ngẫu nhiên" nhưng phải đảm bảo ít nhất có 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị" - ông Tùng giải thích.

Văn bản mới cũng quy định, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có thẩm quyền ban hành QĐ xác minh và thành lập Tổ xác minh tài sản, thu nhập theo Điều 45 Luật Phòng, chống tham nhũng. Và khi kết thúc xác minh tại mỗi đơn vị, Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập phải báo cáo kết quả và dự thảo Kết luận xác minh, trình Bộ trưởng ban hành Kết luận xác minh.

Trước đó, ngày 30/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP. Theo Nghị định, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

PV