Đây là văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 ngày 20/11/2018 (Luật phòng, chống tham nhũng) về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bốc thăm ngẫu nhiên cán bộ để xác minh tài sản

Dự thảo Nghị định gồm 8 chương và 34 điều, ngoài việc cụ thể hóa những nội dung về kiểm soát tài sản, thu nhập được Luật Phòng, chống tham nhũng giao, Dự thảo Nghị định còn quy định biện pháp thi hành một số nội dung liên quan nhằm bảo đảm cho các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập được áp dụng thống nhất, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng.

Tờ trình Dự thảo cho biết, Dự thảo Nghị định quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm việc kiểm soát tài sản, thu nhập được triển khai bảo đảm chặt chẽ, đúng đắn với các nguyên tắc như: tuân theo pháp luật, đúng đối tượng, thực hiện thường xuyên, minh bạch, công bằng, khách quan; không làm cản trở các quyền đối với tài sản, thu nhập hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; Kiểm soát trên cơ sở tự giác của người kê khai, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan và sự giám sát của xã hội.

leftcenterrightdel
 Việc lựa chọn cán bộ cần xác minh tài sản được thực hiện bằng hình thức bốc thăm (ảnh mình họa).

Dự thảo nghị định này quy định hàng năm sẽ xác minh tối thiểu 10% các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và xác minh ít nhất 20% các đơn vị trực thuộc bộ, ngành còn lại.

Đặc biệt, việc lựa chọn cán bộ cần xác minh tài sản được thực hiện bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên.

Số người được lựa chọn xác minh ngẫu nhiên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của cơ quan kiểm soát tài sản nhưng ít nhất là 2 người tại mỗi cơ quan được xác minh theo kế hoạch. Trong đó có ít nhất 1 người là cán bộ đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu.

Trước băn khoăn về cơ sở của việc quy định tỷ lệ 10% hay 20% tỷ lệ cán bộ phải xác minh tài sản, Thanh tra Chính phủ giải thích Dự thảo ấn định tỷ lệ này để bảo đảm việc xác minh được thực thi nghiêm túc, khắc phục tình trạng quản lý hình thức thời gian qua.

Riêng về số lượng người được xác minh thì tùy theo tình hình thực tế, năng lực mà cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ quyết định, nhưng phải bảo đảm việc tập trung kiểm soát đối với người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, nhất là người đứng đầu.

leftcenterrightdel
 Nghị định đề cập nội dung xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Việc quy định tỷ lệ 20% cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm bảo đảm trong 1 nhiệm kỳ bổ nhiệm, bất cứ cán bộ nào thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hàng năm đều có khả năng được xác minh ngẫu nhiên.

Tuy vậy, một số ngành, lĩnh vực có số lượng cơ quan, đơn vị trực thuộc quá lớn thì việc xác minh 20% số cơ quan, đơn vị trực thuộc sẽ có khó khăn. Một số bộ, ngành đã quy định chỉ xác minh tối thiểu 10% số đơn vị trực thuộc.

Ngoài việc xác minh tài sản ngẫu nhiên của cán bộ, nhiều trường hợp cũng thuộc diện xác minh tài sản như có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với lần kê khai liên trước mà không giải trình hợp lý nguồn gốc. Người bị tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của luật Tố cáo; có yêu cầu hoặc kiến nghị của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cũng sẽ bị xác minh tài sản.

Chậm nộp kê khai tài sản có thể bị buộc thôi việc

Dự thảo Nghị định nêu rõ cán bộ kê khai tài sản và thu nhập hoặc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực sẽ bị xử lý.

Mọi vi phạm của cá nhân, tổ chức trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật. Thông tin, dữ liệu về tài sản, thu nhập phải được sử dụng đúng mục đích để kiểm soát tài sản, thu nhập.

Dự thảo Nghị định quy định người người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập chậm nhất vào 30/1 hàng năm, đồng thời xác định cụ thể các cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh.

Nếu cản trở, chống đối cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập, tẩu tán tài sản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sỹ quan, tước danh hiệu quân nhân, tước danh hiệu công an nhân dân.

Người chậm nộp bản kê khai tài sản, thu nhập mà không có lý do chính đáng từ trên 15 đến 30 ngày sẽ bị kỷ luật khiển trách; chậm trên 30 đến 45 ngày bị kỷ luật cảnh cáo và chậm trên 45 ngày sẽ bị buộc thôi việc.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức việc kê khai, công khai, nộp bản kê khai thuộc phạm vi quản lý, sử dụng của mình thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.

Người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, người tiến hành xác minh nếu có vi phạm có thể sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, giáng chức đến cách chức.

 Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể 13 ngạch công chức các cấp phải kê khai hàng năm và những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên có phụ cấp chức vụ từ 0,4 trở lên làm một số công tác nhất định phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Những người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp nhà nước tại doanh nghiệp khác cũng thuộc đối tượng phải kê khai tài sản hàng năm.

Do có đặc thù nên những người thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên có phụ cấp chức vụ từ 0,5 trở lên làm một số công tác nhất định mới phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.

Kỷ luật 8 cán bộ kê khai tài sản không trung thực

Đề cập đến các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong báo cáo thực hiện lời hứa sau chất vấn gửi tới Quốc hội, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái đánh giá công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch được các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm.

Liên quan đến các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ cho biết có hơn 1 triệu người kê khai, đạt tỷ lệ 99,9% số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 99,4% số đã kê khai.

Trong số 46 người được xác minh tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ phát hiện 10 trường hợp vi phạm. Hiện 8 trường hợp đã bị xử lý kỷ luật, 2 trường hợp đang xem xét xử lý kỷ luật.

Cùng với đó, qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tại 2.800 cơ quan, tổ chức, đơn vị, Thanh tra Chính phủ cho biết đã xử lý 160 người vi phạm. Có 8 người nộp lại quà tặng cho đơn vị với giá trị quà tặng là 116 triệu đồng.

Về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ thông tin đã có 42 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 4 người đã bị xử lý hình sự; 38 người bị xử lý kỷ luật hành chính.

Ngọc Anh