Ngay từ khi tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch công tác năm 2022, VKSND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng việc ban hành các bản kiến nghị tổng hợp vi phạm và kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật thông qua thực hiện chức năng kiểm sát trong lĩnh vực dân sự.

Lãnh đạo đơn vị đặt ra yêu cầu “phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các bản kiến nghị, nếu chưa đảm bảo về nội dung thì tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện, trường hợp cần thiết thì trao đổi với phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh, để bản kiến nghị khi ban hành phải được các ban ngành hữu quan tiếp thu và có các biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả trên thực tế”.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2022, VKSND huyện Nghi Lộc đã ban hành 3 bản kiến nghị tổng hợp vi phạm đến Tòa án trong công tác giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật; 2 bản kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật (1 bản kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai, HN&GĐ ở UBND cấp xã; 1 bản đến Trưởng Công an huyện và Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện về quy trình, thủ tục hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính).

leftcenterrightdel
 VKSND huyện chủ trì họp với Công an huyện

Các bản kiến nghị đã được xây dựng với bố cục khoa học, giàu nội dung và mang tính thời sự rất cao.

Điển hình: Trong bản kiến nghị phòng ngừa gửi Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc về “Kiến nghị nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở ở UBND cấp xã”, VKSND huyện Nghi Lộc đã chỉ rõ thông qua công tác kiểm sát đối với việc giải quyết hơn 17 vụ án dân sự về tranh chấp đất đai, 559 vụ án hôn nhân gia đình có liên quan đến đất đai trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến đầu năm 2022, đơn vị nhận thấy: Các tranh chấp về dân sự, nhất là tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình ngày càng gia tăng, kéo dài và rất phức tạp, công tác hòa giải ở cơ sở là biện pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng để giải quyết các tranh chấp có hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, giúp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để, đồng thời ít tốn kém về thời gian, nhân lực, góp phần giảm khiếu kiện của nhân dân.

Tuy vậy, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua cho thấy vẫn còn nảy sinh nhiều hạn chế, bất cập, chưa phát huy tính hiệu quả trên thực tế. Một số UBND cấp xã chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật, còn để xảy ra tình trạng vi phạm các quy định về công tác hòa giải, như: Chưa thẩm tra, xác minh, tìm hiểu kỹ nguyên nhân phát sinh tranh chấp, chưa thu thập đầy đủ giấy tờ, tài liệu có liên quan về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất để xác định chính xác nguyên nhân tranh chấp.

Nội dung cuộc hòa giải không đảm bảo, không có ý kiến của các thành viên Hội đồng hòa giải mà chỉ ghi nhận ý kiến của các bên đương sự và sau đó kết luận là không hòa giải được; biên bản không có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham gia hòa giải...

Bên cạnh đó thành phần tham gia hòa giải không đúng quy định như: Không có sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác; không có mặt của xóm trưởng; không có đại diện của một số hộ dân cư sinh sống lâu đời tại khu vực có đất tranh chấp biết rõ về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đối với thửa đất đó...

Các kiến nghị đi vào đời sống, thực chất và hiệu quả. Ngay sau khi ban hành, đơn vị đã có những buổi làm việc đối với các cơ quan tiếp nhận kiến nghị để quán triệt cụ thể các nội dung cũng như có sự giải đáp, phản hồi kịp thời đối với những câu hỏi, thắc mắc của các cơ quan đối với các nội dung liên quan.

Các cơ quan tiếp nhận kiến nghị đã thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót đối với những vi phạm đã được chỉ ra và có văn bản cam kết sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấp nhận, đồng ý thực hiện những giải pháp mà Viện kiểm sát đã đưa ra nhằm khắc phục hoàn toàn những vi phạm, hướng đến tăng cường hiệu quả trong công việc.

P.V