PV: Thưa đồng chí, từ khi thành lập đến nay, Viện cấp cao 3 đã gặp phải những khó khăn, thách thức gì?

Viện trưởng Viện cấp cao 3 Nguyễn Đình Trung: VKSND cấp cao tại TP HCM là một cấp kiểm sát mới được thành lập từ ngày 1/6/2015. Những ngày đầu thành lập, Viện cấp cao 3 gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, điển hình là khối lượng công việc thuộc thẩm quyền rất lớn trong khi số lượng biên chế hiện có rất khiêm tốn, chưa tương xứng yêu cầu công việc.

Bên cạnh nhiệm vụ đã thực hiện lâu nay là thực hành quyền công tố (THQCT), kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa phúc thẩm tại TP HCM (nay là Toà án cấp cao 3-PV), đơn vị phải thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ mới, mà nặng nề nhất là công tác tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xử lý và giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của công dân, cơ quan, tổ chức đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh trong toàn bộ khu vực phía Nam...

Trong khi đó, do là một cấp mới được thành lập nên quy chế, quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động và hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ chưa đầy đủ và cụ thể; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn;…

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Đình Trung họp nghe cán bộ, Kiểm sát viên báo cáo. 

PV: Vượt qua những khó khăn đó, trong 5 năm qua, VKSND cấp cao tại TP HCM đã gặt hái được những kết quả nào? 

Viện trưởng Viện cấp cao 3 Nguyễn Đình Trung: Trong 5 năm qua (từ ngày 1/6/2015 đến 1/6/2020), Viện cấp cao 3 đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách ban đầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các năm và đạt được nhiều thành tích như: Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2015 - 2016); Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân (năm 2017 - 2019); Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao do có 2 năm liền Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2020, đơn vị đã lập hồ sơ đề nghị tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba do có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2010 - 2019 (hiện hồ sơ đang được Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương xét duyệt).

PV: Thưa đồng chí, quá trình giải quyết án phúc thẩm hình sự, nhất là các vụ án lớn về tham nhũng đã gặp những vướng mắc nào và Viện cấp cao 3 có đề xuất, kiến nghị gì?

Viện trưởng Viện cấp cao 3 Nguyễn Đình Trung: Quá trình giải quyết án phúc thẩm hình sự cho thấy quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thời hạn nghiên cứu hồ sơ của VKS chưa phù hợp. Thời hạn nghiên cứu hồ sơ án hình sự phúc thẩm của VKS tối đa là 30 ngày.

Hiện nay, các vụ án lớn do Bộ Công an điều tra, VKSND tối cao THQCT, KSĐT, nhất là án tham nhũng và án kinh tế do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo thường là những vụ án rất phức tạp, hồ sơ dày từ hàng chục đến hàng trăm ngàn bút lục, liên quan tới nhiều chính sách, pháp luật và có nhiều luật sư tham gia.

Nhưng thời gian nghiên cứu hồ sơ của VKS như nêu trên là rất ít, khó có thể nghiên cứu sâu, trong khi theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải xử nhanh, có chất lượng, do vậy, khó khăn và áp lực cho Kiểm sát viên trong công tác THQCT, KSXX, nhất là đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. 

Đối với các vụ án lớn do Bộ Công an điều tra, VKSND tối cao THQCT, KSĐT, truy tố và phân công cho VKSND cấp tỉnh THQCT và KSXX sơ thẩm, VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 314/QĐ-VKSTC ngày 05/7/2018 ban hành Quy chế phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới trong việc giải quyết vụ án hình sự… (Quy chế 314).

Tuy nhiên, nội dung Quy chế này không đề cập gì đến công tác phối hợp giữa VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh với VKSND cấp cao, trong khi đó, khi vụ án có kháng cáo, kháng nghị thì VKSND cấp cao phải THQCT và KSXX phúc thẩm. Điều này gây khó khăn, bị động cho Viện cấp cao khi THQCT và KSXX phúc thẩm.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Viện cấp cao 3 tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.  

Đối với các vụ án lớn do Bộ Công an điều tra, VKSND tối cao THQCT, KSĐT, nhất là án tham nhũng và án kinh tế có liên quan chức vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo, đề nghị VKSND tối cao cử Kiểm sát viên cao cấp đã THQCT, KSĐT cùng tham gia hỗ trợ công tác THQCT, KSXX phúc thẩm ở VKSND cấp cao. Đồng thời, VKSND tối cao cần nghiên cứu sửa đổi Quy chế 314 để bổ sung các nội dung phối hợp công tác giữa VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh với VKSND cấp cao.

PV: Hiện nay, các vụ kiện hành chính, đặc biệt là các vụ kiện liên quan đến tranh chấp đất đai ở khu vực phía Nam vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ sai sót của chính quyền địa phương. Từ thực tiễn công tác, Viện cấp cao 3 có những giải pháp, kiến nghị gì về vấn đề này?

Viện trưởng Viện cấp cao 3 Nguyễn Đình Trung: Thực hiện phương châm “Hướng về cơ sở” nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án từ địa phương, có giải pháp phòng ngừa từ xa nhằm giảm khối lượng án của đơn vị, đồng thời thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai cho thấy, việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính trong lĩnh vực này ở các địa phương thời gian qua còn có nhiều thiếu sót, vi phạm, dẫn đến Tòa án tuyên hủy quyết định hành chính, tuyên bố hành vi hành chính trái pháp luật.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng Viện cấp cao 3  Nguyễn Đình Trung.

Nhiều trường hợp Tòa án có vi phạm về tố tụng và áp dụng pháp luật không đúng nhưng Kiểm sát viên được phân công kiểm sát vụ án không phát hiện được, dẫn đến Tòa án cấp trên khi xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm đã tuyên hủy, sửa án. Vì thế, Viện cấp cao 3 đã xây dựng chuyên đề “Một số vấn đề về ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai tại các tỉnh, thành phố phía Nam thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính từ ngày 1/7/2014 đến 30/6/2019” và tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm trong toàn khu vực phía Nam.

Qua đó đã chỉ ra một số vi phạm trong việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai và làm rõ các nguyên nhân dẫn đến vi phạm; đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai.

PV: Thưa đồng chí, năm 2021, Viện cấp cao 3 xác định phương hướng nhiệm vụ trọng tâm gì?

Viện trưởng Viện cấp cao 3 Nguyễn Đình Trung: Năm 2021, Viện cấp cao 3 tiếp tục xác định nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, quan trọng hàng đầu. Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và chất lượng tranh tụng trong hoạt động xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật. Tăng cường thực hiện quyền yêu cầu và quyền kiến nghị của Viện kiểm sát. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện văn bản yêu cầu của Viện kiểm sát để tiếp tục thực hiện các quyền yêu cầu, quyền kháng nghị và kiến nghị theo đúng quy định pháp luật. 

Tăng cường công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án địa phương và thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo luật định. Thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị các loại án của Viện kiểm sát các cấp; Bảo đảm thực hiện tốt việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Nâng cao tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm...

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Phi Sơn - Nguyễn Lánh