Kỳ án “cô gái giao gà” và dấu ấn màu áo thiên thanh

Vụ án Bắt cóc người nhằm chiếm đoạt tài sản, Giết người, Hiếp dâm, Tàng trữ trái phép chất ma túy và Không tố giác tội phạm xảy ra tại huyện Điện Biên mà truyền thông gọi là kỳ án “cô gái giao gà” đã đi vào lịch sử tố tụng với nhiều tình tiết li kì, vô tiền khoáng hậu. Tòa đã tuyên 6 án tử hình, 3 án tù có thời hạn. Đây là vụ án gây rúng động dư luận bởi tính chất man rợ, thú tính của các đối tượng gây án.

Quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn bởi những kẻ thực hiện hành vi phạm tội có nhiều tiền án, tiền sự, tái phạm đặc biệt nguy hiểm, câu kết chặt chẽ, có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan điều tra. Trong vụ án này, các Kiểm sát viên (KSV) đã ghi nhiều dấu ấn, đóng góp quan trọng trong điều tra phá án…

leftcenterrightdel
 Kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án "cô gái giao gà". Ảnh Huy Thắng

Trưa mùng 3 Tết Kỷ Hợi, trực ban VKSND huyện Điện Biên nhận được tin báo về việc phát hiện một tử thi nữ nghi án mạng ở khu chăn nuôi ngôi nhà hoang ở Đội 11, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Nạn nhân sau đó được xác định là Cao Mỹ Duyên, SN 1997, sinh viên ĐH Thái Nguyên. Cô về nghỉ ăn Tết cùng gia đình và phụ giúp mẹ bán gà.

Chiều 30 Tết đi giao gà cho khách sau đó mất tích. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, lãnh đạo VKSND huyện Điện Biên đã báo cáo lên VKSND tỉnh. Ngay sau đó VKSND tỉnh Điện Biên đã phân công các Kiểm sát viên (KSV) phối hợp với VKSND huyện Điện Biên tham gia quá trình kiểm tra, xác minh và điều tra vụ án.

Việc truy tìm thủ phạm gây án hết sức gian nan do hiện trường phát hiện thi thể nạn nhân chỉ là hiện trường phụ, người nhà nạn nhân khai báo bất nhất, mâu thuẫn. Tuy nhiên trên cơ sở những chứng cứ, tài liệu có được, các ĐTV đã từng bước lần giở những bí ẩn, góc khuất nhất của vụ án, truy theo hành tung của đối tượng.

leftcenterrightdel
 KSV VKSND huyện Điện Biên phối hợp với Điều tra viên lấy lời khai đối tượng.

Sau 3 ngày phát hiện xác nạn nhân, nghi can đầu tiên là Vương Văn Hùng đã sa lưới. Cơ quan điều tra đã lần lượt làm rõ, bắt giữ 9 đối tượng là Bùi Văn Công, Lường Văn Hùng, Lường Văn Lả, Phạm Văn Nhiệm, Phạm Văn Dũng, Cầm Văn Chương, Bùi Thị Kim Thu (vợ Công) và kẻ chủ mưu Vì Văn Toán.

Mở rộng vụ án, VKSND tỉnh Điện Biên phê chuẩn lệnh bắt tạm giam Vì Thị Thu, là vợ Vì Văn Toán về tội mua bán trái phép chất ma túy. Chia sẻ về vụ án này, KSV Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng 2 - VKSND tỉnh (thời điểm đó là Viện trưởng VKSND huyện Điện Biên) cho biết “Quá trình điều tra làm rõ hành vi của các kẻ thủ ác hết sức gian nan, thực sự là cuộc đấu trí, cân não cực kỳ căng thẳng. Để buộc tội được các đối tượng, trinh sát phải thu thập chứng cứ vật chất, phân tích, kết nối từ những tình tiết nhỏ nhất. Các KSV đề xuất đối chất, tiến hành phúc cung đấu tranh với các đối tượng”.

Để khuất phục được Vương Văn Hùng, các ĐTV, KSV phải mất 9 ngày, Bùi Văn Công mất 17 ngày, Vì Văn Toán mất 20 ngày mới nhận tội và thành khẩn khai báo.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo, cán bộ, công chức VKSND huyện Điện Biên tìm hiểu truyền thống tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh Văn Quyết.

Không phải đến khi được bổ nhiệm làm Viện trưởng VKSND huyện Điện Biên, KSV Nguyễn Thị Nguyệt Hoa mới được mọi người biết đến là người bản lĩnh trong công việc. “Điện Biên là địa bàn rộng, an ninh trật tự phức tạp, xảy ra nhiều vụ án hình sự nhất tỉnh. Chính vì vậy, đây cũng là nơi “thử lửa” cán bộ. Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh Điện Biên phải cân nhắc kĩ càng khi quyết định điều động, bổ nhiệm một nữ KSV về ngồi ghế Viện trưởng vùng đất nóng này” – đồng chí Phan Văn Kỷ - Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên cho biết.

Trò chuyện với chúng tôi, Viện trưởng Nguyễn Thị Nguyệt Hoa tâm sự “Biên chế còn thiếu, chỉ có 11 KSV, trong đó 7 KSV nữ nhưng mỗi năm, đơn vị phải thụ lý trung bình khoảng 350 vụ án hình sự, gần 400 vụ án, vụ việc dân sự, gần 100 tố giác, tin báo tội phạm. Mỗi KSV phải trực tiếp thụ lý khoảng 80 vụ án, vụ việc”. Áp lực công việc chính là 75% các vụ án hình sự liên quan đến ma túy. Loại án này đặc thù không kể giờ giấc, ngày đêm, có điện là lên đường. “Không biết có phải do áp lực công việc, bận bịu tối ngày hay không mà đến thời điểm này, đơn vị em vẫn còn 4 nữ KSV chưa lập gia đình” – Nguyệt Hoa cười vui.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND huyện Điện Biên Nguyễn Thị Nguyệt Hoa họp giao ban công tác.

Điện Biên tiếp giáp 171,2km đường biên giới với 2 tỉnh Phong Sa Lỳ và Luông Pha Băng (CHDCND Lào). Đây là tuyến biên giới tội phạm ma túy hoạt động mạnh nhất, phức tạp nhất với 2 “tọa độ lửa” là xã Na Ư và xã Pú Nhi.

Chia sẻ về công việc, nữ KSV Phan Thị Thu Phương nói “Các đối tượng phạm tội ma túy thường biết sẽ đối mặt với mức án cao, thậm chí tử hình nên thường bất cần, ngoan cố và nhiều mưu mẹo. Để đấu tranh, khuất phục được đối tượng, đảm bảo không làm oan người ngay nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, chúng tôi vừa phải phối hợp chặt chẽ với ĐTV trong quá trình điều tra vụ án, vừa phải quan tâm đến những tình tiết gỡ tội đồng thời còn phải đấu tranh, phát hiện ra những sai sót, vi phạm của các cơ quan tố tụng để kịp thời kiến nghị khắc phục, sửa chữa”.

Chính nhờ sự mưu trí, bản lĩnh đó mà nữ KSV có bề ngoài nữ tính này đã buộc nhiều đối tượng ngoan cố, cúi đầu nhận tội nhưng vẫn thể hiện được vai trò của Ngành kiểm sát trong việc bảo vệ pháp chế, bảo vệ lẽ phải.

leftcenterrightdel
 Một buổi họp triển khai công tác của VKSND huyện Điện Biên. Ảnh Văn Quyết.

Sau ma túy, Điện Biên cũng là điểm nóng các vụ án Hủy hoại rừng, Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản. Điện Biên có 7 dân tộc, người Kinh chỉ chiếm khoảng 27%, một nửa là người Thái, người Mông chiếm trên 10%...

Từ ngàn đời nay tập quán đốt nương làm rẫy đã ăn sâu bén dễ trong đồng bào. KSV Nguyễn Thị Minh Hiền cho tôi xem một clip chuyến xuống địa bàn khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng. Từ trung tâm huyện, chị phải đi 80km xuống xã Mường Lói, từ xã lại di chuyển bằng xe máy xuống bản, sau đó lại đi bộ khoảng 2 giờ mới đến hiện trường. Nhưng những khó khăn trên vừa là thử thách, vừa là điều kiện rèn luyện ý chí và bản lĩnh cho các KSV  trên mảnh đất Điện Biên lịch sử.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo, cán bộ, công chức VKSND huyện Điện Biên dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang A1 nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chúng tôi vào bản Huổi Chanh, xã Na Tông. Con đường đất đỏ gập ghềnh, bụi mù mịt cũng biết người dân nơi đây còn vất vả, gian khó. Xã Na Tông cũng là địa chỉ VKSND huyện Điện Biên nhận đỡ đầu. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, VKSND huyện Điện Biên cùng các nhà hảo tâm đã tặng hơn 30 con bò giống cùng nhiều hàng hóa, dụng cụ học tập, chăn ấm, giày dép tiếp sức trẻ em đến trường cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Na Tông nói riêng và huyện Điện Biên nói chung với tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng.

Gia đình anh Vừ A Chẩu và gia đình anh Vàng A Vừ là hộ nghèo được VKSND huyện Điện Biên tặng bò giống. Sau 2 năm vừa rồi 2 con bò đã sinh thêm 2 con bê. Anh Vừ vui vẻ nói nhờ con bò đã giúp gia đình rất nhiều trong cày bừa, vận chuyển thóc, ngô từ nương rẫy về nhà. Gia đình yên tâm lao động sản xuất, không có ý định di cư nữa.

leftcenterrightdel
 VKSND huyện Điện Biên tặng bò giống cho người dân.
leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt Hoa, Viện trưởng VKSND huyện Điện Biên trao tặng phần quà gồm 150 đôi dép tới các em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 xã Na Tông

“Qua khảo sát chúng tôi thấy tặng bò giống cho người dân là thiết thực, kịp thời nhất. Quan điểm của chúng tôi là trao cho người dân cái “cần câu”, hơn là giúp họ một “con cá” là giải pháp xoá đói giảm nghèo bền vững nhất. Khi người dân thoát nghèo, tin tưởng cán bộ thì sẽ là tai mắt trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự, đưa chủ trương, chính sách và pháp luật về với người dân” – Viện trưởng Nguyễn Thị Nguyệt Hoa đúc kết.

leftcenterrightdel
 VKSND huyện Điện Biên cùng đại diện lãnh đạo Huyện uỷ và các cơ quan tặng quà lực lượng nghi lễ tại Sân vận động tỉnh Điện Biên.
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 VKSND huyện Điện Biên phối hợp với Liên đoàn lao động huyện Điện Biên và Quỹ thiện nguyện Hoa Mười Giờ (chủ đầu tư) nghiệm thu và bàn giao công trình sửa chữa điểm trường Hin Phon. Công trình được xây mới gồm 2 phòng vệ sinh, đổ bê tông sân, làm cổng và toàn bộ hàng rào bao quanh khuôn viên trường với số tiền trị giá trên 160 triệu đồng.
 Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên Phan Văn Kỷ: VKSND huyện Điện Biên là đơn vị lá cờ đầu trong các phong trào thi đua, nhiều năm liên tục được VKSND tối cao tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối ngành Kiểm sát nhân dân. Cán bộ, công chức VKSND huyện đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hàng năm đơn vị đều xác định các mục tiêu nhiệm vụ đột phá, có nhiều sáng kiến, cách làm hay, các chỉ tiêu nghiệp vụ đều vượt so với chỉ tiêu. Không xảy ra vụ, việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc xảy ra oan, sai, không ai vi phạm quy chế nghiệp vụ của Ngành và các quy định của pháp luật về chuyên môn nghiệp vụ. Đơn vị làm tốt công tác tham mưu, phối hợp liên ngành, nhiều cá nhân được các cấp khen thưởng.



Vũ Mạnh Hà