leftcenterrightdel
Kịp thời xin ý kiến Lãnh đạo VKSND tỉnh khi có vướng mắc trong quá trình kiểm sát vụ án. 

Chị cũng như rất nhiều nữ Kiểm sát viên khác mà tôi đã gặp trong ngành KSND, giản dị, kiệm lời khi nói về mình. Dù chỉ giao tiếp với chị vài ba lần qua những cuộc điện thoại không dài, cũng đủ để tôi hình dung được sự bận bịu của chị trong công việc khi lần tôi liên hệ với chị, chị đang đi công tác tăng cường cho Ban Nội chính Tỉnh uỷ Điện Biên, nhưng chỉ 2 ngày sau đó (20-21/8/2020), chị đã có mặt tại phiên toà xét xử vụ mua bán, vận chuyển trái phép 150 bánh heroin… Chị là Phạm Thị Chung, Phó Trưởng phòng 1, VKSND tỉnh Điện Biên.

Khi tôi đặt vấn đề viết về vai trò, bản lĩnh của Kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, kiểm sát xét xử vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, xảy ra năm 2019 trên địa bàn, một đồng nghiệp của chị cho hay: trong vụ án này, Kiểm sát viên Phạm Thị Chung đã trực tiếp vào địa bàn nơi xảy ra tội phạm, cùng các Điều tra viên thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ. Rồi từ đó, chị nghiên cứu, đề ra yêu cầu điều tra, yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra kịp thời khám nghiệm hiện trường, khám xét nơi ở của các đối tượng để thu giữ vật chứng... 

Điều này đã thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của Kiểm sát viên Phạm Thị Chung trong một vụ án lớn mà chị được tập thể lãnh đạo VKSND tỉnh Điện Biên tin tưởng giao phó.

Từ nhận thức tới hành động

Ngay khi được lãnh đạo Viện tin tưởng phân công là Kiểm sát viên chính thụ lý vụ án, xác định đây là vụ án lớn, không chỉ ảnh hưởng tới an ninh chính trị tại địa bàn mà còn liên quan đến an ninh chính trị trong nước, Kiểm sát viên Phạm Thị Chung đã tiếp cận ngay hồ sơ tài liệu, nghiên cứu để ban hành yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm. Luôn theo sát hoạt động điều tra để nắm chắc tiến độ thu thập thông tin về các đối tượng cầm đầu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, đề ra hướng tiếp tục xác minh; chủ động trao đổi với Cơ quan điều tra để nắm, phân loại xử lý kết quả kiểm tra, xác minh. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan An ninh điều tra đánh giá tài liệu chứng cứ, báo cáo lãnh đạo Viện phối hợp cùng lãnh đạo Cơ quan điều tra báo cáo cấp ủy quyết định thời điểm phá án để tiến hành điều tra theo tố tụng, bảo đảm việc giải quyết vụ án đạt kết quả toàn diện. 

Ngày 13/3/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Điện Biên đã khởi tố vụ án và khởi tố 5 bị can về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Cùng với việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Kiểm sát viên Phạm Thị Chung đã cùng các đồng nghiệp họp bàn, vận dụng nhuần nhuyễn giữa quy định của pháp luật và yêu cầu chính trị, bảo đảm vừa xử lý được tội phạm theo pháp luật, vừa tránh được các yếu tố chính trị nhạy cảm làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị trong nước.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, xác minh, thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ gặp nhiều khó khăn do các bị can ngoan cố, lỳ lợm, khai báo nhỏ giọt, chỉ khai báo các vấn đề khi có tài liệu, chứng cứ phản ánh; địa bàn rộng, có nhiều bị can và nhiều đối tượng có liên quan nên mất nhiều thời gian để thu thập tài liệu; mặt khác, các đối tượng là người có liên quan, người biết việc phần lớn không hợp tác, trốn tránh khi Cơ quan điều tra triệu tập làm việc… 

Bản lĩnh và trí tuệ của nữ Kiểm sát viên

Không ngại khó, không ngại khổ, không kể ngày hay đêm, Kiểm sát viên Phạm Thị Chung đã theo sát, kiểm sát toàn bộ hoạt động điều tra của Điều tra viên; chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra sử dụng đồng bộ các biện pháp, chiến thuật hỏi cung, trong đó lấy giáo dục, thuyết phục là chính; nắm tình hình diễn biến tư tưởng của các đối tượng, áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý, không để các đối tượng thông cung. 

Kiểm sát viên Phạm Thị Chung đã trực tiếp vào địa bàn nơi xảy ra tội phạm, cùng các Điều tra viên thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ, từ đó, chủ động đề ra 6 bản yêu cầu điều tra, yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra làm rõ những nội dung như: Kịp thời khám nghiệm hiện trường, khám xét nơi ở của các đối tượng trong vụ án… để thu giữ vật chứng; Sử dụng các biện pháp theo tố tụng như: tổ chức nhận dạng, đối chất; phối hợp với các đơn vị chức năng sử dụng có hiệu quả biện pháp trinh sát, nắm diễn biến hoạt động của các đối tượng chưa bị bắt giữ. Quá trình đấu tranh với các đối tượng, tuyệt đối không sử dụng tài liệu trinh sát kỹ thuật để đấu tranh khai thác khi chưa có sự chỉ đạo của lãnh đạo. 

leftcenterrightdel
Thường xuyên họp bàn phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp. 

Để thuận lợi trong quá trình đấu tranh với các đối tượng, Kiểm sát viên Phạm Thị Chung đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Viện và lãnh đạo Cơ quan điều tra cử cán bộ biết tiếng dân tộc Mông, có kinh nghiệm trong công tác điều tra án an ninh, nắm rõ nội dung cụ thể liên quan đến từng đối tượng, khai thác làm rõ động cơ, mục đích, âm mưu, phương thức, thủ đoạn, cơ cấu, bộ máy tổ chức và vai trò, vị trí của từng đối tượng trong tổ chức; làm rõ những hoạt động chống Nhà nước từ trước đến nay của các đối tượng, nguyên nhân, điều kiện, hành vi và hậu quả do chúng gây ra; Mở rộng đấu tranh, khai thác, củng cố tài liệu, chứng cứ, xác định đối tượng cầm đầu, đối tượng hoạt động tích cực, manh động và các đối tượng khác trong tổ chức để tiến hành khởi tố, bắt giữ; đối chiếu lời khai của các bị can với nhau và các tài liệu chứng cứ khác, đấu tranh làm rõ những mâu thuẫn, bất hợp lý, đưa ra những biện pháp đấu tranh tiếp theo để làm sáng tỏ các nội dung của vụ án; trưng cầu giám định nội dung tin nhắn trong điện thoại và nội dung các tài liệu thu giữ của các đối tượng…

Với sự kiên trì, tỉ mỉ của các Điều tra viên, Kiểm sát viên, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo các ngành và chính quyền địa phương, sau hơn 5 tháng đấu tranh đã thu được kết quả: Tất cả các bị can đều khai nhận hành vi phạm tội, thu giữ được nhiều vật chứng như điều lệ, cương lĩnh, mô hình tổ chức của nhà nước Mông, súng, đạn, tiền, quần áo, lời tuyên thệ của bộ độiMông khi được nhận súng…; củng cố chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội; làm rõ được toàn bộ sự thật khách quan của vụ án.

Trong vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án và được VKSND tỉnh phê chuẩn khởi tố 20 bị can (17 bị can bị khởi tố về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, 3 bị can bị khởi tố về tội Che giấu tội phạm). 

Những điều “ở lại” sau vụ án

Từ thực tế thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án trên, Kiểm sát viên Phạm Thị Chung cùng các đồng nghiệp ở Phòng 1 đã rút ra một số bài học, kinh nghiệm như: Khi được phân công kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, Kiểm sát viên phải nhanh chóng tiếp cận, nghiên cứu tài liệu về tố giác, tin báo; đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động theo luật định để làm rõ nội dung tố giác, tin báo. 

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Phạm Thị Chung công bố cáo trạng tại phiên tòa. 

Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án, Kiểm sát viên phải nghiên cứu, nắm chắc tài liệu, chứng cứ ban đầu Cơ quan điều tra đã thu thập được để đề ra yêu cầu điều tra sát với nội dung vụ án và bảo đảm việc điều tra thu thập được đầy đủ tài liệu, chứng cứ làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Trong quá trình kiểm sát điều tra, thường xuyên nghiên cứu tài liệu, chứng cứ Cơ quan điều tra thu thập được để đề ra yêu cầu điều tra tiếp khi thấy cần thiết.

Đối với vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, cần xem xét thận trọng, đánh giá kỹ càng căn cứ trước khi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để bảo đảm việc giải quyết vụ án được toàn diện, vừa đúng pháp luật, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phải thực hiện tốt chính sách phân hóa, nghiêm trị đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy; khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm... 

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án để xác định đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đã có tiền án, tiền sự về tội này chưa? Vai trò của đối tượng trong tổ chức, thuộc tổ chức phản động nào? Tổ chức này do ai cầm đầu? Hoạt động chính ở đâu? Xác định mối quan hệ giữa các nhóm, đối tượng phạm tội? Kiểm tra các nguồn chứng cứ đã thu thập được như tài liệu trinh sát, tài liệu điều tra theo tố tụng để áp dụng biện pháp đấu tranh có hiệu quả.

Công tác điều tra phải thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh rõ hành vi phạm tội và các tình tiết của vụ án, đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều 85 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tội danh khởi tố phải chính xác. Việc hỏi cung bị can vừa phải bảo đảm thu thập chứng cứ nhưng cũng nhằm cảm hóa, giáo dục bị can, tạo điều kiện để bị can ăn năn hối cải, lập công chuộc tội. Cần áp dụng chiến thuật phù hợp đối với từng bị can để khai thác hiệu quả lời khai của bị can. Bên cạnh việc đấu tranh kiên quyết, phải áp dụng biện pháp tác động tâm lý để bị can tin tưởng, yên tâm khai báo thành khẩn.

Khi xét thấy cần thiết, cần mạnh dạn áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định tại Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự. Giai đoạn vụ án sắp kết thúc điều tra, Kiểm sát viên phải chủ động cùng Điều tra viên báo cáo lãnh đạo liên ngành để họp bàn đánh giá các tài liệu, chứng cứ, thảo luận thống nhất những nội dung cần đưa vào kết luận điều tra và cáo trạng truy tố. Đồng thời, kịp thời báo cáo cấp ủy đảng, báo cáo cấp trên để có sự hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời...

Với những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi trong công tác, năm 2019, Phó Trưởng phòng 1, VKSND tỉnh Điện Biên Phạm Thị Chung đã được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân.


Xuân Hưng