Chia sẻ với phóng viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Cao Bằng Đàm Nghĩa Quân cho hay, tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy diễn ra phức tạp, khó lường, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các vụ án mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn gia tăng, với nhiều chủng loại ma túy khác nhau. Theo đó, trong năm 2019, VKSND tỉnh Cao Bằng đã khởi tố 278 vụ/374 bị can (tăng 40 vụ/68 bị can so với cùng kỳ năm 2018).
|
|
Viện trưởng Đàm Nghĩa Quân phát biểu tại một hội nghị. |
Lật tẩy thủ đoạn tinh vi
Đáng nói, các đối tượng người nước ngoài coi Cao Bằng là nơi “trung chuyển” do có đường biên giáp Trung Quốc dài, lợi dụng địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, dễ vượt biên trái phép để vận chuyển ma túy sang Trung Quốc. Không những thế, các đối tượng còn vận chuyển ma túy đá ngược lại từ Trung Quốc về Việt Nam, qua địa bàn các xã biên giới. Nhiều đối tượng mua bán ma túy nhỏ lẻ xoay vòng để có tiền sử dụng ma túy, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự trị an…
Điển hình, ngày 23/02/2019, Công an tỉnh phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an làm nhiệm vụ tại khu vực phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, phát hiện đối tượng Khà A Sùng (trú tại Thung Mặn, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) có hành vi vận chuyển 24 bánh heroine và 6.000 viên nén màu hồng bán cho Trần Minh Phương (trú tại tổ 8, thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh). Mở rộng điều tra, Phương thừa nhận, trong khoảng tháng 6/2018, Sùng đã bán cho Phương 8 bánh heroine với giá 180.000.000 đồng/bánh, Phương đã bán cho người Trung Quốc.
Đặc biệt, một vụ án ma túy lớn khiến anh phải trăn trở nhất và quyết tâm phối hợp điều tra mở rộng vụ án, nhằm xử lý triệt để, không bỏ lọt tội phạm. Đó là vụ án Hồ Bá Lập và hơn 10 đồng phạm bị VKSND tỉnh Cao Bằng truy tố và bị Tòa xét xử về tội danh Mua bán trái phép chất ma túy.
Viện trưởng Đàm Nghĩa Quân kể lại: Khoảng 11h 30’ ngày 01/4/2016, tại Nà Chích, Pác Liềng, Đại Sơn, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, tổ công tác Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng phối hợp với Công an huyện Phục Hòa phát hiện và bắt quả tang Hồ Bá Lập, Mông Thế Minh đang vận chuyển bằng xe máy 13 bánh heroin đi tiêu thụ. Cơ quan chức năng đã tiến hành bắt khẩn cấp Phùng Văn Hải và Hoàng Văn Thao, sau đó, mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT đã khởi tố và bắt tạm giam ở giai đoạn 1 tổng cộng 12 bị can…
Theo kết quả điều tra và phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa xác định được, khoảng cuối năm 2015, Hồ Bá Lập do nợ nần nên đã bàn với Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Kiên để buôn bán heroin. Sau đó, Lập cùng góp 80 triệu đồng với Nguyễn Văn Kiên (Kiên đã cầm cố một chiếc xe ô tô, góp 300 triệu đồng). Khi đã có tiền, Nguyễn Văn Hải đưa Lập đến huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La để giới thiệu làm quen mua heroin với Nguyễn Ngọc Tuấn và Hờ A Nếnh, giá mua mỗi bánh heroin tại huyện Mộc Châu khoảng từ 150.000.000 đồng - 175.000.000 đồng và Lập mang về Cao Bằng bán cho nhiều đầu mối giá khoảng 200.000.000 đồng - 220.000.000 đồng/1 bánh…
Đây là một vụ án phức tạp, với thủ đoạn hết sức tinh vi, các đối tượng ngoan cố. Quá trình điều tra, nhiều bị cáo không nhận tội, phản cung, không hợp tác với Cơ quan điều tra, khai báo không thành khẩn… Song, bằng nghiệp vụ tinh thông và với quyết tâm không bỏ lọt tội phạm, các bị cáo đã buộc phải nhận tội và chịu những bản án thích đáng.
Có thể nói, việc TAND tỉnh Cao Bằng đưa ra xét xử công khai vụ án Hồ Bá Lập cùng các đồng phạm tội Mua bán trái phép trên 50 bánh heroin đã đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống đối với loại tội phạm này và cũng đáp ứng mong mỏi của nhân dân tỉnh Cao Bằng trong việc xử lý tội phạm về ma túy... Với mức hình phạt nghiêm khắc là một sự trừng phạt của pháp luật, đồng thời cũng là bài học cho những kẻ lười lao động, muốn làm giàu, bất chấp pháp luật…Đồng thời, giữ cho môi trường xã hội được lành mạnh, người dân có một cuộc sống bình yên.
Dù vụ án đã khép lại, nhưng là cán bộ công tác trong ngành Kiểm sát gần 30 năm, tham gia giải quyết nhiều vụ án ma túy nên Viện trưởng Đàm Nghĩa Quân thấu hiểu được những hậu quả, nguy hiểm của loại tội phạm này đối với đời sống xã hội và mỗi gia đình. Ma túy là nguyên nhân chính gây mất trật tự trị an xã hội, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, và chính là nguồn gốc sâu xa của mọi tệ nạn và rất nhiều loại tội phạm khác. Do đó, trong anh luôn có suy nghĩ, cần phải kiên quyết xử lý nghiêm đối với loại tội phạm này...
Những sáng kiến có tính ứng dụng cao
Không chỉ sâu sát, tận tâm trong từng vụ án, với trách nhiệm là Viện trưởng, chịu trách nhiệm lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của ngành KSND tỉnh Cao Bằng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phục vụ kịp thời yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành và địa phương. Nhiều năm qua, VKSND hai cấp tỉnh Cao Bằng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Riêng năm 2019, các chỉ tiêu công tác kiểm sát đều hoàn thành và vượt.
Cụ thể: Tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt trên 93% (năm 2018), 94,1% (năm 2019), riêng tin báo về tham nhũng, chức vụ giải quyết đạt 100%. Về tỉ lệ bắt giữ hình sự chuyển xử lý hình sự đạt trên 97%. Án kết thúc điều tra đạt trên 85%, năm 2019 đạt 91,1%, tỉ lệ truy tố đạt 100%. Không có án oan sai, không có án phải trả hồ sơ nhiều lần. Chỉ đạo và xử lý dứt điểm nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án tham nhũng, chức vụ, án tồn đọng kéo dài trước đây, các vụ án được cấp ủy chỉ đạo, dư luận quan tâm.
|
|
Viện trưởng VKSND tỉnh Cao Bằng, Đàm Nghĩa Quân. |
Ngoài ra, Viện trưởng đã chỉ đạo xây dựng vụ án trọng điểm vượt chỉ tiêu 7,2%. Án xét xử rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp đạt 100%, trong đó có trên 20% số vụ khi rút kinh nghiệm có sự tham gia nhận xét của Thẩm phán và Điều tra viên. Năm 2019, đơn vị đã ban hành 13 kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra và 15 kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm. Tham mưu cho cấp ủy địa phương giải quyết nhiều vụ án phức tạp, kéo dài, dư luận đặc biệt quan tâm. Chỉ đạo nghiệp vụ các đơn vị cấp huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong năm qua, VKSND tỉnh Cao Bằng cũng là đơn vị chấp hành nghiêm túc về chế độ thông tin và báo cáo theo Quyết định số 279/QĐ-VKSTC. Không để xảy ra vụ án nào khởi tố để điều tra phải đình chỉ vì không phạm tội; Không để xảy ra vụ án nào VKS truy tố, Toà án tuyên không phạm tội, không bỏ lọt tội phạm. Thực hiện tốt chức năng giám sát từ khâu kiểm sát điều tra đến kiểm sát xét xử, kiểm sát tạm giữ, tạm giam; Khâu công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm đã kịp thời kháng nghị, kiến nghị các bản án cấp huyện có vi phạm pháp luật...
Viện trưởng Đàm Nghĩa Quân cho biết thêm, Cao Bằng là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc nên ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ngành KSND Cao Bằng cũng đã có những đóng góp đáng kể trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân như: thông qua các đối tượng hỗ trợ pháp lý là người già cô đơn, người nghèo để tuyên truyền pháp luật. Phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh tuyên truyền pháp luật cho học sinh trong các trường học. Đặc biệt, còn tuyên truyền thông qua các phiên tòa xét xử lưu động tại các bản, xã và tại các chợ phiên...
Không chỉ tâm huyết trong công việc, anh còn có nhiều sáng kiến, nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn. Trong 3 năm (2017- 2019), anh đều có những sáng kiến. Đó là các đề tài: “Thực trạng và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại VKSND tỉnh Cao Bằng”; “Một số kinh nghiệm trong công tác THQCT-KSĐT các vụ án giết người trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”; “Vai trò của Luật sư trong quá trình điều tra vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”... Các sáng kiến trên đều được Hội đồng xét sáng kiến VKSND tỉnh công nhận và đã được áp dụng trong công tác chuyên môn nghiệp vụ của VKS hai cấp, góp phần tạo thuận lợi cho KSV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao...
Trải qua những thăng trầm, trăn trở với nghề gần 30 năm, nhớ lại, cơ duyên đến với ngành Kiểm sát của anh cũng rất tình cờ. Anh kể, trước đó, khi còn trong quân ngũ, anh đọc báo Nhân dân có bài viết về chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND. “Những tìm hiểu sơ sơ đó thôi mà không hiểu sao trong lòng anh đã có mong muốn được công tác trong ngành Kiểm sát”- Viện trưởng Đàm Nghĩa Quân chia sẻ. Năm 1986, anh ra quân và tham gia học Đại học Luật. Sau khi tốt nghiệp, anh có nguyện vọng xin vào công tác ở ngành Kiểm sát, tuy nhiên, đến năm 1991, anh mới được về công tác tại VKSND tỉnh Cao Bằng.
Thời gian thấm thoắt, đã gần 30 năm anh gắn bó với ngành KSND, tuy có những khó khăn, vất vả, bởi những vụ án khó, phức tạp, nhiều lúc tưởng như đi vào ngõ cụt, nhưng với Viện trưởng Đàm Nghĩa Quân, được công tác trong ngành Kiểm sát, được làm công việc yêu thích, đó là niềm tự hào và hạnh phúc...