Bản lĩnh “thép” trong vụ án lớn

Mở đầu bài viết, tôi xin được gọi đồng chí Đinh Ngọc Kính - Viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử (THQCT&KSXX) án hình sự (Viện 1) thuộc VKSND cấp cao tại Đà Nẵng (VKSND cấp cao 2) danh xưng thân mật: Anh.

Tôi biết anh Đinh Ngọc Kính qua một lần đến đưa tin về hội thao của ngành Kiểm sát tại Đà Nẵng. Sau khi tác nghiệp, trò chuyện với một nhân viên Viện 1, tôi buột miệng: “Sếp của em nhìn khó gần nhỉ, nhìn có vẻ khó tính đấy”. Ngay lập tức, người bạn phản bác lại: “Không phải đâu anh,nhìn vậy chớ không phải vậy đâu. Sếp Kính vui tính và hòa nhã lắm, trong đơn vị của bọn em, anh Kính như một người anh trai, luôn chia sẻ, uốn nắn cho bọn em từng tí một. Làm việc với sếp Kính sướng lắm”.

Thực ra, ngay lúc đó, tôi không tin lắm. Nhưng sau nhiều lần đến VKSND cấp cao 2, được tiếp xúc, nói chuyện nhiều với anh, tôi mới thay đổi suy nghĩ của mình: “Anh Kính đúng là người gần gũi, ấm áp”. Càng tiếp xúc với anh, tôi thấy anh với vẻ bề ngoài là một khắc tinh với tội phạm, nhưng với bạn bè, đồng nghiệp, anh sống rất chan hòa, nhất là với cán bộ trẻ, anh rất tận tình. 

Một lần đến VKSND cấp cao 2, tôi ghé phòng làm việc của anh. Nhìn thấy tấm Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao tặng anh về thành tích đột xuất liên quan đến vụ án Buôn lậu gỗ trắc gây xôn xao dư luận trong thời gian dài, tôi tò mò hỏi chuyện...

leftcenterrightdel
Đồng chí Đinh Ngọc Kính (bên trái) đón nhận Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao. 

Anh Kính chia sẻ: “Vụ án này, phức tạp lắm. Kiểm sát viên đối diện với nhiều áp lực lắm. Dư luận báo chí quan tâm. Đại biểu Quốc hội thì chất vấn lãnh đạo VKSND tối cao về vụ án tại kỳ họp Quốc hội. Báo chí thì để ý từng từ ngữ các Kiểm sát viên tranh luận và viết theo hướng bị cáo bị oan. Luật sư thì tranh luận rất gay gắt. Anh với Kiểm sát viên Lê Ra phải tranh luận với 6 luật sư. Anh chủ đạo tranh luận với luật sư từng vấn đề”.

Vụ án Trương Huy Liệu cùng đồng bọn phạm tội “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, từ khi VKSND tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố đến khi kết thúc vụ án, Tòa đã nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, Bản kết luận điều tra lần đầu là ngày 15/10/2013 và bản Kết luận điều tra bổ sung cuối cùng là ngày 16/3/2018. 

Từ năm 2013 đến năm 2018, vụ án đã có 4 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần xét hỏi thẩm vấn, 1 lần VKS phát biểu quan điểm nhưng HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung. Lần xét xử sơ thẩm cuối cùng là vào ngày 23/8/2018, Tòa tuyên phạt Trương Huy Liệu 1 năm 16 ngày tù; Trần Thị Dung 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành, mỗi bị cáo 9 tháng tù; Đỗ Thanh Thắng 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và buộc các bị cáo trả lại cho Công ty Ngọc Hưng trên 600 m3 gỗ bị thu giữ, là tang vật trong vụ án.

Sau phiên xét xử sơ thẩm, Viện 1 đã tham mưu lãnh đạo VKSND cấp cao 2 ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 39 ngày 14/9/2018, hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm nói trên, theo hướng tăng hình phạt đối với một số bị cáo, tịch thu toàn bộ tang vật buôn lậu của Công ty Ngọc Hưng là 614,672 m3 gỗ.

Tại phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, 6 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo đều cho rằng, các bị cáo Dung, Liệu không phạm tội và cơ quan tiến hành tố tụng có vi phạm nghiêm trọng tố tụng nên vụ án cần được tuyên hủy án. Bởi vì, khi nhập khẩu, xuất khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam và xuất bán đi nước ngoài, công ty đều có kê khai nộp thuế đầy đủ (3,2 tỉ đồng), hàng hóa không thuộc loại hàng cấm, kết luận giám định gỗ không đúng thủ tục nên không có giá trị làm căn cứ buộc tội… 

leftcenterrightdel
Viện trưởng Viện 1 Đinh Ngọc Kính thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại một phiên tòa. 

Nhưng với tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ pháp chế XHCN, Viện 1 đã tham mưu Viện trưởng VKSND cấp cao 2 ban hành kháng nghị phúc thẩm để xét xử tăng hình phạt các bị cáo với quan điểm: Tuy gỗ là hàng hóa nhà nước không cấm nhập khẩu, xuất khẩu nhưng doanh nghiệp khi nhập khẩu, xuất khẩu phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. 

Qua nghiên cứu các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thấy, có đủ chứng cứ khẳng định, lãnh đạo Công ty Ngọc Hưng đã có hành vi chỉ đạo nhân viên làm giả toàn bộ hồ sơ nhập khẩu và xuất khẩu lô hàng gỗ có khối lượng 614 m3 trắc và hương (23 m3) có giá trị 63 tỉ đồng từ Lào về Việt Nam và xuất bán cho doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) nên hành vi của các bị cáo là buôn lậu hàng hóa qua biên giới; các cán bộ kiểm hóa Hải quan Quảng Trị và Đà Nẵng do thiếu trách nhiệm không phát hiện sai phạm của Công ty Ngọc Hưng nên phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đã kiên quyết xét hỏi và tranh luận tất cả những luận cứ của các luật sư đưa ra nhằm làm sáng tỏ vụ án, được Hội đồng xét xử và người dự phiên tòa đánh giá cao... Cuối cùng, HĐXX chấp nhận kháng nghị của VKS, tuyên án tăng hình phạt đối với bị cáo Trương Huy Liệu từ 1 năm 16 ngày tù lên 7 năm tù; bị cáo Trần Thị Dung từ 9 tháng tù lên 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo và tuyên tịch thu toàn bộ lô gỗ bổ sung ngân sách. 

Nghe có vẻ vụ án không có gì đặc biệt nhưng thật ra đây là một vụ án cực kỳ phức tạp. Các luật sư đã xoáy vào 3 điểm yếu trong quá trình tố tụng, vì trong vụ án, người được xem là trực tiếp làm giả toàn bộ hồ sơ nhập khẩu lô gỗ cho Công ty Ngọc Hưng đã tự tử, để lại một lá thư tuyệt mệnh và tố cáo rằng bị ép cung. Bên cạnh đó, việc giám định lô gỗ cũng bị sai so với quy trình tố tụng. Thêm vào đó, vụ án có liên quan đến yếu tố nước ngoài.

Đặc biệt, có “đơn vị” gửi văn bản cho rằng, gỗ tang vật là gỗ hợp pháp của mình và xin được nhận lại. Trong khi báo chí thì đưa tin theo hướng có lợi cho bị cáo. “Được phân công nghiên cứu, giải quyết vụ án, anh rất lo, phải làm ngày, làm đêm, nghiên cứu kỹ hồ sơ. Bởi vì, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án qua thực tế tranh luận tại phiên tòa khi các chứng cứ đã được làm sáng tỏ, HĐXX bắt buộc Kiểm sát viên phải tranh luận từng vấn đề của vụ án. Suốt quá trình xét xử vụ án, anh rất mệt mỏi, đầu óc luôn căng thẳng, nhiều buổi trưa về cơ quan không ăn được cơm, nhiều đêm mất ngủ vì mãi suy nghĩ về những vấn đề cần tranh luận cho ngày hôm sau. Áp lực ghê gớm” - anh Đinh Ngọc Kính tâm sự.

“Anh có nhận được sự can thiệp nào bên ngoài không?”, tôi hỏi. “Có em, biết mình là cán bộ Kiểm sát thì bằng cách này hay cách khác họ muốn tìm đến cán bộ giải quyết vụ án để “nhờ giúp đỡ”. Thế nhưng, những lúc như vậy, đòi hỏi bản lĩnh của Kiểm sát viên, phải đặt pháp luật lên trên hết, giữ vững ý chí, bản lĩnh trước những cám dỗ. Ngành đã tin tưởng giao trọng trách này cho anh thì anh phải làm sao cho xứng đáng với sự tin tưởng của cấp trên” - Viện trưởng Viện 1 Đinh Ngọc Kính trăn trở.

Người Viện trưởng mẫn cán

Là người Viện trưởng 5 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (2015 – 2019), 3 lần nhận Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao. Thành tích của anh đạt được gắn liền với sự phát triển của Viện 1. Thời điểm khi VKSND cấp cao 2 mới thành lập, Viện 1 được VKSND tối cao bàn giao hơn 2.000 đơn cần giải quyết nhưng biên chế của Viện 1 chỉ có dưới 10 người. Đa số cán bộ trong Viện 1 từ VKS địa phương mới chuyển đến nên chưa quen việc, chưa có kinh nghiệm làm án giám đốc thẩm. Viện 1, chỉ có anh Đinh Ngọc Kính là Kiểm sát viên cao cấp và không có cấp phó giúp việc nên anh phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của đơn vị. Để hoàn thành nhiệm vụ, anh đã làm việc không kể thời gian, nhiều hôm phải đến 10 giờ đêm mới về được nhà…

Đòi hỏi đặt ra với người Viện trưởng là làm sao để các hồ sơ, đơn yêu cầu của công dân gửi đến phải được giải quyết nhanh, đúng tiến độ và đạt theo yêu cầu tỉ lệ (%) do Quốc hội và Ngành giao. Được sự đồng ý của lãnh đạo VKSND cấp cao 2,  Viện trưởng Đinh Ngọc Kính đã nghiên cứu và đề xuất ban hành quy trình giải quyết hồ sơ án hình sự. Quy trình này sau đó được đánh giá là quy trình chuẩn “cầm tay chỉ việc”.

Theo đó, năm 2015, Viện trưởng Đinh Ngọc Kính có sáng kiến trong việc lập hồ sơ kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, việc lập hồ sơ nhanh, gọn nhưng đầy đủ tài liệu chứng cứ, giúp Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ THQCT và KSXX tại phiên tòa dễ tìm, dễ đọc, dễ hiểu và dễ sử dụng, phục vụ tốt công tác tranh tụng tại phiên tòa.

Năm 2016, anh có sáng kiến “Quy trình về việc thụ lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm”. Với vai trò là Viện trưởng Viện 1, đồng chí Đinh Ngọc Kính đã đưa ra quy định việc xử lý đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để áp dụng thống nhất trong Viện 1, cụ thể bằng Quyết định số 05/QyĐ-V1 ngày 19/5/2016 về việc thụ lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Với sáng kiến này, đã giúp cán bộ, Kiểm sát viên Viện 1 giải quyết đơn được thống nhất, nhanh, gọn, đáp ứng yêu cầu của Lãnh đạo VKSND cấp cao 2.

Thành công của việc xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ phúc thẩm, giám đốc thẩm, gần đây, Viện trưởng Viện 1 Đinh Ngọc Kính được VKSND cấp cao 2 tin tưởng giao chủ trì về “số hóa hồ sơ”. Quy trình số hóa hồ sơ đang được Viện trưởng Đinh Ngọc Kính hoàn thiện dần để đáp ứng việc thực hiện việc lưu trữ không hồ sơ giấy theo chủ trương của Ngành. Trước mắt, quy trình này phục vụ cho việc xét xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa, giúp Kiểm sát viên dễ dàng truy xuất công khai chứng cứ, phục vụ hiệu quả việc tranh tụng tại phiên tòa.

Từ năm 2015 đến nay, Viện trưởng Đinh Ngọc Kính đã đạt được nhiều danh hiệu thi đua: Bằng khen tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng năm 2016, Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao năm 2016, Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017, Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm: 2015, 2016 2017, 2018, 2019. Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao khen thưởng thành tích đột xuất trong công tác xét xử vụ án Trương Huy Liệu.


Phó Viện trưởng VKSND cấp cao 2 Nguyễn Văn Chiến nói về Viện trưởng Viện 1: “Là một cựu chiến binh, nay được khoác trên mình trang phục của ngành Kiểm sát và được phân công nhiệm vụ phụ trách Viện 1, đồng chí Đinh Ngọc Kính luôn nêu cao tinh thần tổ chức kỷ luật, sáng tạo và luôn giữ được phẩm chất, đạo đức của một Kiểm sát viên”.


(Bài tham dự thi viết   “Chân dung cán bộ kiểm sát & Bản lĩnh Kiểm sát viên”)

Xuân Nha