Ở bất cứ nhiệm vụ nào được giao, Kiểm sát viên (KSV) Phạm Văn Thân đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc, trong đó có hai lần anh được điều chuyển để thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với các bị cáo là người có chức vụ cao trong bộ máy cơ quan Nhà nước.

Với anh, quá trình phấn đấu trở thành Kiểm sát viên tiêu biểu là cả một thời gian dài đầy thử thách. Ba mươi năm công tác, KSV Phạm Văn Thân từng kinh qua nhiều khâu nghiệp vụ như: kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự, kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính... Trong mỗi khâu nghiệp vụ, bản thân anh đều xem đó là một nhiệm vụ, đồng thời cũng là trách nhiệm được giao. Vì vậy, mỗi khi nhận nhiệm vụ, anh luôn tự giác chấp hành và khi đã nhận thì dù là nhiệm vụ nào anh cũng quyết tâm phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt.

leftcenterrightdel
Đồng chí Phạm Văn Thân -Trưởng Phòng 9, VKSND tỉnh Bạc Liêu. 

Trò chuyện với phóng viên, anh Thân tâm sự: “Đáp lại sự tin tưởng của Ban lãnh đạo Viện, bản thân tôi đã luôn nỗ lực hết mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Kiểm sát viên thực hành và kiểm sát xét xử quyền công tố tại Tòa. Từ năm 2011 đến nay, tôi đảm nhiệm công tác tại Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Phòng 9)”

Anh Thân cho biết, khi nhận nhiệm vụ tại Phòng 9, tôi xác định đây là một khâu công tác khó, đòi hỏi người lãnh đạo Phòng phải có nhiều kinh nghiệm và có kiến thức sâu rộng về các ngành luật khác nhau mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. 

Ý thức được điều này, ngay sau khi tiếp cận công việc được giao, anh Thân đã chủ động tìm ra một phương pháp làm việc, nghiên cứu khoa học để làm sao thu được kết quả cao nhất. Kết quả, tập thể phòng do anh lãnh đạo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hai năm liền, cá nhân anh nhiều năm liên tục được công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Khi có chủ trương phát động đăng ký thi Kiểm sát viên giỏi, anh nhận thấy, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, là dịp để các Kiểm sát viên nâng cao nhận thức, bồi dưỡng lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ để có thể đáp ứng với nhiệm vụ mới trong giai đoạn cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế hiện nay.

Với ý thức trách nhiệm, nghiêm túc và quyết tâm dự thi đạt kết quả cao nhất, anh đã cùng với các Kiểm sát viên, đồng nghiệp nghiên cứu, trao đổi, tìm tòi những tài liệu và văn bản pháp lý liên quan đến bộ đề thi Kiểm sát viên giỏi do VKSND tối cao ban hành để giải bộ đề thi, tìm ra đáp án sát với thực tế nhất. Chính vì vậy, anh đã vinh dự đạt danh hiệu “Kiểm sát viên giỏi”, đồng thời được bình chọn là Kiểm sát viên tiêu biểu ngành Kiểm sát nhân dân năm 2012. 

leftcenterrightdel
Lãnh đạo VKSND tỉnh Bạc Liêu đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. 

Anh Thân chia sẻ, khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm sát viên nói riêng là thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để làm tốt được chức năng, nhiệm vụ đó, đòi hỏi cán bộ Kiểm sát phải nắm chắc các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư, nghị quyết... từ đó, vận dụng một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt và sáng tạo vào từng vụ, việc. 

Anh Thân bộc bạch: “Từ năm 2011 đến năm 2017, với vai trò là Trưởng phòng Phòng 9, VKSND tỉnh Bạc Liêu, tôi đã chỉ đạo và điều hành đơn vị hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao. Qua các năm, đơn vị đều đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, 3 lần được VKSND tối cao tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối (năm 2013, 2016 và 2017). Ngoài ra, đơn vị còn được tặng nhiều bằng khen trong các phong trào thi đua ngắn hạn do Ngành và UBND tỉnh Bạc Liêu phát động.

Qua quá trình công tác, tôi rút ra một số kinh nghiệm như: phải nắm chắc các quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự; Phải nghiên cứu các văn bản pháp luật, đặc biệt là các văn bản liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở; các văn bản quy định về quyền sở hữu tài sản, về án phí… là những vấn đề bức xúc thường xảy ra trong các giao dịch dân sự.

Bên cạnh đó, cán bộ cũng cần thường xuyên rèn luyện, xây dựng phương pháp làm việc khoa học và đúc rút cho bản thân những kỹ năng nghiên cứu phát hiện vi phạm thông qua công tác kiểm sát việc thụ lý các vụ việc dân sự, hành chính, các bản án, quyết định của Toà án và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bởi lẽ, nếu thực hiện tốt phương pháp này sẽ giúp cho công tác kháng nghị, kiến nghị thu được kết quả cao. Thông qua đó, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, phát huy tốt vai trò của Kiểm sát viên. 

Với cách thức và phương pháp như trên, năm 2011, khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo Phòng 9, KSV Phạm Văn Thân cùng với các đồng nghiệp đã đề xuất ban hành kháng nghị 27 quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự có vi phạm về nội dung. 

Nhớ lại một vụ tranh chấp về nợ hụi, nhưng thực chất chủ hụi đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các hụi viên rồi bỏ trốn, nhưng Thẩm phán không xác minh thu thập chứng cứ. Để có căn cứ xác định đây là một vụ việc quan hệ dân sự hóa hình sự và chứng minh sự thỏa thuận này trái pháp luật là một vấn đề hết sức khó khăn, trong khi có nhiều quan điểm cho rằng, việc Tòa án ra quyết định công nhận sự tự thỏa thuận nói trên là hoàn toàn phù hợp, đúng pháp luật vì đã có sự tự thỏa thuận của các đương sự. 

leftcenterrightdel
Đồng chí Phạm Văn Thân và các đồng nghiệp nhận Bằng khen tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. 

Do thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp với các ngành liên quan, KSV Phạm Văn Thân đã cẩn trọng củng cố thêm tài liệu chứng minh về thủ đoạn gian dối của chủ hụi, sau đó mạnh dạn đề xuất với Lãnh đạo Viện xem xét để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ việc trên. Khi anh báo cáo đề xuất đã được Lãnh đạo Viện đồng ý kháng nghị. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, KSV Phạm Văn Thân đã bảo vệ thành công kháng nghị của Viện kiểm sát và chủ hụi đã bị khởi tố và xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Việc kháng nghị tại khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự đã được Tòa án xét xử chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát, do vậy, sau phiên tòa, Kiểm sát viên Phạm Văn Thân tổ chức rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm được rút ra từ phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, thu thập, củng cố hồ sơ phục vụ cho công tác kháng nghị đối với án dân sự là một trong những thao tác nghiệp vụ vô cùng quan trọng để làm cơ sở cho việc bảo vệ kháng nghị của Viện kiểm sát.

Ngoài ra, khi thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên phải có bản lĩnh nghề nghiệp, tính chủ động quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không được tự thỏa mãn mà phải không ngừng học hỏi, trau dồi phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để ngày một hoàn thiện hơn.

Năm 2017, KSV Phạm Văn Thân chỉ đạo Phòng 9 xây dựng chuyên đề “Thực trạng các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình bị hủy, sửa – Nguyên nhân và giải pháp”. Chuyên đề được Hội đồng xét duyệt sáng kiến của VKSND tỉnh Bạc Liêu công nhận tại Quyết định số 150/QĐ-HĐXDSK-VKS ngày 05/12/2017. Chuyên  đề phản ánh thực trạng các vụ án dân sự, hôn nhân, gia đình bị hủy, sửa qua các năm (từ năm 2014 đến tháng 5/2017), nguyên nhân và đề ra các giải pháp để hạn chế các dạng vi phạm phổ biến dẫn đến án bị hủy, sửa.

Đối với từng loại vi phạm đều có nêu các vụ án cụ thể, phân tích các vi phạm giúp Kiểm sát viên dễ dàng nhận biết và phát hiện vi phạm. Chuyên đề trên đã được Viện trưởng VKSND tỉnh Bạc Liêu thành lập Hội đồng xét duyệt, thông qua và công nhận đưa vào thực hiện trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Chuyên đề được đưa vào áp dụng đã góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân, gia đình của ngành Kiểm sát tỉnh Bạc Liêu và giảm thiểu các vụ án bị hủy, sửa do có lỗi của Viện kiểm sát khi không phát hiện vi phạm để thực hiện chức năng kháng nghị.

KSV Phạm Văn Thân luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” nên qua hơn 30 năm công tác, anh không ngừng nỗ lực cống hiến cho ngành Kiểm sát. Những thành tích mà KSV Phạm Văn Thân đạt được giúp anh trở thành tấm gương lao động điển hình, góp phần phục vụ sự nghiệp, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, tổ chức và xã hội.

Đồng chí Phạm Văn Thân, Trưởng phòng 9 là người có trách nhiệm trong công việc và có nhiều ý kiến tham mưu cho lãnh đạo VKSND tỉnh, rất sát với nhiệm vụ chung của đơn vị.

Đối với phòng mình phụ trách, đồng chí Thân luôn quán triệt sự chỉ đạo của lãnh đạo Viện đến tất cả cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị. Luôn quan tâm, theo dõi và kịp thời chỉ đạo để khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Hàng năm, đồng chí Thân đều chỉ đạo Phòng xây dựng chương trình công tác năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch để thực hiện chương trình cũng như nhiệm vụ đã đề ra.
Không những vậy, đồng chí Thân còn là người sống đoàn kết, chân thành với đồng nghiệp; Luôn giúp đỡ cấp dưới, nhất là những đồng chí mới được chuyển về phòng đều được đồng chí Thân giúp đỡ tận tình, thậm chí cầm tay chỉ việc để cán bộ nắm được chức năng, chuyên môn nghiệp vụ của phòng 9.

Những đóng góp đều được lãnh đạo VKSND tỉnh Bạc Liêu khuyến khích, ghi nhận và 2 lần đồng chí Phạm Văn Thân được Viện trưởng VKSND tối cao công nhận danh hiệu là Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân.

(Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bạc Liêu - Liêu Tài Ngoánh nhận xét về Trưởng phòng Phạm Văn Thân)


Đức Thắng