Kiểm sát viên Lương Thị Thúy Dung (Phó trưởng Phòng 2, VKSND TP Hải Phòng), người có thâm niên làm án hình sự, trong đó có án xâm hại tình dục trẻ em, đã có những chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết loại án này.
|
|
Kiểm sát viên Lương Thị Thúy Dung tại một phiên tòa. |
Khởi tố bị can gặp nhiều khó khăn
Sở dĩ án hiếp dâm trẻ em khó xử lý bởi đặc thù của loại tội phạm này: Nhiều vụ án, khi cơ quan chức năng tiến hành xác minh theo nội dung tố giác thì không tìm thấy dấu hiệu bị xâm hại ở nạn nhân – các chứng cứ vật chất cho thấy dấu hiệu của tội phạm (như cơ quan sinh dục của nạn nhân không bị tổn thương, màng trinh còn nguyên vẹn, không tìm thấy xác tinh trùng trong âm đạo nạn nhân,...), trong khi nạn nhân còn quá nhỏ (có vụ nạn nhân mới chưa đầy 3 tuổi), rất khó để lấy lời khai...
Trong hầu hết các vụ việc tố cáo hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi mà tôi tham gia giải quyết, vì rất nhiều lý do khác nhau, thường được tố cáo muộn. Đối với các vụ việc xâm hại nạn nhân ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi, có thể sẽ được tố cáo sớm hơn, vì các cháu ở độ tuổi này cần có sự hỗ trợ của cha mẹ trong việc vệ sinh thân thể hàng ngày nên họ dễ dàng phát hiện được những dấu vết lạ xuất hiện ở xung quanh bộ phận sinh dục của con em mình, như: dấu vết tinh dịch, vết bầm tím, xây xước,...
Tuy nhiên, cũng có một số vụ việc, các bậc phụ huynh lại thực hiện ngay việc vệ sinh sạch sẽ cho con mình rồi mới đưa đi tố cáo, vô tình làm mất một phần dấu vết của tội phạm. Đối với các vụ việc xâm hại nạn nhân từ 6 đến dưới 10 tuổi, là độ tuổi hay bị các đối tượng dụ dỗ, mua chuộc cho tiền, cho truyện tranh, đồ ăn hoặc dọa dẫm gây hại nên các cháu này thường giấu diếm, không kể lại sự việc của mình với ai. Ở độ tuổi này, các cháu không còn thường xuyên được cha mẹ hỗ trợ vệ sinh cá nhân hàng ngày nên rất khó để phát hiện sớm. Chỉ đến khi người thân của các cháu thấy có dấu hiệu lạ về trạng thái tâm lý, nảy sinh nghi ngờ, gặng hỏi thì mới biết và tố cáo đến cơ quan chức năng.
Lại có vụ việc, mặc dù được phát hiện ngay sau khi nạn nhân bị xâm hại, nhưng cha mẹ của các cháu này không tố cáo mà chủ động để giải quyết nội bộ, hòa giải, yêu cầu bồi thường cao. Đến khi không thỏa thuận được mức bồi thường thì mới tố cáo (như 2 vụ hiếp dâm cháu gái hàng xóm 6 tuổi mà các cơ quan tố tụng TP Hải Phòng đã giải quyết trong năm 2018). Cá biệt, có vụ mặc dù được phát hiện quả tang, mẹ của nạn nhân hô hoán, dẫn giải đối tượng về trụ sở cơ quan Công an đề nghị giải quyết, nhưng chỉ sau thời gian ngắn, vì sức ép của gia đình, đã thay đổi lời khai, một mực xin rút đơn tố cáo (như vụ Phạm Văn C. ở quận Lê Chân hiếp dâm con của em gái ruột, hơn 9 tuổi).
Đối với các cháu trên 10 tuổi đến dưới 13 tuổi, việc phát hiện và tố cáo còn chậm trễ hơn. Có một số nạn nhân bị người thân dụ dỗ, lúc đầu miễn cưỡng giao cấu, những lần tiếp theo, thì tự nguyện giao cấu. Do các cháu này đã bắt đầu có nhận thức về giới tính, biết xấu hổ nên thường giữ im lặng, không nói với ai. Vụ việc chỉ được phát hiện khi vì lý do nào đó mà các cháu kể lại câu chuyện cho người thân, thầy cô, bạn bè hoặc do phát hiện đã có thai...
Với việc tố cáo muộn như vậy, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu thập dấu vết vật chất liên quan đến tội phạm. Hầu hết các vụ án đều không có người làm chứng trực tiếp, trong khi các đối tượng bị tố cáo thường là ngoan cố, khai báo quanh co, chối tội hoặc chỉ nhận một phần hành vi phạm tội (như không thừa nhận hiếp dâm mà chỉ nhận có hành vi dâm ô), thậm chí, có trường hợp khai bị yếu sinh lý, không thể thực hiện được hành vi giao cấu nhằm chối tội.
Bên cạnh đó, nhóm bị hại ở độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi thường có trí nhớ ngắn hạn, lúc nhớ, lúc không nhớ khi khai về hành vi của người phạm tội (như vụ án Nguyễn Văn T. hiếp dâm cháu bé hàng xóm 6 tuổi ở Cát Hải),... Cá biệt, có trường hợp nạn nhân đã mang thai, nhưng kết quả xét nghiệm ADN lại xác định thai nhi không phải là con của người bị tố cáo, mặc dù người này thừa nhận có hành vi giao cấu với nạn nhân. Phần lớn các vụ án, người đại diện hợp pháp cho bị hại đều có đề nghị hạn chế tối đa việc triệu tập nạn nhân lấy lời khai, xin được vắng mặt tại phiên tòa, gây không ít khó khăn cho việc làm sáng tỏ vụ án.
Khẳng định bản lĩnh Kiểm sát viên
Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết những vụ án hiếp dâm trẻ em trong thời gian qua, đáng chú ý là khi nghiên cứu các kết quả giám định pháp y về tình dục đối với một số bị hại ở độ tuổi từ 3 đến dưới 8 tuổi thường cho kết quả, không có các tổn thương nặng nề ở bộ phận sinh dục, chủ yếu chỉ là các dấu vết sưng nề, xây xước nhẹ hoặc bị giãn màng trinh... Đối với các cháu này, do bộ phận sinh dục chưa phát triển đầy đủ, còn quá nhỏ, khi bị xâm hại, các cháu thường có phản ứng mạnh nên hầu như hành vi giao cấu đều ở mức độ chưa đạt về hậu quả... dẫn đến có quan điểm khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ và xác định tội danh của người thực hiện hành vi.
|
|
Kiểm sát viên Lương Thị Thúy Dung tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại một phiên tòa hình sự, |
Đối với những trường hợp này, chúng tôi đã đặt ra công tác kiểm sát phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ trong việc đề ra các yêu cầu điều tra, thu thập, bổ sung các chứng cứ gián tiếp để bảo vệ quan điểm truy tố, chẳng hạn như: thu thập các tài liệu, chứng cứ làm rõ việc sử dụng thời gian của bị can trước, trong thời điểm bị tố cáo; yêu cầu thu giữ các bộ trang phục mang mặc và đồ lót của bị can, của nạn nhân mặc vào thời điểm được xác định là lần nạn nhân bị xâm hại gần nhất với ngày tố cáo, để tiến hành cho các bên nhận dạng; yêu cầu thu thập các tài liệu liên quan đến việc các bên tự thỏa thuận bồi thường trước khi tố cáo.
Để các em nhỏ tin tưởng hợp tác khai báo, Điều tra viên (ĐTV), Kiểm sát viên (KSV) ngoài việc phải hiểu rõ tâm lý trẻ em gái, còn phải mất thêm thời gian để tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh sống, tính tình, sở thích,… của các cháu trước khi tham gia hỏi, tạo cho các cháu một tâm lý thoải mái, sẵn sàng chia sẻ các nội dung mà ĐTV, KSV quan tâm. Nếu không đủ mức độ tin cậy đối với người hỏi, thì các cháu sẽ không khai (không kể chuyện). Mặc khác, nếu câu hỏi đặt ra thiếu mạch lạc, rõ ràng, khó hiểu thì mức độ thành công của việc ghi lời khai sẽ không cao.
Tôi còn nhớ một vụ án mà bị hại là một cháu gái (học sinh lớp 3) bị ông ngoại dượng xâm hại tình dục. Cháu bị xâm hại trong khoảng một thời gian dài (khoảng 9 đến 10 tháng tính đến thời điểm bị tố cáo). Theo kết quả giám định pháp y về tình dục, thì bộ phận sinh dục của cháu không có tổn thương âm đạo mà chỉ có dấu vết sưng nề ở âm hộ (màng trinh còn nguyên vẹn). Hành vi của bị can chủ yếu là dâm ô đối với cháu bé. Vụ án được phát hiện là do bà ngoại của cháu vô tình nhìn thấy cháu đang có hành động dùng tay nghịch bộ phận sinh dục (thủ dâm). Khi người bà gặng hỏi thì cháu mới kể lại việc bị ông ngoại dượng xâm hại tình dục, bản thân cháu gái đến thời điểm tố cáo đã có cảm giác hưng phấn mỗi khi bị xâm hại (đây cũng chính là hậu quả của tội phạm, làm cho cháu gái này có biểu hiệu phát dục sớm).
Do vụ án không thuộc trường hợp quả tang, sau khi nhận được tố cáo của đại diện bị hại, Cơ quan điều tra đã triệu tập đối tượng bị tố cáo đến để ghi lời khai. Đối tượng này ban đầu không nhận tội, căn cứ để tạm giữ hình sự không có. Kết quả kiểm tra, khám sơ bộ bộ phận sinh dục của cháu gái chỉ có dấu vết bị sưng nề âm hộ (trong khi hành động thủ dâm của cháu cũng có thể gây ra dấu vết này), nên việc xác định cháu bé có bị xâm hại tình dục hay không là vô cùng khó khăn.
Quá trình ĐTV và KSV làm việc với cháu gái cũng rất khó khăn, vì cháu tương đối hiếu động, không ngồi lâu một chỗ, luôn tay nghịch các đồ vật xung quanh, không muốn bắt chuyện, trả lời. Sau khi tìm hiểu qua bố mẹ của cháu, được biết cháu thích đọc truyện tranh Đô-rê-mon nên KSV đã cất công tìm mua bộ truyện mới nhất để làm quen với cháu, gây thiện cảm.
Buổi làm việc đầu tiên cháu hầu như không nói gì, nhưng đến buổi thứ hai cháu có phần tự nhiên và tin tưởng KSV, do vậy, khi hỏi về sự việc của cháu với ông ngoại dượng, cháu đã bắt đầu kể lại rõ ràng hơn, các câu hỏi được đặt ra chỉ có tính chất gợi chuyện để cho cháu kể lại, tuy nhiên, buổi làm việc này vẫn chưa thể hoàn thiện được việc ghi lời khai, cháu gái bất ngờ không tiếp tục “kể chuyện”.
Phải đến lần thứ ba, KSV và ĐTV thống nhất với nhau đổi mới cách thức làm việc, không tỏ ra nghiêm túc như buổi làm việc trước, cả hai mặc trang phục thường, trước khi bắt đầu làm việc, KSV đề nghị cháu kể lại nội dung tập truyện mới nhất mà cháu đã đọc, sau đó hùa theo câu chuyện của cháu một cách vui vẻ, rồi mới chuyển hướng về nội dung chính và thấy có hiệu quả tích cực. Làm việc được một lúc, thấy cháu có biểu hiện không muốn khai tiếp, KSV bất ngờ đề nghị cháu vẽ mô tả lại bộ phận sinh dục của ông ngoại dượng. Và cũng rất bất ngờ là cháu nhận lời. Khi cháu vừa vẽ xong, nhìn vào hình vẽ, mẹ của cháu bỗng nhiên… bật cười làm cho buổi làm việc phải tạm “giải lao”.
Có một chi tiết đáng chú ý là, cháu đã khoanh một dấu chấm lên vị trí trên hình vẽ và cháu bảo đó là nốt ruồi của ông. Cũng nhờ chi tiết này, ĐTV đã tiến hành kiểm thể đối tượng, xác định ở gốc bộ phận sinh dục của đối tượng có 1 nốt ruồi, đây cũng là căn cứ để các ĐTV và KSV đấu tranh, buộc đối tượng sau đó phải khai nhận hành vi phạm tội…
Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, để các lệnh, quyết định của CQĐT đối với bị can bảo đảm tính có căn cứ, đúng quy định pháp luật, KSV phải kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, đôn đốc việc điều tra, đồng thời ban hành nhiều bản yêu cầu điều tra có chất lượng, các nội dung yêu cầu điều tra phải bám sát nội dung vụ án, rõ ràng, có tính khả thi, góp phần định hướng đúng đắn cho việc điều tra.
Chính vì vậy mà trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua do VKSND TP Hải Phòng thụ lý giải quyết, không có trường hợp nào VKS từ chối phê chuẩn hay hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của CQĐT. Các trường hợp VKS phê chuẩn đến nay chưa có trường hợp nào phải đình chỉ điều tra vì lý do không phạm tội. Không xảy ra trường hợp nào khởi tố, điều tra, truy tố oan, sai, không có trường hợp nào quá hạn điều tra, quá hạn tạm giam, không có trường hợp nào phải đình chỉ điều tra do không phạm tội, 100% các vụ án trước khi kết thúc điều tra, KSV đều có báo cáo kiểm sát kết thúc điều tra và được lãnh đạo đơn vị phê duyệt…Tại phiên tòa, KSV chủ động và khẳng định được vai trò của mình trong các hoạt động xét hỏi, luận tội, tranh tụng.
Nhờ vậy, kết quả các vụ án xâm hại tình dục mà các cơ quan tố tụng TP Hải Phòng đã thụ lý và giải quyết đều đảm bảo cơ sở vững chắc ngay từ giai đoạn khởi tố điều tra (trong 3 năm 2016 - 2018 đã thụ lý, giải quyết xong 18 vụ án; từ ngày 1/12/2018 đến hết tháng 9/2019, VKSND TP đã truy tố 8 vụ/8 bị can, Tòa đã xét xử xong 6 vụ/6 bị can, còn 2 vụ/2 bị can đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử). Cáo trạng truy tố của VKS và lời luận tội của KSV tại phiên tòa đều đảm bảo tính có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được Tòa án chấp nhận cao. Điển hình như 2 vụ án Hiếp dâm người dưới 16 tuổi đã xét xử trong năm 2019 là vụ án Đồng Văn S. hiếp dâm con riêng của vợ là cháu T.T.T.L. (hơn 9 tuổi): VKS đề nghị 20 năm tù, kết quả Tòa tuyên phạt bị cáo 20 năm tù; vụ án Đỗ Duy K. hiếp dâm cháu P.Y.N. (7 tuổi): VKS đề nghị mức án 17-19 năm tù, Tòa tuyên phạt bị cáo 18 năm tù.
Có vụ án, trong quá trình điều tra, bị can chỉ thừa nhận thực hiện hành vi dâm ô đối với trẻ em, không thừa nhận hành vi hiếp dâm trẻ em. Ban đầu, các cơ quan tố tụng cấp huyện khởi tố bị can về Tội Dâm ô đối với trẻ em, sau khi có yêu cầu của cấp trên, cơ quan tố tụng cấp huyện đã phải thay đổi sang Tội Hiếp dâm trẻ em, đồng thời chuyển vụ án lên cấp tỉnh điều tra xử lý. Kết quả, VKSND TP Hải Phòng đã truy tố bị cáo về Tội Hiếp dâm trẻ em (nay là Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi).
Tại phiên tòa, bị cáo chỉ khai nhận một phần tội trạng của mình. Nhưng bằng trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, KSV đã chủ động công bố các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, chỉ ra những mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo; phân tích, đánh giá toàn bộ hệ thống chứng cứ kết tội bị cáo một cách lô gic, thuyết phục. Quan điểm của KSV tại các phiên tòa đều được HĐXX chấp nhận. Không có bị cáo nào Tòa án tuyên không phạm tội hoặc xét xử khác với tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố.
KSV Lương Thị Thúy Dung cho biết thêm, hiện tại, theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã mở rộng thêm hành vi khách quan trong cấu thành định tội, theo đó, các hành vi như: đưa dương vật vào miệng, vào hậu môn, đưa ngón tay, dụng cụ tình dục vào âm đạo nhằm tạo ra hưng phấn tình dục, được xác định là hành vi “quan hệ tình dục khác” của tội phạm này và các tội phạm xâm hại tình dục khác, quy định tại các Điều 141, 143, 144, 145 Bộ luật hình sự. Các quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động điều tra, thu thập và đánh giá chứng cứ của các vụ án thuộc loại tội phạm này.