Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương đồng khởi Bến Tre, trong một gia đình nghèo có tới 9 người con, tuổi thơ của Đặng Kim Quang trải qua những năm tháng nhọc nhằn, vất vả. Nhà đông người nên Kim Quang phải vừa đi học vừa đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Nhưng dù đã rất cố gắng, song, cơm vẫn không đủ no, áo không đủ mặc, cái nghèo vẫn cứ bủa vây gia đình chị.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Đặng Kim Quang tham gia một cuộc trực tiếp kiểm sát. 

Năm 1987, Kim Quang thi đỗ vào Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Cầm tờ giấy báo kết quả trúng tuyển, chị vừa mừng vừa lo. Giảng đường đại học là giấc mơ bấy lâu nay Quang từng theo đuổi, nhưng ­­­sau 8 năm tạm gác lại giấc mơ để mưu sinh gian khổ, bản thân đã nếm trải đủ mọi điều cơ cực của cuộc đời làm thuê, Quang mới hiểu ra rằng, chỉ có con đường tri thức mới giúp được mình thoát nghèo.

Và với một khát khao vượt khó vươn lên, Đặng Kim Quang lại tiếp tục nuôi mộng đèn sách. Ban ngày đi làm vất vả là vậy, nhưng tối về, chị lại chong đèn thức tới khuya bên những trang sách để tự ôn luyện bài vở. Thấy con gái vất vả, ba má thương lắm, khuyên chị đừng có cố quá, bệnh vào thì khổ. Nhưng với Quang, việc gì đã quyết thì phải làm bằng được.

Cuối cùng, với nghị lực của mình, Quang một lần nữa chiến thắng nghịch cảnh. Kỳ thi đại học năm 1995, Đặng Kim Quang thi đỗ 2 trường là Đại học luật TP Hồ Chí Minh và Đại học sư phạm TP Cần Thơ. Khi đó, do đạt điểm cao nên Quang được Trường Đại học sư phạm Cần Thơ cấp học bổng năm học đầu, nhưng vì yêu thích nghề luật nên chị đã chọn vào học tại Trường Đại học Luật TP HCM.   

Sau 5 năm “dùi mài kinh sử” trên giảng đường đại học (1995- 2000) và chật vật với cuộc sống vừa đi học vừa đi làm thêm, Quang hạnh phúc khôn xiết khi cầm tấm bằng Cử nhân Luật trong tay. Nhưng chưa kịp vui mừng với hy vọng tấm bằng sẽ là “cứu cánh” để chị tìm kiếm được một chỗ làm ổn định trong cơ quan Nhà nước, thì một lần nữa chị lại rơi vào hụt hẫng, thất vọng, bởi đi đến đâu tuyển dụng (từ quê hương Bến Tre cho đến các tỉnh lân cận), Kim Quang cũng đều nhận được cái lắc đầu và câu trả lời là đã đủ biên chế hoặc cơ quan chỉ tuyển nam giới.

 Vì sinh kế, Đặng Kim Quang lại phải tiếp tục trở lại với nghề cũ. Chị làm tất cả công việc từ gia sư, tiếp thị, bán hàng, phụ quán ăn, thậm chí là làm osin … để trang trải cuộc sống hàng ngày và chờ cơ hội. Và rồi cơ may cũng đã đến, năm 2004, tỉnh Hậu Giang được tái lập, được tin VKSND tỉnh mới thành lập có nhu cầu tuyển dụng người, Quang nhanh chóng nộp hồ sơ. Cố Viện trưởng Quách Trí Thức là người trực tiếp đọc hồ sơ của Quang, biết hoàn cảnh của chị, ông đồng ý nhận chị về công tác tại VKSND tỉnh Hậu Giang. Theo quyết định, ngày công tác chính thức được tính là ngày 1/01/2005 nhưng vì nóng lòng muốn được cống hiến và làm việc ngay, Quang đã đến làm tại VKS tỉnh Hậu Giang từ ngày 15/12/2004.

Ban đầu, Đặng Kim Quang được phân công về công tác tại Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù và thi hành án (Phòng 4&10). Với vốn kiến thức đã được học từ nhà trường, kết hợp với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và tự nghiên cứu, cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật, Quang tiếp cận công việc khá nhanh. 

Gần 12 năm, con đường đi xuống Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Trại tạm giam Công an tỉnh Hậu Giang, rồi Trại giam Kênh 5 (Bộ Công an)… đã quá đỗi quen thuộc với chị. Nhờ sự công tâm và trách nhiệm, chị và các đồng nghiệp đã thực hiện tốt công tác kiểm sát, giúp cho việc chấp hành các quy định về tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù ở các đơn vị này đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật.

Quá trình kiểm sát, bên cạnh việc khéo léo nhắc nhở để các đơn vị tự sửa sai đối với vi phạm nhỏ, ít nghiêm trọng thì với những sai phạm đã được chỉ ra nhưng có dấu hiệu lặp đi lặp lại, không được tiếp thu, sửa chữa hoặc những vi phạm nghiêm trọng, Phòng đề xuất lãnh đạo Viện kiên quyết ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị để yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm. Cách làm việc này đã được cơ quan hữu quan đồng tình, ủng hộ, qua đó xây dựng được mối quan hệ tốt giữa cơ quan kiểm sát và các đơn vị giam giữ, cải tạo.

Những năm tháng làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù đối với Đặng Kim Quang là quãng thời gian đẹp và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chị không thể quên trường hợp phạm nhân Lê Văn Út (Út Dảo), người chấp hành hình phạt tù tại xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, bị kết án 4 năm tù về tội Giết người (việc dùng điện bẫy chuột làm chết người). 

Út Dảo có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhà cửa không có, gia đình anh phải đi ở nhờ nhà người em (đã đi làm ăn xa) và phải thuê ruộng cha vợ để canh tác. Do thiếu hiểu biết, nên Út Dảo đã dùng điện để bẫy diệt chuột, dẫn đến việc một người cùng ấp đi đánh cá đêm, giẫm vào dây và bị điện giật chết. Lê Văn Út bị TAND tỉnh Hậu Giang tuyên phạm tội Giết người và bị phạt 4 năm tù. Án xử sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị và đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, rà soát đối tượng nhận thấy, thời hạn tự nguyện thi hành án của Út Dảo đã hết nhưng người bị kết án vẫn chưa đến chấp hành án, Quang đề xuất lãnh đạo Phòng để đi xác minh. Quang đã tới tận nhà Út Dảo để yêu cầu chấp hành án.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Đặng Kim Quang trong vở kịch nói “Gậy ông đập lưng ông”. 

Tại đây, sau khi tìm hiểu, chị mới biết Lê Văn Út vì ít tiếp xúc xã hội nên khi nhận quyết định phải thi hành án, anh này không hiểu thế nào là chấp hành án và không biết phải đi chấp hành án ở đâu. Khi được Quang giải thích, Út Dảo và cả người vợ mới vỡ lẽ. Người vợ nét mặt thất thần, nói trong nước mắt, xin cho chồng được từ từ vào trại, bởi căn nhà nhỏ bị dột nát tứ bề mà chưa kịp dặm lại mái, mảnh ruộng cỏ mọc nhiều lại đang bị sâu rầy nặng không người xịt thuốc.

Nghe chị vợ trình bày, rồi nhìn những đứa con thơ của hai vợ chồng Lê Văn Út, đứa nhỏ nhất đang ẵm bồng trên tay, mấy đứa lớn hơn thì đang lấm lem đùa nghịch ở mảnh sân trước nhà cùng người mẹ già bị tai biến đang nằm trên giường…, Quang không khỏi nao lòng. Sau phút suy tư, cân nhắc Quang giải thích cho Út Dảo hiểu và yêu cầu anh phải tự nguyện chấp hành án, nếu không anh sẽ bị cưỡng chế. Út Dảo nghe ra, hứa sau khi giúp vợ phun thuốc trừ sâu, làm cỏ cho lúa và phụ vợ lợp lại mái nhà, che mưa che gió cho vợ, mẹ già cùng 5 đứa con xong, sẽ đi chấp hành án.

Khi Út Dảo vào trại, qua những cuộc kiểm sát trực tiếp, có dịp gặp Út Dảo,  Quang luôn động viên anh phải chấp hành đúng nội quy, quy định của Trại, để đủ tiêu chuẩn xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù theo chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Kết quả, do cải tạo tốt, Út Dảo đã được tha tù trước thời hạn 7 tháng. Sau này, mỗi dịp đi công tác và gặp lại Út Dảo, chị đều nhận được sự yêu mến, cảm kích từ phía gia đình anh.  

Từ những trải nghiệm của mình, Đặng Kim Quang cho rằng, người cán bộ kiểm sát không phải chỉ cần có cái đầu lạnh mà còn phải có một trái tim nóng, biết dung hòa giữa lý và tình, có như vậy mới hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Với những kết quả và thành tích đạt được, năm 2013, chị được VKSND tối cao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành KSND”, được bổ nhiệm Phó trưởng Phòng Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù vào tháng 7/2014 (nay là Phòng 8), bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp…

Tháng 10/2016, Kim Quang được điều động về Phòng kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự và hôn nhân gia đình (Phòng 9). Đến tháng 1/2018, chị tiếp tục được điều động về Phòng kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Phòng 10). Dù ở vị trí công tác nào, chị cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không để xảy ra án bị hủy, sửa do lỗi của Kiểm sát viên. Với những cố gắng nêu trên, năm 2019, Đặng Kim Quang được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở ”.

 Không chỉ vững trong công tác nghiệp vụ mà Đặng Kim Quang còn tham gia nhiệt tình và có hiệu quả vào các công tác khác của cơ quan như: Là thành viên Ban chỉ đạo văn nghệ, Ban tuyên truyền và trang tin điện tử, BCH chi hội luật gia, BCH Công đoàn VKSND kiêm Trưởng ban nữ công của VKSND tỉnh Hậu Giang. Năm 2015, khi VKSND tối cao tổ chức Hội diễn văn nghệ các tỉnh ĐBSCL, vở kịch nói “Gậy ông đập lưng ông” của tác giả Song Liêm do Quang thủ vai chính đã được Ban tổ chức chấm giải Nhất trong số các đơn vị có tiết mục tham gia thuộc thể loại này. 

Trò chuyện với Đặng Kim Quang, ít ai biết trong sâu thẳm tâm hồn của người cán bộ kiểm sát ấy chẳng mấy lúc được “trời yên biển lặng”. Không chỉ lận đận trên con đường khoa cử, tìm kiếm việc làm mà tới khi có việc làm ổn định, có gia đình riêng rồi…, tưởng đâu hạnh phúc viên mãn sẽ đến với chị thì bất ngờ Quang phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo và phải đi điều trị tích cực tại bệnh viện. Cũng từ đây, gia đình nhỏ không còn là chỗ dựa vững chắc cho chị trong quá trình điều trị. 

Nhờ sự yêu thương sẻ chia của người thân, bạn bè, đồng nghiệp và Lãnh đạo cơ quan…, chị một lần nữa chiến thắng chính mình, vượt qua bệnh tật để vui sống và cống hiến.

Giờ đây, Kim Quang vẫn mạnh mẽ, bản lĩnh, đã và đang cùng các đồng nghiệp thuộc VKSND tỉnh Hậu Giang vững bước tiến lên trên con đường thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và ngành KSND giao phó.

“Biết vượt qua nghịch cảnh để vươn lên, tận tâm cống hiến và luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là phẩm chất nổi bật dễ thấy ở đồng chí Đặng Kim Quang. Tấm gương của đồng chí xứng đáng để thế hệ trẻ ngành Kiểm sát học tập, noi theo”, một Lãnh đạo của VKSND tỉnh Hậu Giang đã dành sự trân quý khi đánh giá về chị.

Nam Hồng