Trò chuyện với PV, khi tôi đề cập đến Cuộc thi viết “Chân dung cán bộ kiểm sát & Bản lĩnh Kiểm sát viên” mà VKSND tối cao giao cho Báo Bảo vệ pháp luật chủ trì tổ chức, Viện trưởng Nguyễn Thị Tú Anh chia sẻ:  Hình ảnh Kiểm sát viên trong thời gian qua tuy đã được tuyên truyền trên một số phương tiện thông tin, qua các phiên tòa xét xử lưu động,… nhưng một bộ phận người dân vẫn chưa biết hoặc chưa hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ của VKSND.

Trong tiềm thức của người dân thường nghĩ rằng, chỉ có lực lượng Công an, cảnh sát mới phải đương đầu với các vụ việc hình sự phức tạp, hiểm nguy. Rất ít người biết rằng, sau sự thành công đó không thể thiếu bao công sức thầm lặng của cán bộ, Kiểm sát viên, để bảo đảm cho việc giải quyết các vụ án, vụ việc theo đúng quy định của pháp luật .

leftcenterrightdel
Viện trưởng Nguyễn Thị Tú Anh (ngoài cùng bên trái) đón nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân 2019. 

Phát huy truyền thống Ngành cũng như thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, ngành Kiểm sát đã triển khai cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Với trách nhiệm nặng nề đó, người cán bộ Kiểm sát phải luôn đặt cho mình các tiêu chí về mặt đạo đức cũng như năng lực, trình độ chuyên môn để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ do Hiến pháp và pháp luật quy định.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được tài năng, sự sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực xã hội. Trong đó, hình ảnh nữ cán bộ, Kiểm sát viên được thể hiện rõ nét và chân thực hơn về sự vất vả, gian truân trong mọi thử thách của công việc. Họ có thể được ví như những viên ngọc mài giũa qua thời gian càng sáng hơn, chứng tỏ phẩm chất, vẻ đẹp của họ có sự nhẫn nại, thủy chung son sắt và cả bản lĩnh nghề nghiệp tạo nên. Viện trưởng Nguyễn Thị Tú Anh là một người như vậy.

Với tình yêu ngành, niềm đam mê nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, Viện trưởng Nguyễn Thị Tú Anh đã sẵn sàng tiếp nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, mặc dù đặc thù nghề nghiệp không thiếu những hiểm nguy, đòi hỏi người cán bộ phải giữ được bản lĩnh vững vàng để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

leftcenterrightdel
Viện trưởng Nguyễn Thị Tú Anh chủ trì cuộc họp tại đơn vị. 

Khi được hỏi về ý thức đạo đức với nghề, chị chia sẻ: Không chỉ riêng cá nhân chị mà nhiều nữ cán bộ Kiểm sát luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Ngành, không dao động trước sức ép, cám dỗ, tác động tiêu cực từ bên ngoài. Không chỉ công tác tốt, các nữ cán bộ Kiểm sát còn nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc thi về nghiệp vụ, pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đồng thời, nữ cán bộ Kiểm sát luôn chú trọng học hỏi thêm kiến thức để hoàn thiện bản thân. Họ luôn tự tin, đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu của bản thân để vượt qua khó khăn…

So với nam giới, việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, có phần khó khăn hơn, nhưng là Kiểm sát viên, với tình yêu, niềm đam mê công việc đã khiến họ trở nên mạnh mẽ, can đảm hơn khi thực hiện các hoạt động nghiệp vụ như: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung bị can, đối chất; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa... cũng như trong các hoạt động tố tụng khác.  

Tâm sự về chuyện nghề, Viện trưởng Nguyễn Thị Tú Anh bộc bạch: Năm 1995, khi chị về nhận công tác tại VKSND huyện Chiêm Hóa, lúc đó đời sống của cán bộ, công chức nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng hết sức khó khăn, cán bộ kiểm sát ở huyện đa phần còn rất trẻ. Chị được tạo điều kiện sinh sống trong dãy nhà tập thể công vụ, đến khi chị lập gia đình, sinh con thì nỗi vất vả về chỗ ở càng nhân lên, trong khi chồng chị làm công tác quản lý thị trường ở một huyện khác, cách chỗ chị ở gần 50km. Cũng có lúc chị muốn chuyển công tác khác, nhưng sau nhiều đêm trăn trở, được sự động viên của chồng, cũng như các đồng nghiệp, chị đã quyết định gắn bó với nghề Kiểm sát. Sau những khó khăn, vất vả chị lại càng thấy yêu hơn những công việc chị đã và đang làm.

Đến năm 2005, chị được tổ chức điều động về công tác tại VKSND tỉnh Tuyên Quang. Trải qua quá trình phấn đấu, ở nhiều bộ phận nghiệp vụ khác nhau, chị đã được bổ nhiệm là Kiểm sát viên trung cấp thuộc Phòng 1. Chị được phân công công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trị an, an ninh, ma túy; nghiên cứu, thỉnh thị, giải quyết hồ sơ án trao đổi với Cơ quan điều tra cấp huyện; nghiên cứu giải quyết đơn; nghiên cứu Cáo trạng, hướng dẫn nghiệp vụ cho các VKSND cấp huyện theo địa bàn được phân công.

Giữa năm 2017, một bước ngoặt đầy thử thách, chị vinh dự được bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng VKSND huyện Yên Sơn. Ở cương vị mới, chị được Viện trưởng giao phụ trách và làm công tác kiểm sát điều tra án hình sự về các tội xâm phạm sở hữu, trật tự quản lý kinh tế, chức vụ; Tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại...

Sau nửa năm gắn bó với công việc mới, đến cuối năm 2017, chị tiếp tục được giao phụ trách và làm công tác kiểm sát điều tra các tội xâm phạm về trật tự xã hội, an ninh, ma túy; Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam; Kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự. Ở bất cứ nhiệm vụ nào, chị cũng luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức để hoàn thành tốt công việc được giao.

leftcenterrightdel
Viện trưởng Nguyễn Thị Tú Anh trao đổi nghiệp vụ với các đồng nghiệp. 

Khi tôi hỏi về tình hình tội phạm ở Yên Sơn, chị cho biết: Là huyện miền núi có đặc điểm  địa lý nằm bao quanh TP Tuyên Quang, Yên Sơn là huyện lớn thứ 2 của tỉnh Tuyên Quang với  diện tích hơn 1000km2. Với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, Yên Sơn có phía Tây Nam giáp huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, phía Tây giáp huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; phía Đông giáp huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Do vậy, ngoài những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội thì Yên Sơn luôn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm trật tự xã hội trên địa bàn. 

Trong những năm gần đây, số lượng các vụ tranh chấp đất đai, kèm theo đó là các mâu thuẫn phát sinh dẫn đến số vụ án phạm tội Cố ý gây thương tích có chiều gia tăng nhanh chóng (chiếm 70% số vụ xảy ra trên địa bàn). Đứng trước tình hình này, chị đã cùng tập thể lãnh đạo VKSND huyện Yên Sơn bàn bạc, đưa ra nhiều giải pháp để tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương ngăn ngừa thực trạng này. Bên cạnh việc tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp xét xử lưu động các vụ án điểm tại những địa bàn nóng thường xuyên xảy ra các loại tội phạm có nguy cơ tiềm ẩn bùng phát, qua đó, nâng cao tính răn đe cũng như để người dân hiểu và nắm vững pháp luật.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các trường học, điểm, bản cũng thường xuyên được chú trọng. Song song với công tác xét xử lưu động, tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật thì việc kịp thời ban hành các kiến nghị với chính quyền các cấp thông qua công tác kiểm sát các vụ việc, vụ án đã làm giảm thiểu đáng kể sự gia tăng các loại tội phạm có nguy cơ tạo điểm nóng, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi đó, năm 2019, chị Nguyễn Thị Tú Anh vinh dự được Viện trưởng VKSND tối cao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành KSND. Đặc biệt, ngày 12/2/2020, VKSND tỉnh Tuyên Quang  đã tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm chị giữ chức vụ Viện trưởng VKSND huyện Yên Sơn.

Xuân Hưng