Lắng nghe và thương dân như lời Bác dạy

Trò chuyện với anh Nguyễn Thái Hưng, Trưởng phòng Tiếp dân và xử lý đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc VKSND cấp cao tại Hà Nội, phóng viên Báo được biết: Khi thực hiện nhiệm vụ, anh Nguyễn Thái Hưng luôn thể hiện sự nhiệt tình, sáng tạo và tận tâm với công việc, chủ động xây dựng chương trình công tác năm của phòng và chỉ đạo, hướng dẫn anh em trong đơn vị tiếp nhận giải quyết công việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Đặc biệt, trước số lượng công dân đến khiếu nại đông người (có ngày lên tới 58 người), phần lớn là đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, hoặc tái thẩm với bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án, nhưng có không ít công dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh khác cũng đến xếp hàng chờ tiếp, yêu cầu dứt khoát phải nhận đơn, gây ra nhiều phức tạp tại nơi tiếp công dân, tăng lượng đơn đầu vào, nhất là đơn không đúng thẩm quyền…

Anh đã chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật về công tác tiếp công dân, nhận và xử lý đơn khiếu tố. Anh đã học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị và đồng nghiệp, từ đó, anh có sáng kiến lập Bảng quy định chi tiết về điều kiện nộp đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực theo các lĩnh vực án: hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động áp dụng trên 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc.

Sáng kiến được lãnh đạo Viện triển khai áp dụng trong thực tiễn, in đóng bảng treo trước cửa phòng Tiếp công dân để mọi người đọc và làm theo. Điều đó làm giảm được số lượng công dân khiếu nại không đúng thẩm quyền, giảm được số lượng đơn không đúng thẩm quyền đầu vào và nâng cao hơn nhận thức về pháp luật cho nhân dân, đảm bảo cho cán bộ tiếp nhận, xử lý đơn đúng pháp luật.

Nhận thức công việc do mình phụ trách là lĩnh vực khá “nhạy cảm” nên anh đã có ý kiến, tham gia từ lịch tiếp công dân, các mẫu đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đến việc bố trí đầy đủ khẩu hiệu, bàn ghế, máy vi tính, máy in ghế ngồi, nước uống… cho công dân.

Anh quán triệt cán bộ làm công tác tiếp công dân phải khiêm tốn, kính trọng và lắng nghe dân, thương dân như lời Bác Hồ dạy. Anh cùng với cán bộ tiếp dân đã từng nhường phần xôi ăn sáng của mình cho công dân già yếu từ tỉnh xa đến sớm nộp đơn khiếu nại. Có đồng chí còn cởi tặng luôn tấm áo khoác đang mặc trên người cho công dân từ Hà Tĩnh ra do trời trở rét đột ngột…. Hàng năm, phòng Tiếp công dân và xử lý đơn nhận được nhiều thư cảm ơn của nhân dân, sau khi họ đã nhận được kết quả trả lời đơn.

leftcenterrightdel
Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Quang Thành chúc mừng đồng chí Nguyễn Thái Hưng được bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên Trung cấp.  

Để phục vụ tốt công việc của mình, anh đã chủ động sưu tầm các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính và kinh doanh thương mại, lao động. Anh đã xây dựng thành công Quy trình tạm thời và kỹ năng tiếp nhận và xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo cơ cấu nhiệm vụ mới của các Viện nghiệp vụ trình Lãnh đạo Viện xem xét, ban hành.

Trước lượng đơn rất lớn từ Viện kiểm sát tối cao chuyển về cộng với lượng đơn mới phát sinh do công dân gửi đến Viện kiểm sát cấp cao, trong khi vừa nhận nhiệm vụ mới, chưa có tập huấn, hướng dẫn của cấp trên, anh đã suy nghĩ và tìm ra phương pháp lập Bảng theo dõi thụ lý, tiến độ và kết quả giải quyết đơn theo các cột, mục chi tiết trình Lãnh đạo Viện xem xét và chuyển cho cấp dưới để nhập dữ liệu đơn.

Kết quả, sau 3 tháng đã nhập xong toàn bộ lượng đơn trên vào máy để quản lý, theo dõi. Đôn đốc hướng dẫn cho đồng nghiệp thụ lý phân loại, xử lý đơn. Tiến hành cấp giấy Xác nhận đơn, lập danh sách phân công đơn trình Viện trưởng duyệt, kịp thời chuyển đơn xuống Viện nghiệp vụ.

Thường xuyên đôn đốc việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn. Với các đơn chưa đủ điều kiện thì kịp thời ra Thông báo bổ sung tài liệu cho công dân. Nắm chắc từng đơn, từng việc được phân công giải quyết cho từng cán bộ, Kiểm sát viên, hàng tuần báo cáo Lãnh đạo Viện về tiến độ giải quyết đơn.

Về hiệu quả công tác quản lý đơn, anh đã được lãnh đạo Viện đánh giá cao. Nhiều đồng chí lãnh đạo gọi đùa anh là “Người gỡ nút thắt về đơn của Viện cấp cao 1”, đặc biệt “mô hình” của anh đã được tổ công tác của Văn phòng TAND tối cao và TAND cấp cao tại Hà Nội trao đổi học hỏi kinh nghiệm...

Anh Hưng cho biết, năm 2016, thực hiện chủ trương của lãnh đạo VKSND tối cao và VKSND cấp cao tại Hà Nội là chuyển đơn cũ (do VKSND tối cao chuyển, chưa giải quyết) cho cán bộ biệt phái tại các địa phương, anh đã chủ động quán triệt và chỉ đạo anh em trong bộ phận giải quyết đơn kịp thời chọn lọc, sắp xếp, đóng gói, đóng bìa, lập hồ sơ đơn có đủ biên bản bàn giao và quyết định phân công đơn cho cán bộ biệt phái, chỉ đạo và đôn đốc chuyển hơn 2.500 đơn/1.400 việc đề nghị giám đốc thẩm cho địa phương nhanh gọn, an toàn.

Đảm bảo không mất mát, rách nát hoặc nhầm lẫn hồ sơ đơn. Hàng tháng theo dõi, đề xuất lãnh đạo đơn vị thông báo đôn đốc, nhắc nhở cán bộ biệt phái đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn. Đây cũng là nội dung đột phá công tác giải quyết đơn mà tập thể phòng anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2016.

Trong 2 năm (2017 và 2018), anh cùng đồng nghiệp tiếp hàng nghìn lượt công dân đến khiếu nại. Giải thích, hướng dẫn công dân chuyển đơn, khiếu nại đến nơi có thẩm quyền. Anh cũng chỉ đạo, đôn đốc anh em tiếp nhận, quản lý và xử lý kịp thời đúng quy định của pháp luật trên 12 nghìn đơn; đã chuyển hàng nghìn đơn cho cơ quan có thẩm quyền và báo tin cho đương sự theo quy định của pháp luật.

Chọn lọc, phân loại và xem xét đủ điều kiện, đưa vào thụ lý theo thẩm quyền của VKSND cấp cao tại Hà Nội là hàng nghìn đơn/việc (trong đó có hàng trăm đơn do các cơ quan Trung ương và Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyển đến). Đã giải quyết kịp thời, đạt chất lượng cao, đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội và chỉ tiêu của Ngành giao. Xây dựng và ban hành hàng trăm thông báo bổ sung tài liệu để giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đúng quy định của pháp luật; cấp Giấy xác nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cho công dân...

Nhiều sáng kiến hiệu quả trong xử lý đơn giám đốc thẩm, tái thẩm

Qua câu chuyện với anh Nguyễn Thái Hưng, chúng tôi còn được biết, những năm qua, anh đã có những sáng kiến được áp dụng vào quản lý, xử lý đơn có hiệu quả và chất lượng cao. Cụ thể năm 2017, anh đã có sáng kiến xây dựng chuyên đề về “Thực trạng thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại VKSND cấp cao và đề xuất, kiến nghị” được Lãnh đạo đơn vị đánh giá cao, đưa ra hội thảo, áp dụng trong thực tiễn.

Sáng kiến này đã nêu rõ thực trạng tồn tại việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại VKSND cấp cao, đặc biệt là tiếp nhận giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu trong tiếp nhận và giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết đơn. Sáng kiến được chấp nhận, đưa vào áp dụng trong thực tiễn công tác tiếp nhận, giải quyết đơn của đơn vị.

Hiệu quả mang lại là đơn vị đã giải quyết hàng chục nghìn đơn/việc đạt chất lượng cao, tỷ lệ giải quyết đơn vượt chỉ tiêu của Quốc hội và của Ngành giao cho, góp phần giải quyết dứt điểm việc giải quyết đơn lòng vòng, bức xúc, kéo dài, đơn khiếu nại tập thể, đơn phức tạp tồn đọng nhiều năm của toàn ngành Kiểm sát và các cơ quan tư pháp chưa giải quyết được, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và nhiệm vụ mà đơn vị và Ngành giao. 

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Trung cấp, Trưởng phòng Tiếp dân và xử lý đơn Nguyễn Thái Hưng trao đổi công việc với đồng nghiệp. Ảnh: PV  

Cũng trong năm 2017, 2018 trước tình trạng VKSND cấp cao tại Hà Nội ban hành nhiều công văn yêu cầu các Tòa án địa phương chuyển hồ sơ vụ án để đơn vị nghiên cứu giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng Tòa án không chuyển đầy đủ, hoặc không phản hồi về việc chuyển hồ sơ, dẫn đến số lượng đơn và việc đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng nhiều, đơn vị có lúc thiếu hồ sơ để nghiên cứu giải quyết đơn. Việc nhận hồ sơ do bưu điện chuyển đến đã chậm, ít lại có nhiều phức tạp và tồn tại bởi bưu điện chỉ nhận hồ sơ theo trọng lượng của bưu gói chứ không nhận theo bút lục. Nhiều trường hợp hồ sơ nhận về khi mở ra bị thiếu bút lục gây khó khăn cho việc giải quyết và việc quy trách nhiệm…

Điều này khiến anh lo lắng, suy nghĩ ngày đêm. Rồi “cái khó ló cái khôn”, anh nảy ra sáng kiến về việc lập danh sách các công văn chưa rút được hồ sơ theo địa bàn tỉnh, thành phố, trình Lãnh đạo đơn vị cho đi xác minh tại các Tòa án địa phương, trực tiếp đôn đốc và rút hồ sơ, nắm rõ số hồ sơ các Tòa án này chuyển cho TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND tối cao và các Tòa án khác.

Sáng kiến của anh mang tên “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác rút hồ sơ đối với các Tòa án địa phương và khắc phục việc VKSND cấp cao tại Hà Nội có yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để nghiên cứu giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng các Tòa án có thẩm quyền rút hồ sơ trước nhưng nghiên cứu chưa có kết quả, chưa chuyển trả lại Tòa án địa phương theo quy định của pháp luật”.

Từ việc áp dụng sáng kiến này đã rút được hàng trăm hồ sơ về phục vụ giải quyết đơn cho đơn vị, xóa bỏ tình trạng thiếu hồ sơ để giải quyết đơn. Kết quả đã giúp cho việc giải quyết đơn nhanh, gọn, tăng nhiều về số lượng và chất lượng ngày một cao, đã góp phần đưa tỷ lệ và chất lượng giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lên cao...

Cùng với đó, anh đã lập danh sách hồ sơ các Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm rút trước nhưng nghiên cứu chưa có kết quả, chưa hoàn thiện thủ tục trả lại cho Tòa án địa phương, xảy ra tình trạng đơn vị đôi lúc không có đủ hồ sơ để giải quyết đơn, phải thông báo tiến độ cho công dân, số lượng giải quyết đơn và tỷ lệ giải quyết không được cao.

Anh báo cáo Lãnh đạo Viện, và trực tiếp đi rà soát, đối chiếu, nắm rõ số lượng hồ sơ mà Tòa án hai cấp còn nghiên cứu chưa có kết quả, chưa hoàn thiện thủ tục kịp thời trả lại cho Tòa án địa phương. Tham mưu với lãnh đạo đơn vị trao đổi với các đơn vị trên. Kết quả là các Tòa án cấp trên đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn; trả hồ sơ đã giải quyết xong về Tòa án địa phương, giảm tỷ lệ đến mức thấp nhất một số việc Tòa án nghiên cứu hồ sơ lâu chưa có kết quả giải quyết đơn. Đơn vị tiếp tục ban hành yêu cầu rút hồ sơ và Tòa án địa phương tiếp tục chuyển hồ sơ cho đơn vị, từ đó giúp cho đơn vị có đủ hồ sơ giải quyết đơn, nâng cao chất lượng, số lượng và tỷ lệ giải quyết đơn.

P.V