* Căn cứ địa cách mạng
Hòa Vang là huyện bao bọc quanh thành phố Đà Nẵng, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng - an ninh. Phía Bắc khu căn cứ tiếp giáp với thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), phía Đông là hồ Đồng Xanh- Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), phía Tây- Nam trùng trùng điệp điệp các dãy núi hình cánh cung là ranh giới giữa huyện Hòa Vang và các huyện Đông Giang, Đại Lộc (Quảng Nam).
Chính vì vậy, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều lấy địa bàn Hòa Vang - Đà Nẵng làm nơi đổ quân đầu tiên để xâm lược nước ta và trong suốt quá trình này Hòa Vang luôn là một chiến trường ác liệt.
Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang là căn cứ địa cách mạng hình thành từ những năm tháng khốc liệt của 2 cuộc kháng chiến cứu nước. Nơi đây đào tạo, nuôi dưỡng, huấn luyện hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ địa phương. Nằm ở vị trí quan trọng trên mặt trận Quảng Đà, khu căn cứ trở thành chỗ dựa vững chắc để Đặc khu ủy lãnh đạo các cuộc kháng chiến đến ngày toàn thắng.
|
|
Chi đoàn VKSND huyện Hòa Vang phối hợp với Huyện ủy Hòa Vang tổ chức chương trình “Hành trình về nguồn tìm địa chỉ đỏ” về Khu căn cứ Cách mạng huyện ủy Hòa Vang. (ảnh: LQ) |
Theo ông Trần Đình Ngô – Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hòa Vang (Báo cáo viên) chia sẻ: “Năm 1955, Tỉnh ủy Quảng Đà quyết định xây dựng Khu căn cứ chung của tỉnh, gọi là Khu căn cứ cánh Tây Hòa Vang (lấy mật danh là B1). Cánh Tây Hòa Vang trở thành cái nôi chung của phong trào cách mạng các huyện phía bắc và tây bắc của tỉnh, là địa bàn đứng chân của các cấp lãnh đạo trong những năm khó khăn, gian khổ nhất. Dù nằm ở đâu, khu căn cứ đều phải chấp hành quy định “đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không ra tiếng”; phải bảo đảm tính bí mật, an toàn và hiệu quả trong việc theo sát, chỉ đạo tác chiến của bộ máy lãnh đạo đối với phong trào cách mạng tại địa phương.
Tên gọi “Hòn đá Đà Nẵng” và “Hòn đá Non Nước” ở Khu căn cứ xuất hiện từ đó, được coi là biểu tượng thiêng liêng cho lòng yêu nước và sự quật cường.”
Tháng 2/1960, Tam giác Phú Túc - Ô Rây - Tống Cói được chọn làm căn cứ địa kháng chiến của huyện Hòa Vang, là một trong những Khu căn cứ cách mạng có lịch sử hình thành và tồn tại lâu dài, là trung tâm đầu não, nơi ẩn náu, hoạt động của các lãnh đạo Huyện ủy Hòa Vang như các đồng chí Mai Đăng Chơn, Trần Văn Đán, Trần Văn Hoa, Đào Ngọc Chua... Chính nhờ vùng rừng núi hiểm trở nơi đây đã chở che cho các đồng chí thoát được các cuộc càn quét, lùng sục, bắt bớ trong chiến dịch “tố cộng - diệt cộng” đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Từ tháng 3/1965, đế quốc Mỹ bắt đầu đổ quân ồ ạt vào chiến trường miền Nam, bắt tay ngay vào thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” hòng tiêu diệt cách mạng miền Nam. Cùng với cả nước, Hòa Vang quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang chứng kiến những bước chuyển gấp gáp của lịch sử đấu tranh cách mạng huyện nhà cũng như những câu chuyện về tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân và dân ta.
|
|
Đoàn chụp lưu niệm tại Hòn đá Đà Nẵng – biểu tượng của Đà Nẵng năm xưa. (ảnh: LQ) |
* Khắc ghi lời Bác dạy
Sinh ra trong thời chiến tranh khốc liệt, mẹ mất lúc mới 3 tuổi, sau đó cha mất không có mảnh vải bọc, chỉ bó chiếu chôn đã khắc sâu vào đồng chí Mai Ngọc Châu (SN 1927, ở Hòa Hải) lòng căm thù thực dân, đế quốc xâm lược. Năm 1946, ông thoát ly tham gia cách mạng trong hàng ngũ tự vệ Đà Nẵng rồi vào bộ đội địa phương.
Tập kết ra Bắc, đến 1959, ông trở về Nam hoạt động ở chiến trường Quảng Đà, làm cán bộ Phòng bảo vệ Khu ủy 5, rồi về Đội trưởng Đội công tác xã Hòa Lương (nay là Hòa Khương). Những năm đầu thập kỷ 60, tình hình cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc.
Tháng 4/1963, ông Châu cùng hai đồng chí của mình trú ẩn trong hang núi Non Nước thì bị một cơ sở phản bội. Biết không thể bắt sống được, chúng ném lựu đạn hòng tiêu diệt. Hai đồng chí hy sinh, ông bị thương nặng vẫn bắn trả quyết liệt. Suốt hai ngày đêm nằm im, 4 giờ sáng hôm sau nữa, đợi chúng mỏi mệt, mất cảnh giác, Mai Ngọc Châu trườn xuống núi. Địch phát hiện đuổi theo nhưng ông đã thoát khỏi làn đạn.
Lại bơi qua sông, rong cuốn đi mảnh vải cuối cùng, đành úp mình trên ruộng chờ tối. Ra Bắc, ông viết trong nhật ký cho con trai Mai Ngọc Hà: “Mấy ngày liền không cơm ăn, vết thương sưng mủ nặng, quần áo không có, cứ ở trần. Ba nghĩ, thế nào cũng chết. Chết cũng phải có cái quần đùi bận che thân cho đồng bào chôn. Ba quyết định về làng”. Lần đó, suốt 13 ngày, ông cầm cự giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù. Tính ra suốt 7 năm hoạt động ở Quảng Đà thì hết 3 năm ông nằm trong hầm và buồng, không thấy ánh sáng mặt trời.
Cựu chiến binh Trần Văn Ba, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn, nguyên cần vụ cho ông Mai Ngọc Châu, kể lại: “Anh Châu là người đầu tiên từ miền Bắc về xây dựng cơ sở từ không đến có”.
Tháng 3/1966, ông Mai Ngọc Châu được ra Bắc chữa bệnh. Bác Hồ đã cho gọi ông đến báo cáo tình hình trong Nam. Cùng dự với Bác Hồ hôm đó có các đồng chí trong Bộ Chính trị.
Sau khi nghe ông Châu báo cáo, Bác khen ngợi Huyện ủy và Đảng bộ Hòa Vang chiến đấu như thế là kiên cường và sáng tạo, rồi chỉ tay lên tấm bản đồ nói với ông Châu và các đồng chí có mặt: “Phải làm cho Hòa Vang trở thành một chấm son trên bản đồ của Tổ quốc!”
Ngày nay, câu nói của Bác Hồ đã viết thành một bài hát mang tên “Hoà Vang một chấm son”.