Khu căn cứ cách mạng K20 là tên gọi do Quận ủy Quận III đặt để làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ.
Cách thành phố Đà Nẵng về phía Đông Nam khoảng 10 km, Khu Di tích lịch sử cách mạng K20 (nay thuộc Đa Mặn 5, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) được xây dựng trên diện tích đất của căn cứ cũ là minh chứng của thời gian có giá trị lịch sử, mang trong mình biết bao câu chuyện về một thời mưa bom bão đạn, về những ngày tháng chiến đấu kiên trung, bất khuất ngay trong lòng địch của nhân dân Đà Nẵng.
Ngày đó, khu căn cứ có diện tích khoảng 4km2, gồm cả xóm Đồng và xóm Cát của khối Đa Mặn, dân cư thưa thớt, chỉ có 20 gia đình sinh sống. Xung quanh là đồng ruộng và sông lạch gần như biệt lập với các khối khác trong vùng nhưng tại xóm Đồng ta có thể dung trú được từ 50-100 cán bộ, bộ đội, du kích.
|
|
Nhà truyền thống Khu Di tích căn cứ cách mạng K20. |
Từ đây, mọi người cũng có thể dùng ghe, thuyền theo đường thủy đi về hướng Nam - Tây Nam để đến các xã lân cận của huyện Hòa Vang, theo hướng Bắc - Tây Bắc có thể vào trung tâm TP.Đà Nẵng.
Lợi thế về địa chính trị và “nội bộ nhân dân thuần khiết” là các yếu tố quyết định để khối Đa Mặn được xây dựng thành căn cứ K20, dù khối Đa Mặn nằm trong vùng kiểm soát chặt chẽ, ngặt nghèo của chính quyền Sài Gòn.
Là người con của mảnh đất K20, người sát cánh trong những năm tháng “mưa bom, bão đạn” cùng quê hương, những kí ức hào hùng đó lại ùa về trong thanh niên du kích Huỳnh Trưng năm xưa...
Ông chia sẻ: Sau hiệp định Giơnevơ (1954), đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho xây nhiều đồn bốt quanh khu Đa Mặn làm thành một vành đai quân sự khép kín với bộ máy chính quyền tay sai ác ôn để kìm kẹp nhân dân và ngăn cản lực lượng cách mạng từ bên ngoài vào thành phố. Có lúc chúng tập trung tới 6.000 quân với đủ các loại lính: thủy quân lục chiến, biệt kích, bộ binh cơ giới… Đi liền theo đó là một hệ thống dày đặc các đồn bốt, trạm gác, cơ sở thông tin, trại huấn luyện quân sự…
“Chiến tranh mà, quân địch mạnh, âm mưu lại thâm hiểm, chúng tìm mọi cách kìm kẹp sức phản kháng của ta. Nhưng chúng càng làm khó, lòng quân, lòng dân lại càng sục sôi, tìm mọi cách phá vòng vây của kẻ thù" - ông Huỳnh Trưng kể lại.
Để xây dựng căn cứ, chuẩn bị ứng phó với quân viễn chinh Mỹ sắp đổ bộ vào miền Nam nước ta. Để chuẩn bị đánh Mỹ, theo chỉ đạo của Thành ủy, Quận ủy Quận 3 quyết định xây dựng khối Đa Mặn thành một “căn cứ lõm”, lấy mật danh là K20.
Vùng đất “thép” này trở thành địa điểm phát triển phong trào đấu tranh cách mạng ngay trong lòng địch, điểm nối mạch liên lạc giữa cách mạng địa phương với vùng lân cận của thành phố và tỉnh Quảng Nam. K20 còn là bàn đạp quan trọng để lực lượng vũ trang của ta đột kích vào các cứ điểm quân sự của địch.”, ông Trưng xúc động nhớ lại.
Cũng từ năm 1963 đến 1975, trên mảnh đất nhỏ hẹp này, một trận địa trong lòng đất đã được nhân dân xây dựng với hệ thống dày đặc các hầm bí mật, có lúc lên tới 157 hầm.
“Nhà tôi hồi đó quay ra sông Trung Lương, thấy địa thế thuận lợi, năm 1964 Thường vụ Quận ủy Quận 3 chọn làm nơi báo hiệu cho quân ta vượt sông về hoạt động ban đêm. Nhiệm vụ của tôi là nắm tình hình, đến đêm đốt đèn báo hiệu. Khi mặt trời xuống núi, thám thính tình hình không thấy có sự xuất hiện của địch thì đốt đèn đỏ để quân ta vượt sông, nếu địch phục kích thì đốt đèn xanh. Dưới nền nhà hầm bí mật để tập kết các nhu yếu phẩm, thuốc men, đạn dược, quân trang của các lực lượng vũ trang vào căn cứ chuẩn bị tác chiến đánh địch" - ông Trưng cho biết.
|
|
Khách tham quan nghe kể lại những chiến trận đánh, chiến công của quân, dân trong khu căn cứ K20. |
Hầm được ngụy trang hết sức tinh vi, kín đáo và rất đa dạng về kiểu cách, kích thước, công năng. Có nơi nhiều hầm được nối thông với nhau tạo thế liên hoàn rất linh hoạt, cơ động. Đặc biệt, trong những năm chiến tranh, dân quân, du kích địa phương còn đào được 2 đường hầm bí mật, mỗi hầm dài hơn 100m nối thông qua nhiều gia đình. Đường hầm này có hai cửa miệng thoát ra phía bờ sông Cổ Cò. Để đào hầm bí mật phải chọn cơ sở thật sự tin tưởng, gia đình có truyền thống cách mạng, chỉ có gia đình người đó với bên mình biết thôi.
Và điều quan trọng hơn cả là trận địa lòng đất này được bảo vệ trong một thế trận lòng dân giàu truyền thống cách mạng. Nhân dân K20 luôn có ý thức tự giác cách mạng, đoàn kết thành một khối thống nhất, đấu tranh vì mục tiêu giải phóng quê hương.
|
|
Hầm bí mật trong nhà ông Huỳnh Trưng, được ngụy trang khéo léo ngay dưới bàn thờ tổ tiên để đánh lừa địch. (ẢNH :NN). |
“Địch đi càn suốt ngày, nhiều lần thọc xà beng xuống phát hiện ra hầm nhưng thấy nước phía dưới, lại thêm dân mình không khai báo chi hết nên cuối cùng cũng chẳng làm được gì. Tôi nhớ nhà mẹ Phạm Thị Mùa có 3 hầm bí mật và một hầm ở ngoài vườn. Mờ sáng ngày 26/10/1965 địch càn vào,lùng sục khắp làng hòng phát hiện tiêu diệt lực lượng của ta. Chúng vào nhà mẹ Phạm Thị Mùa hỏi mẹ: “Việt Cộng đâu?”.
Lúc này trong nhà mẹ, trên gác có khá nhiều bộ đội trong mũi chủ công đánh sân bay Nước Mặn do đồng chí Nguyễn Xuân Hồng làm mũi trưởng (vừa mới từ căn cứ về) đang ở.
Mẹ Mùa bình tĩnh trả lời: “Tôi đi làm rau muống miết ngoài đồng không biết. Nếu các ông tìm có Việt Cộng thì tôi chịu đứt đầu”.
Bọn địch dùng các thanh sắt nhọn xăm hầm, nhìn lên gác không thấy gì chúng chuyển qua nhà khác. Tối hôm đó quân ta đã tiến công sân bay Nước Mặn của giặc Mỹ.”
Với tất cả những điều đó, khu căn cứ K20 đã tồn tại ngay trong lòng địch và ngày càng phát triển hoàn chỉnh từ chi bộ Đảng, chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang, đội quân chính trị mạnh để bảo vệ vùng đất “thép” và tấn công địch.
Anh hùng LLVTND, Nguyễn Thị Hai (SN 1952) cũng là một chứng nhân lịch sử trong suốt cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc bồi hồi xúc động kể cho lại: “Sinh ra trong thời chiến tranh, loạn lạc. Nhìn những tội ác mà giặc giày xéo lên nhân dân mình, lên đất nước mình mà không ai có thể ngồi yên được. Tôi tham gia cách mạng từ năm 1966, lúc đó 14 tuổi trong nhiệm vụ giao liên, hay vai trò là một chiến sĩ biệt động hay du kích.
Mỗi lần được giao nhiệm vụ chuyển tài liệu mật lên tuyến trên, những khó khăn trèo đèo, lội suối, vượt sông không hề hấn gì mà chỉ nghĩ cách làm thế nào vượt qua cả sự nghi ngờ của giặc để trao tận tay bức thư về căn cứ của ta. Không hiếm lần tôi bị giặc bắt, rơi vào tay giặc, chúng tra tấn bằng những biện pháp khắc nghiệt và dã man.” Vừa kể cô Hai đưa bàn tay trái còn vết sẹo giăng kín vì bị đóng đinh vào ngay giữa lòng bàn tay lên.
|
|
Du kích địa phương còn đào 2 đường hầm bí mật, mỗi hầm dài hơn 100m nối thông qua nhiều gia đình. |
Trong tình thế bị bao vây, kềm kẹp gắt gao, bị địch phong tỏa nhưng cô, quân và dân K20 vẫn anh dũng lập nhiều chiến công, Từ năm 1964-1974, Khu căn cứ K20 đã đánh hơn 30 trận lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều ác ôn nợ máu và 185 tên, phá hủy 1 xe quân sự, 1 xe ủi, đốt hàng chục máy bay, hàng ngàn tấn đạn dược của địch.
Dù rất khó khăn nhưng người dân K20 vẫn sẵn sàng đóng góp quỹ nuôi quân hơn 200 lượng vàng, 4.090 kg gạo và các loại thuốc men, đạn dược...
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ và Quận ủy, nhân dân đấu tranh trực diện với kẻ thù, phá tan âm mưu mua chuộc, giành dân, lấn đất. Cứ mỗi lần địch vây ráp, lùng sục, đánh phá, càn quét vào làng là nhân dân, đặc biệt là các mẹ, các chị hiên ngang đứng chặn trước đầu xe, họng súng kẻ thù để đấu tranh, đồng thời cũng rất mưu trí đánh lạc hướng địch và nhanh chóng thông báo cho các cơ sở của ta kịp thời đối phó, bảo toàn được lực lượng. Đi liền với đó, nhân dân rất coi trọng vấn đề “thuần khiết” nội bộ…
Mùa Xuân năm 1975, trong không khí sục sôi của những ngày Tổng tấn công và nổi dậy giải phóng miền Nam, sáng ngày 29/3/1975 nhân dân K20 phối hợp với lực lượng vũ trang Quảng Đà đồng loạt nổi dậy và tấn công vào tất cả các cơ sở của chính quyền Sài Gòn.
9 giờ sáng cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được cắm trên sân bay Nước Mặn, báo hiệu sự thắng lợi hoàn toàn của quân dân khu căn cứ, hoàn thành xuất sắc sự nghiệp giải phóng dân tộc với vai trò và chức năng là một căn cứ kháng chiến trong lòng địch.
Trang lịch sử vẻ vang những cũng đau thương của dân tộc đi qua, thời gian xoay vần dần xóa đi hầu hết vết tích bom đạn chiến tranh, nhưng có những thứ không bao giờ mất, thậm chí mỗi ngày mỗi hiển hiện hơn. Những chiến công hiển hách của nhân dân Khu căn cứ cách mạng K20 nói riêng, quân và dân Ngũ Hành Sơn và Đà Nẵng nói chung trong hai cuộc kháng chiến gian khổ và ác liệt của dân tộc sẽ còn được mãi lưu giữ Khu di tích căn cứ cách mạng K20.
Những di vật, hiện vật và hệ thống hầm bí mật trong kháng chiến chống Mỹ ở nhà ông Huỳnh Trưng, nhà bà Nguyễn Thị Hải, nhà thờ Bà Nhiêu, nhà thờ tộc Nguyễn… vẫn được bảo tồn, được lưu giữ lại có giá trị minh chứng lịch sử về một thời đấu tranh ngoan cường, bất khuất ngay trong lòng địch của cán bộ và nhân dân K20 nói riêng, Đà Nẵng nói chung.
Khu căn cứ cách mạng K20 được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2010. Hiện nay, Khu căn cứ cách mạng K20 được thành phố Đà Nẵng đầu tư chỉnh trang, nâng cấp khang trang nhưng vẫn giữ được nét đẹp hiền hòa, yên ả của một vùng quê ngay giữa lòng đô thị.