leftcenterrightdel
Viện trưởng Lê Thị Quỳnh Hoa tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối cho các đơn vị xuất sắc.              Ảnh: PV 

Nghe thế, chúng tôi ai cũng phấn chấn, cảm phục. Chúng tôi đã lên kế hoạch “tiến về” Hà Tĩnh để “giải mã” những thành tích đáng nể ấy. Nhưng kế hoạch phải hoãn đôi lần bởi cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch COVID - 19, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ… Những ngày đầu tháng 5 năm 2020, đại dịch có phần dịu đi và chúng tôi đã lên đường.

Lâu lắm, mới có dịp trở lại Hà Tĩnh, vùng đất đầy nắng, gió, đầy chất thơ, chất nhạc với những địa danh đã đi vào lịch sử, đi vào thi ca như Hồng Lĩnh, sông La, như Ngã ba Đồng Lộc, Cầu Treo và Thiên Cầm - nơi sóng gió của đại dương bốn mùa vút lên những bản hùng ca trữ tình da diết yêu thương… vậy nên trong đoàn, ai cũng háo hức. 

Xe qua cầu Bến Thủy, thẳng đường Một xuôi về phương Nam, hơn một giờ đồng hồ, thành phố trẻ Hà Tĩnh đã hiện ra trước mặt…

Đón chúng tôi là nữ Viện trưởng Lê Thị Quỳnh Hoa cùng với anh chị em trong Ban lãnh đạo VKSND tỉnh.Tất cả họ trong trang phục màu áo thiên thanh, với những nét mặt ánh lên niềm vui và sự thân thiện.

Trong Hội trường khang trang thoáng mát, chúng tôi được tiếp đón như những người nhà đi xa lâu ngày mới về. Sau màn “chào hỏi” giữa chủ và khách, chúng tôi nêu rõ mục đích chuyến đi và đề nghị các đồng chí trong Ban lãnh đạo Viện trao đổi tự nhiên. 

Nữ Viện trưởng cười hiền, nhìn anh em trong đoàn:

- Dạ. Thành tích của Kiểm sát Hà Tĩnh cũng bình thường mà các anh chị.

- Ô không bình thường đâu nha! 12 năm liên tục, VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã hai lần nhận Huân chương Độc lập (hạng Hai, hạng Ba), 3 Cờ thi đua Chính phủ và 8 Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân… Đó là chuỗi thành tích đặc biệt!

Nghe tôi nói, tất cả cùng cười. Tôi tiếp:

- Xin Viện trưởng cho biết, điều gì đã làm nên chuỗi thành tích đáng nể ấy để ngành Kiểm sát Hà Tĩnh trở thành một trong những ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước của toàn ngành Kiểm sát nhân dân?

Viện trưởng nhìn mọi người, tự tin:

- Thưa các anh chị…nguyên nhân có nhiều, lát nữa các đồng chí trong Ban lãnh đạo sẽ có ý kiến cụ thể. Nhưng theo tôi, đó chính bởi cái tâm của người cán bộ Kiểm sát đấy ạ.

- Viện trưởng có thể nói cụ thể hơn ?

- Có thể nói thế này, ngay từ lúc đặt bút viết hồ sơ chọn vào ngành Kiểm sát, thì chúng tôi đã tự chọn cho mình một cái nghiệp rồi. Đã là cái nghiệp thì cho dù có vất vả, gian khổ hay nguy hiểm đến đâu… chúng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận. Và khi đã chấp nhận thì chỉ có một con đường là phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Phó Viện trưởng Nguyễn Huy Diên lên tiếng:

- Thưa các anh chị, Viện trưởng của chúng tôi đã nói lên điều cơ bản nhất của vấn đề. Trong quá trình trao đổi, chúng tôi sẽ nói cụ thể hơn. Bây giờ tôi xin nói đôi chút về đặc điểm của Hà Tĩnh để các anh các chị thấy được những khó khăn, gian khổ khi làm công tác Kiểm sát ở đây. 

Hà Tĩnh là một tỉnh nằm trên trục đường giao thương Bắc – Nam, có biển, có rừng, có đồng bằng, trung du và cả miền núi; có cửa khẩu thông thương với nước bạn Lào. Đây là vùng đất có điều kiện thiên nhiên cực kỳ khắc nghiệt.Nắng thì như đổ lửa, còn mưa thì xối xả, liên tục nhiều ngày.Một số năm, Hà Tĩnh bị lụt lội.Người dân ở đây vất vả quanh năm suốt tháng…nhưng kinh tế vẫn không bứt lên được.Dù có như vậy thì không ai được chọn nơi mình sinh ra.Người dân ở đây chỉ biết bám trụ, tìm mọi cách thích nghi với khí hậu, thời tiết để mưu sinh.

Nhưng bọn tội phạm thì không chờ đến khi kinh tế, xã hội phát triển mới hoạt động mà chúng hoạt động phạm tội mọi lúc mọi nơi khi có thể...

Tình hình như vậy nên hằng năm, các cơ quan tố tụng ở Hà Tĩnh phải căng mình nắm bắt, điều tra, xử lý hơn 1.000 vụ án hình sự. Nhiều vụ án phức tạp, được dư luận quan tâm như những vụ liên quan tới dự án khu công nghiệp Vũng Áng - Formosa hay các vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua cửa khẩu Cầu Treo…Tính chung trong 12 năm, chúng tôi phải thụ lý, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử trên 12.000 vụ án. So với các tỉnh lớn, án vậy là không nhiều, nhưng điều quan trọng là hiệu quả trong khâu giải quyết. Hơn mười năm, năm nào VKS hai cấp ở Hà Tĩnh cũng giải quyết án đạt tỷ lệ rất cao, có năm đạt xấp xỉ 100%. Số án tồn cho phép có tỷ lệ rất thấp. Nhiều năm gần đây, Hà Tĩnh không có án oan sai… Có lẽ đây là điều chúng tôi tâm đắc nhất.

leftcenterrightdel
Quang cảnh một hội nghị giao ban công tác kiểm sát của VKSND tỉnh Hà Tĩnh. 

Lượng án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình… còn nhiều hơn thế. Mỗi năm, hai cấp Kiểm sát Hà Tĩnh phải thụ lý, giải quyết từ 1.500 đến 1.600 vụ. Qua hơn 12 năm, Hà Tĩnh đã xử lý hơn 18.000 vụ. Chất lượng giải quyết các loại án này đã được VKSND tối cao đánh giá rất cao.

Vừa rồi, Viện trưởng Lê Thị Quỳnh Hoa đã nói tới cái tâm của người cán bộ Kiểm sát. Thú thật, ngành nào cũng phải có cái tâm mới mong hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng cái tâm của cán bộ Kiểm sát có lẽ đặc biệt hơn nhiều. Làm cán bộ Kiểm sát mà cái tâm không sáng thì dễ mắc sai lầm lắm. Các anh chị biết đó, trong quá trình tác nghiệp không thiếu những lời mời gọi, cám dỗ…nếu không có bản lĩnh, không tỉnh táo, không có cái tâm trong sáng thì rất dễ bị sa ngã.

Cái tâm ấy, trước hết chúng ta phải dành cho nhân dân. Anh em chúng tôi xác định, cứ làm tốt chức năng của ngành KSND như Bác Hồ từng dạy: “cán bộ Kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” để người dân được hưởng cuộc sống yên bình, được hưởng những quyền và lợi ích hợp pháp của mình… là chúng ta đã có tâm rồi.

Đối với người phạm tội, cán bộ Kiểm sát cũng cần phải có tâm mới mong giải quyết mọi việc đạt lý thấu tình. Cái tâm không sáng, rất dễ làm oan sai cho người vô tội và chúng ta sẽ phải trả giá, nhẹ nhất là phải bồi thường theo pháp luật.

- Cảm ơn Phó Viện trưởng Nguyễn Huy Diên. Có lẽ cái tâm của người cán bộ Kiểm sát là “chìa khóa” mở ra tư duy và cách làm mới trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát ở Hà Tĩnh?

- Vâng anh. Trong nhiều năm qua, hai cấp Kiểm sát ở Hà Tĩnh luôn được sự quan tâm của VKSND tối cao, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp rất hiệu quả của các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh… cộng với sự cố gắng của lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên ở đây nên hơn 10 năm qua, mọi lĩnh vực kiểm sát của chúng tôi đều đạt thành tích rất tốt và luôn được ghi nhận. 

Ví như công tác kiểm sát xét xử hình sự chẳng hạn. KSV phải báo cáo tất cả các vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử cho lãnh đạo phòng; vụ nào phức tạp, nhạy cảm phải báo cáo lãnh đạo Viện; nhiều vụ, nhất thiết phải báo cáo Ủy ban kiểm sát. Tuy nhiên, theo luật, KSV có quyền thay đổi tội danh, rút một phần quyết định truy tố hay khởi tố thêm tội (nếu có căn cứ) trước phiên tòa, nhưng ngay sau đó phải báo cáo lãnh đạo Viện để tiện cho công tác chỉ đạo sau này. Bản luận tội cũng phải được chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm vấn công khai tại tòa, tùy diễn biến thực tế mà KSV chỉnh sửa, bổ sung sao cho sát, đúng với diễn biến của vụ án, bảo đảm cho những người tham dự phiên tòa đều phải tâm phục, khẩu phục. 

Nhiều năm qua, hàng năm, VKS hai cấp ở Hà Tĩnh thường xuyên chủ động phối hợp với Tòa án hai cấp tổ chức xét xử lưu động một số vụ án. Thông qua các vụ xét xử như vậy, người dân ở địa phương đã thay đổi nhận thức về pháp luật, họ hiểu về chức năng, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng…và ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng được nâng lên. Ngoài kiểm sát xét xử, Kiểm sát viên còn lồng việc giải thích pháp luật trong phiên tòa để nâng cao nhận thức cho người dân. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên ở đây đều ý thức rằng, “trị kẻ ác cũng là làm việc thiện”. Tuy nhiên, nếu chỉ nhắm vào việc trừng trị mà không nghĩ tới việc cảm hóa, giáo dục thì pháp luật khó đến được với người dân lắm.

Quá trình giải quyết các loại án trong các lĩnh vực dân sự, lao động, hành chính, kinh tế, hôn nhân và gia đình… cũng thế. Cán bộ, KSV hai cấp của Hà Tĩnh luôn nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Xét xử đã thế, nhưng sau khi xét xử, nếu thấy có điều gì đó chưa ổn thì mọi người phải ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, cùng mổ xẻ và nghiên cứu lại hồ sơ… và xây dựng kháng nghị. Vì vậy, hàng năm, VKS hai cấp ở Hà tĩnh đã ban hành hàng chục bản kháng nghị các loại và tỷ lệ kháng nghị được Tòa án chấp nhận với tỷ lệ rất cao. Có năm Tòa chấp nhận 100% kháng nghị của VKS. Điều đó càng làm cho đội ngũ cán bộ chúng tôi vững tin vào nghiệp vụ của mình.

Nữ Viện trưởng Lê Thị Quỳnh Hoa tiếp lời:

- Các anh chị đã nghe đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh nói rất gan ruột về cái tâm của người cán bộ Kiểm sát Hà Tĩnh. Không phải đến bây giờ chúng tôi mới biết và thực hiện điều này đâu mà các thế hệ cha anh đi trước đã từng làm và truyền lại cho chúng tôi thôi. Có cái tâm, chúng ta làm gì cũng thận trọng, trách nhiệm và nhất định kết quả sẽ tốt hơn.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực tiếp công dân.Một số lãnh đạo VKS cấp huyện, thậm chí là lãnh đạo VKS tỉnh ở nhiều nơi có quan niệm “ai yếu chuyên môn thì chuyển qua tiếp công dân”. Tôi cho rằng, nhận thức như thế là chưa tới, chưa hiểu đúng  tính chất phức tạp và quan trọng của lĩnh vực này. Trong một lần giao ban, tôi đã thẳng thắn chỉ ra rằng, những cán bộ tiếp công dân phải là những cán bộ am hiểu nhiều ngành Luật; am hiểu chức năng, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị của bộ máy Nhà nước; am hiểu mọi ngóc ngách của đời sống xã hội; am hiểu tâm lý con người… có như vậy mới đảm nhận tốt được công việc được giao. Nói là làm, tôi yêu cầu lãnh đạo VKS các huyện, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ VKS tỉnh thực hiện ngay.Kể từ đó, công tác tiếp công dân của VKS hai cấp ở Hà Tĩnh đã được thực hiện khá tốt.Nhiều năm trở lại đây, Hà Tĩnh không có tình trạng khiếu kiện đông người, không có khiếu kiện vượt cấp.

Trong lĩnh vực kiểm sát giam giữ, cải tạo và thi hành án hình sự cũng vậy. Nếu không thay đổi cách nghĩ, cách làm thì hàng ngày cán bộ Kiểm sát chỉ sang cơ quan Công an “sao kê” danh sách những người bị tạm giữ rồi về báo cáo lại lãnh đạo Viện. Làm như vậy là ta chưa hoàn thành trách nhiệm được Đảng và Nhà nước giao cho. Lãnh đạo VKS tỉnh đã yêu cầu cán bộ làm công tác kiểm sát này phải trực tiếp hỏi từng người bị tạm giữ; yêu cầu cán bộ kiểm tra điều kiện nhà tạm giam, các chế độ tạm giam, tạm giữ để có kiến nghị kịp thời. Cơ quan bạn rất phấn khởi và đã phối hợp chặt chẽ với VKS làm rất tốt công tác này.

- Vâng, giờ thì chúng tôi đã hiểu, với cái tâm, VKS hai cấp ở Hà Tĩnh đã làm rất tốt mọi lĩnh vực công tác kiểm sát trong nhiều năm qua. Nhưng phải chăng số cán bộ, KSV ở đây được biên chế đông hơn những đơn vị khác trong cả nước, thưa Viện trưởng? 

Nghe tôi hỏi, Viện trưởng Hoa cười:

- Thưa không. Biên chế của Ngành thì ở đâu cũng thế, không có ưu tiên, không có đặc thù đâu anh.

- Thế… hàng năm, nếu có cán bộ, KSV bị ốm đau, thai sản hoặc phải đi học… có nghĩa là thiếu người thì trong từng lĩnh vực kiểm sát, đơn vị giải quyết thế nào?

- Vâng. Như tôi vừa trao đổi, biên chế của Ngành thì ở đâu cũng vậy. Nhiều lúc công việc nhiều, cán bộ ít, lãnh đạo hai cấp phải tính toán sử dụng lao động sao cho khoa học nhất, hợp lý nhất và đạt hiệu quả cao nhất anh ạ!

- Viện trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn?

- Ví dụ, trong lĩnh vực kiểm sát điều tra án hình sự chẳng hạn. Các anh chị biết là Cơ quan điều tra thường rất đông người.Và trên thực tế thì nhiều vụ phạm tội cùng xảy ra trong một thời điểm.Nếu phải kèm 1-1 như bóng đá thì VKS không có đủ người. Do vậy, lãnh đạo Viện đã cử những KSV có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn cao tiến hành kiểm sát từ đầu đối với những vụ án phức tạp, án được dư luận quan tâm. Những vụ án khác, KSV, cán bộ khác vẫn phải thụ lý ngay từ đầu và nắm bắt tiến độ điều tra. Như vậy, mọi vụ án đều được kiểm sát theo luật định.

Các lĩnh vực kiểm sát khác từ hình sự, dân sự, lao động, kinh tế, hành chính, đến hôn nhân và gia đình…, chúng tôi cũng phải thực hiện “chính sách” dùng người như thế. Vậy nên, hơn 10 năm qua, tất cả các lĩnh vực công tác kiểm sát ở hai cấp ở Hà Tĩnh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong khi đó, hàng năm, chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho khoảng 50 lượt cán bộ tiếp tục đi học nâng cao nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị; các chế độ thai sản, nghỉ ốm vẫn được bảo đảm nên mọi người rất phấn khởi.

Nhưng nói gì thì nói, lãnh đạo và cán bộ, KSV phải thực sự hiểu và cảm thông, chia sẻ; phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh mới mong hoàn thành nhiệm vụ. Mà muốn làm tốt được những điều đó, tất cả vẫn là cái tâm anh ạ!

Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai, đề cập đến những chương trình công tác trong thời gian tới, nữ Viện trưởng cười tươi, nói như một lời hứa:

- Các thế hệ cha anh đã xây dựng và để lại cho chúng tôi truyền thống đoàn kết cùng với những thành tích rất đáng tự hào cho ngành Kiểm sát Hà Tĩnh. Đó là động lực cũng là thách thức rất lớn đối với các thế hệ sau này. Nhưng các anh chị yên tâm, các thế hệ đi trước đã làm được, không có lý gì các thế hệ mai sau lại không làm được.

- Xin cảm ơn Viện trưởng, cảm ơn các đồng chí. 

Cuối buổi làm việc, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo Viện dẫn đi thăm Phòng truyền thống của đơn vị. Đó là một căn phòng khá rộng, được bài trí rất khoa học và bắt mắt. Trang trọng giữa phòng là bức tượng bán thân của Bác.Phía trên là cờ Đảng và cờ Tổ quốc, phía dưới là hai tấm Huân chương Độc lập.Tiếp đó là những lá Cờ thi đua của Chính phủ và loạt Cờ thi đua cũng như nhiều bằng khen của Chính phủ, của VKSND tối cao qua các thời kỳ.Tất cả làm nên “một quần thể” rất đẹp, rất rạng ngời và đầy kiêu hãnh.

Đêm ấy, đã khuya lắm, khi anh em trong đoàn vào giấc ngủ, tôi vẫn còn thao thức, không sao ngủ được.Có điều gì đó cứ thôi thúc và buộc tôi phải ngồi dậy viết bài này. Tôi đã viết, viết bằng cái tâm của mình và tin rằng, chữ tâm mà nữ Viện trưởng Lê Thị Quỳnh Hoa và các đồng chí trong Ban lãnh đạo Viện đã nói chính là chìa khóa “giải mã” cho những thành tích đáng ghi nhận của ngành Kiểm sát Hà Tĩnh hơn 10 năm qua… 

Họ đã đúng khi nói rằng: “Khi đặt bút viết hồ sơ chọn vào ngành Kiểm sát, thì mỗi người đã chọn cho mình một cái nghiệp rồi. Đã là cái nghiệp thì cho dù có khó khăn, gian khổ hoặc nguy hiểm đến đâu…, chúng tôi đều vui vẻ chấp nhận. Và khi đã chấp nhận thì chỉ có một con đường là hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”. Và để làm tốt “cái nghiệp” ấy thì nhất định phải có “cái tâm”. Cái tâm trong sáng thì làm việc sẽ vô tư, khách quan và kết quả sẽ tốt hơn, bởi mục đích của chúng ta là: tất cả vì cuộc sống con người…

Bỗng vang lên trong tôi mấy câu thơ như chân lý của Đại thi hào Nguyễn Du thuở trước:

“… Đã mang cái nghiệp vào thân.

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta.

Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI…”.

Sáng hôm sau, chúng tôi tạm biệt các đồng nghiệp thân yêu ở đây để trở về Hà Nội. Trong cái nắng hanh hao đầu hạ của mảnh đất miền Trung, đoàn chúng tôi có dịp được ngắm lại những gương mặt rất đỗi thân quen như: Viện trưởng Lê Thị Quỳnh Hoa, các Phó Viện trưởng: Nguyễn Huy Diên, Nguyễn Phan Lệ Thúy và Phan Quý Nhất. Mọi người đều tươi cười pha chút bịn rịn giữa người ở - người về.

Xe chuyển bánh tiến ra Quốc lộ 1, rẽ hướng về Hà Nội, trong tôi vẫn chưa hết lâng lâng. Rồi không biết vô tình hay hữu ý, trong xe bỗng vang lên giai điệu của “Bài ca ngành Kiểm sát nhân dân” do Nhạc sĩ CakLam viết nhân kỷ niệm 50 ngày thành lập ngành Kiểm sát:

“Biết mấy tự hào Viện kiểm sát nhân dân

Thiện, ác, đúng, sai được nhìn bằng Tâm sáng

Cuộc sống tươi xanh dưới màu cờ Đảng

Luôn được vun trồng từ hạnh phúc nhân dân…”.

Bài ca cứ thế ngân lên: vang vọng, sôi nổi, hào hùng và vô cùng kiêu hãnh…đưa chúng tôi trở về Hà Nội. 


(Bài tham gia cuộc thi viết “Chân dung cán bộ kiểm sát & Bản lĩnh Kiểm sát viên”)

Ghi chép của Phạm Xuân Đào