leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Lê Văn Bình trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Buôn Ma Thuột.

Nghỉ hưu được hơn 6 năm nhưng ông chưa nghỉ việc, vẫn tham gia Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện với nhiều hoạt động có ý nghĩa. Những ngày tháng 4 này, ký ức về những năm tháng chiến đấu, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lại ào về. 48 năm đã trôi qua, nhưng những năm tháng trong quân ngũ luôn là nguồn động viên, tiếp sức cho ông đạp bằng mọi gian nan, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Quê tôi ở Anh Sơn, Nghệ An” - CCB Lê Văn Bình bắt đầu câu chuyện với tôi bên ly cà phê sánh đặc, thơm nồng. “Đầu năm 1975, chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3, theo lời kêu gọi tổng động viên của Tổ quốc, cùng câu nói nổi tiếng của Anh hùng Lê Mã Lương làm tư tưởng hành động “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù!”, tôi cùng bè bạn đã nhanh chóng xếp bút nghiên, hăng hái xung phong nhập ngũ để đến học tập, chiến đấu. Do học giỏi môn tự nhiên nên tôi được chọn về Binh chủng thông tin liên lạc. Sau gần 3 tháng huấn luyện, chúng tôi được lệnh vào Nam. Lúc ấy, cả miền Bắc như ngày hội tòng quân, thanh niên trai tráng viết đơn xung phong nhập ngũ. Tuy kiên cường, quyết chí nhưng ai trong chúng tôi cũng bịn rịn, lưu luyến, tuôn rơi những giọt nước mắt tiễn biệt quê hương, gia đình…”. Ông Bình xúc động hồi tưởng.

Trước sức mạnh như vũ bão với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã mở màn thắng lợi cho chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng, thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đơn vị ông vào Sài Gòn, được giao tiếp quản Cục Truyền tin của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đây là một đơn vị trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Ngụy, có vai trò hết sức quan trọng. “Khi mới vào tiếp quản gặp rất nhiều khó khăn do máy móc, thiết bị của phía bên kia khác xa với máy móc, thiết bị của chúng tôi được học và sử dụng. Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo, anh em nỗ lực ngày đêm học hỏi, tiếp cận và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Ngày 30/6/1981, CCB Lê Văn Bình được ra quân. Khi đó, ông cũng muốn về quê ở Nghệ An nhưng Tây Nguyên như một mối lương duyên với ông. Những đêm hành quân dừng chân ở Tây Nguyên đã để lại cho ông nhiều ấn tượng đặc biệt nên ông viết đơn xin chuyển đến công tác tại VKSND tỉnh Đắk Lắk, khi đó vừa thành lập, “Ấn tượng khó quên trong tôi khi bước chân vào ngành Kiểm sát, là việc Trưởng phòng tổ chức VKSND tỉnh xem hồ sơ rồi yêu cầu tôi phải chép lại đơn xin việc, tuyên bố “chữ viết” là tiêu chí vô cùng quan trọng, “bất di bất dịch” nếu muốn được nhận vào Ngành, bởi 100% công việc nghiệp vụ hay văn phòng đều phải viết tay. Cả Ngành lúc thành lập chỉ có duy nhất một máy chữ” - CCB Lê Văn Bình cười vui khi nhắc nhớ về kỷ niệm ngày đầu vào Ngành.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Lê Văn Bình (thứ 2, bên phải, từ ngoài vào) tại một cuộc họp của VKSND tỉnh Đắk Lắk, tháng 4/2010.

Sau năm 1975 ở Đắk Lắk, hình ảnh ông vẫn nhớ là những con đường đất đỏ, lầy lội, diện tích đất đai canh tác hầu như bị bỏ hoang, đầy rẫy bom mìn. Đường sá bị hư hỏng, giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Sau giải phóng, tình hình an ninh trật tự ở Tây Nguyên vẫn hết sức phức tạp. “Cán bộ chúng tôi bữa đói, bữa no, cơm bo bo, sắn trộn là điều thường ngày. Những chuyến công tác dài ngày trong rừng sâu nước độc của đại ngàn lúc bấy giờ là những kỷ niệm khó quên trong tôi, nhưng thực sự mỗi lần nhắc lại tôi vẫn thấy nổi “da gà” - CCB Lê Văn Bình trải lòng khi nhớ về những năm tháng gian khó và hy sinh.

Những năm 80 của thế kỷ trước, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân là tập trung bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, phục vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, đấu tranh chống mọi hành vi xâm phạm quyền làm chủ tập thể của nhân dân, trấn áp kịp thời các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Có một kỷ niệm mà CCB Lê Văn Bình không quên, đó là: “Năm 1982, lúc đồng chí Nguyễn Văn Thìn, nguyên Phó Viện trưởng Thường thực VKSND tối cao vào làm việc tại Đắk Lắk, ngoài yêu cầu cơ bản là phải nắm chắc Pháp lệnh số 149-LCT về trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh số 150-LCT về trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân, ngày (21/10/1970 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), đồng chí Nguyễn Văn Thìn còn căn dặn anh em chúng tôi: “Cán bộ Kiểm sát phải thể hiện cho được sự khiêm nhã, trong trắng và thanh bạch; phải bản lĩnh, dũng khí dễ tránh sai phạm”. Và tôi cũng như các đồng nghiệp đã thực hiện tốt lời của Thủ trưởng dạy trong suốt quá trình công tác…

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Lê Văn Bình (thứ 5 từ trái sang) và vợ cùng con gái (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo VKSND tối cao và cán bộ VKSND tỉnh Đắk Lắk (năm 1982).

Hơn 40 năm gắn bó với ngành KSND, CCB Lê Văn Bình đã hoàn  thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua toàn Ngành. Ông được tín nhiệm bổ nhiệm giữ cương vị Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng VKSND huyện Cư Mgar, Trưởng phòng Thống kê và Công nghệ thông tin VKSND tỉnh Đắk Lắk. Sau chục năm gắn bó với ngành ông chỉ làm án, “đánh” án, đến khi được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Thống kê và Công nghệ thông tin, những kiến thức thời kỳ quân ngũ được dịp “đánh thức” trong ông. Ông đã tham mưu cho lãnh đạo VKSND tỉnh nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ, thống kê tội phạm. Đặc biệt, ông là người tham mưu và được giao nhiệm vụ phụ trách trang thông tin điện tử của VKSND tỉnh Đắk Lắk, thời điểm trang tin mới được thành lập. Trang thông tin điện tử ngoài nhiệm vụ giới thiệu chức năng, nhiệm vụ, tin tức hoạt động của Ngành, còn cung cấp nhiều văn bản pháp luật, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc công tác chuyên môn nghiệp vụ, tin tổng hợp, công tác thi đua, khen thưởng, công tác thống kê và công nghệ thông tin, thông tin đa dạng khác…, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và người dân.

Ông bảo: “Chính vì những giá trị đã đúc kết được trong chiến tranh và quãng thời gian thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, tôi và vợ tôi (là Kiểm sát viên trung cấp VKSND tỉnh Đắk Lắk đã nghỉ hưu) luôn nhắc nhở 3 người con làm trong ngành tư pháp (trong đó, một người đang công tác tại Văn phòng VKSND tỉnh), làm cán bộ Kiểm sát, lúc nào cũng phải trăn trở cho công việc vì  uy tín của Ngành, vì niềm tin của Nhân dân, vì lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về 5 đức tính của cán bộ Kiểm sát”.

Nguyễn Trường Lưu