Theo dự thảo Nghị quyết, về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51 của Bộ luật Hình sự, trong đó tình tiết “Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động khách quan nên đã ngăn cản không cho tác hại của tội phạm xảy ra hoặc hạn chế tối đa tác hại của tội phạm.

Về tình tiết “Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị Phạm Văn T dùng vũ lực uy hiếp và để bảo vệ mình, A đã phản kháng và giằng co với T. Khi T té xuống đất thì A không chấm dứt hành vi tự vệ mà tiếp tục dùng tảng đá gần đó tấn công vào người T dẫn đến tổn thương cơ thể 54%.

Về tình tiết “Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế xảy ra hoặc đe dọa lợi ích của cơ quan, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là gây thiệt hại bằng hoặc lớn hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

Về tình tiết “Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp vì mục đích bắt giữ người phạm tội mà cố ý thực hiện những hành vi vượt quá mức cần thiết và gây thiệt hại cho người phạm tội hoặc một chủ thể bất kỳ.

Ví dụ: Nguyễn Văn A đuổi bắt Nguyễn Văn C do có hành vi cướp giật túi xách của người đi đường. Khi đuổi theo, A đã đạp liên tiếp vào xe máy của C đang đi, khiến C bị ngã và gãy chân, tổn thương cơ thể 61%.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng quy định về một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, về tình tiết “Phạm tội có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là hình thức đồng phạm có sự kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Đây là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người đứng đầu.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một phiên toà xét xử vụ án hình sự. (Ảnh minh hoạ)

Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: a) Cố ý phạm tội từ 5 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích; b) Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Về tình tiết “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc người có chức vụ, quyền hạn dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật. Người có chức vụ theo quy định của Bộ luật hình sự là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Về tình tiết “Phạm tội có tính chất côn đồ” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là hành động coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối an ninh trật tự, sẵn sàng dùng vũ lực, thích dùng vũ lực, tạo các băng nhóm chuyên thực hiện hành vi uy hiếp người khác phải khuất phục mình.

Ví dụ: Đi xe đạp, xe máy va quệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người va chạm với mình, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ.

Về tình tiết “Phạm tội vì động cơ đê hèn” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là người thực hiện hành vi phạm tội vì tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc, hèn nhác nhằm mục đích trả thù hoặc để khống chế nạn nhân và gia đình, người thân của nạn nhân phục vụ cho mưu đồ của mình hoặc vì các động cơ tư lợi, thấp hèn khác.

Ví dụ: giết người để cướp vợ hoặc chồng nạn nhân; giết tình nhân đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm; giết người đã cho vay, giúp đỡ khắc phục khó khăn, hoạn nạn nhằm trốn nợ,…

Về tình tiết “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là là quyết tâm thực hiện bằng được ý định phạm tội và hành vi phạm tội, mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những trở ngại khác trong quá trình thực hiện tội phạm.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết còn quy định về nguyên tắc áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự. Cụ thể, khi xác định mức hình phạt mà người phạm tội vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 2 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Khi kết án bị cáo về một tội phạm cụ thể theo tình tiết tăng nặng định khung hình phạt (ở khoản nặng hơn) mặc dù họ cũng phạm tội trong trường hợp có tình tiết tăng nặng định khung ở khoản nhẹ hơn và tình tiết nhẹ hơn cũng được Bộ luật Hình sự quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thì vẫn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Việc xác định thời điểm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự một số trường hợp phải rõ ràng, bảo đảm tính công bằng…

P.V