Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của cuộc sống con người. Ngoài ra, mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước có liên quan đến sử dụng tài nguyên nước và nguồn nước sạch. Các sự cố về nguồn nước, công trình cấp nước ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng, sức khỏe con người trong vùng phục vụ; chịu tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, khủng bố, an ninh chính trị. Đại Hội đồng Liên hiệp quốc ngày 28/7/2010 đã thông qua Nghị quyết công nhận việc tiếp cận nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh là một quyền cơ bản của con người. Nhiều nước trên thế giới cũng đã quy định sử dụng nước sạch là quyền của con người.
Ở Việt Nam, cùng với điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được quan tâm nhiều hơn thì đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch an toàn, bền vững cần phải được thể chế hóa phù hợp với nhu cầu phát triển tất yếu của thế giới.
Nước thải là sản phẩm được thải từ các đối tượng sử dụng nước; trong nước thải có thể chứa nhiều hóa chất, mầm bệnh... nếu không xử lý, thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm. Trong nhiều năm qua, đa số nước thải sinh hoạt, sản xuất, nước thải từ chăn nuôi thải trực tiếp ra môi trường và dòng chảy mặt gây ô nhiễm nặng nề, nhất là các dòng chảy mặt tại các đô thị, khu dân cư tập trung.
|
|
Vận hành hệ thống nước sạch. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Tuy nhiên, việc đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở hầu hết các địa phương vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; việc giám sát, quản lý và xử lý các vấn đề liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải chưa được thực hiện một cách có hệ thống; tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường do nước thải vẫn đang là bài toán khó đối với các cấp chính quyền.
Vì vậy, quản lý và phát triển hệ thống cấp nước sạch, thoát nước mưa, thu gom xử lý nước thải nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, bảo vệ sức khỏe cho người dân, giảm thiểu các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế là rất cần thiết đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Thêm vào đó, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, mức sống của con người ngày càng nâng cao, nhu cầu sử dụng nước sạch phải đầy đủ về số lượng, chất lượng bảo đảm bên cạnh việc quản lý chống ngập lụt, thu gom, xử lý nước thải triệt để sẽ là mối quan tâm hàng đầu của đảng và nhà nước ta. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán vào mùa khô và lũ lụt, lũ quét vào mùa mưa; việc quản lý và đầu tư phát triển cấp nước, thoát nước, thu gom, xử lý nước thải cần được thể chế trong văn bản Luật, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, mục đích xây dựng Luật Cấp, thoát nước nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp, thoát nước từ định hướng, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành nhằm cung cấp nước sạch ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước và bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, quyền xả thải có kiểm soát. Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư và vận hành công trình cấp, thoát nước; hỗ trợ đầu tư công trình cấp, thoát nước nông thôn, các khu vực khó khăn về nguồn nước, dân cư phân tán.
Bộ Xây dựng đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước với 4 chính sách sau:
Chính sách 1: Phát triển hệ thống cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất và hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch.
Chính sách 2: Nâng cao chất lượng dịch vụ và đổi mới mô hình quản lý vận hành hệ thống cấp, thoát nước.
Chính sách 3: Bảo đảm nguồn lực cho hoạt động đầu tư phát triển cấp, thoát nước.
Chính sách 4: Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước.
Theo báo cáo, đối với khu vực đô thị trên cả nước có khoảng hơn 250 doanh nghiệp cấp nước, đang vận hành khoảng 750 nhà máy nước và mạng đường ống cấp nước bao phủ khu vục đô thị, khu dân cư nông thôn lân cận; tỉ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch 94,2%; tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch 16,5%. Đối với khu vực nông thôn: tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 88,5%, trong đó 51% đạt QCVN 01:2009/BYT… Tổng mức đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 1995 - 2021 là khoảng hơn 3 tỉ Đô la Mỹ. Đến tháng 6/2023, toàn quốc có 82 nhà máy xử lý nước thải đô thị đang vận hành ở hơn 50 đô thị, với tổng công suất thiết kế là 1,466 triệu m3/ngày, công suất thực tế là 670.000 m3/ngày… |