Chiều ngày 7/8, lãnh đạo xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho biết, một trong hai cây di sản trên địa bàn xã bên bờ sông Tô Hạp đã chết.

Cây bị chết là cây nhỏ hơn trong số 2 cây.

leftcenterrightdel
 Hai cây dầu rái di sản tại xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị bê tông vây kín. Ảnh: NH.

Thông tin cho biết, khoảng giữa năm ngoái, sau khi cây này bị khô héo, rụng lá, xã đã có văn bản báo cáo UBND huyện Khánh Sơn để có hướng xử lý. Sau đó các ban ngành của huyện đã tiến hành khảo sát thực địa, trong đó có ý kiến cho rằng cây bị nấm rễ.

Theo chỉ đạo của UBND huyện, xã phối hợp với các ban ngành thực hiện một số biện pháp, bao gồm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trị nấm rễ và tưới nước cho cây, do lo ngại cây thiếu nước, từ chỗ khu vực mặt đất quanh gốc cây bị bê tông hóa trong khuôn khổ công trình bảo tồn cây.

leftcenterrightdel
 Cây dầu rái gắn liền với lịch sử lâu đời của xã Thành Sơn và dòng sông Tô Hạp, là biểu tượng của núi rừng Khánh Sơn, nơi giữ gìn, phát triển văn hóa truyền thống của người Raglai. Ảnh: NH.

Tuy nhiên việc tác động cũng chỉ chừng mực do xã "ngại" cây thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, nguồn tin cho biết.

Ngày 6/8/2022, có dịp ‘mục sở thị’ 2 cây di sản này, phóng viên BVPL nhận thấy cây dầu rái gần phía bờ sông Tô Hạp trong tình trạng hoàn toàn trụi lá, trong khi gốc cây gần như bị công trình bê tông bao bọc.

leftcenterrightdel
Hai cây dầu rái cổ thụ tại xã Thành Sơn được công nhận là cây di sản. Ảnh: NH.

Liên quan đến vấn đề, ngày 6/8, báo chí dẫn lời ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, xác nhận, một trong hai cây dầu rái được công nhận là cây di sản ở xã Thành Sơn đã chết. Địa phương đã thuê chặt hạ để đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo tấm biển thông tin về 2 cây di sản tại thực địa, đây là 2 cây dầu rái (Dipterocarpus Alatus Roxb) cổ thụ. Cây lớn khoảng trên 300 năm tuổi, chu vi sát gốc 7,8 m, đường kính 2,5 m, cao 41 m.

leftcenterrightdel
 Một trong hai cây di sản hiện được xác nhận đã chết. Ảnh: NH.

Cây nhỏ khoảng trên 250 năm tuổi, chu vi sát gốc 5,9 m, đường kính 1,9 m, cao 36 m.

“Cây dầu rái gắn liền với lịch sử lâu đời của xã Thành Sơn và dòng sông Tô Hạp, là biểu tượng của núi rừng Khánh Sơn, nơi giữ gìn, phát triển văn hóa truyền thống của người Raglai, cồng chiêng đàn đá, đàn chapi, đan gùi, ủ rượu cần…”, bảng thông tin viết.

leftcenterrightdel
 Tình trạng 2 cây di sản thời điểm ngày 6/8/2022. Ảnh: NH.

Năm 2019, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận 2 cây dầu rái này là cây di sản Việt Nam.

Đến năm 2022, một trong hai cây di sản có triệu chứng khô héo, rụng lá.

Liên quan đến cây di sản ở Khánh Hòa, chiều ngày 4/8, một nhánh cây dầu đôi gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm và tên tuổi của Bình Tây Đại Tướng Trịnh Phong ở xã Diên An, huyện Diên Khánh, được công nhận cây di sản vào năm 2016, cũng đã bị gãy một nhánh lớn.

leftcenterrightdel
 Tán cây hoàn toàn trụi lá thời điểm ngày 6/8/2022. Ảnh: NH.

Các quan sát cho thấy nhánh cây còn nguyên tán lá xanh nhưng bị rỗng bên trong.

Nhiều năm trước đó, cây dầu đôi có triệu chứng khô cành.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp&PTNT Khánh Hòa, nguyên nhân có thể do tình trạng bê tông hóa gây yếm khí và nóng rễ, cũng như cản trở nước thẩm thấu xuống bộ rễ, khiến cây thiếu nước, thiếu dinh dưỡng.

V.H