Làng Tân Xuân nằm trên một doi đất gần cửa Lạch Hới, nơi con sông Mã đổ ra biển. Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Hoằng Phụ, do ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và sự biến đổi dòng chảy của Lạch Hới, khiến khu vực ven biển của Lạch Hới thuộc địa phận thôn Tân Xuân bị sạt lở, xâm thực vào đất liền rất sâu, có nguy cơ ảnh hưởng đến trạm Biên phòng Lạch Hới và hơn 20 hộ dân.

Tình trạng biển xâm thực đã gây sạt lở với diện tích khoảng 22,5ha. Trong đó, đất ở của các hộ dân bị cuốn trôi, sạt lở khoảng 3.000m2; diện tích đất quốc phòng 1.000m2; diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản khoảng 20.000m2; diện tích đất thuộc quy hoạch cụm công nghiệp khoảng 25.000m2; diện tích đất rừng sản xuất khoảng 176.000m2.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Bờ biển được chắp vá gia cố chỉ bằng những chiếc cọc tre, bao tải cát.

Tình trạng “biển lấn làng” có nguy cơ ảnh hưởng đến trạm Biên phòng và 21 hộ dân với 77 nhân khẩu sinh sống ở khu vực này. Nhất là khi thủy triều lên, gặp triều cường; nước biển đã tràn vào một số hộ dân, cuốn đổ cây trồng; xói trôi, hạ thấp nền bãi cát ven bờ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân; đặc biệt đe dọa tính mạng và tài sản của họ.  

Theo các cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Hới: Năm 2017 mưa to, lũ lớn đổ ra biển gặp lúc triều cường nên nước biển dâng cao, ngập cốt sân, nền nhà ở của cán bộ, chiến sĩ tới khoảng 1m. Những năm trở lại đây tiếp tục xảy ra hiện trạng nước biển xâm thực bờ biển, điển hình là sóng cả, triều cường khiến nước biển xâm nhập trên chiều dài khoảng 1,5km, vị trí xâm nhập sâu nhất khoảng 170-200m. 

Theo người dân địa phương, trước kia mực nước khi dâng cao kỷ lục cũng còn cách làng 40-50m, nhưng hiện nay đã tiến sát nhà dân. Có những điểm sóng đánh lên tận mép hiên. Chị Bùi Thị Hương, trú tại thôn Tân Xuân chia sẻ: “Trước kia, ngay trước mặt nhà tôi có bãi bồi trồng dải phi lao dài, rộng tít tắp; nhưng qua nhiều lần sóng cả, triều cường xâm thực đã cuốn mất thảm phi lao. Giờ nước biển, triều cường đe dọa đến cuộc sống của những hộ dân sinh sống khu vực này. Nhưng vì không có điều kiện di chuyển đến nơi ở khác nên chúng tôi đành phải bám trụ lại.”

Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày mà việc sạt lở, xâm thực của biển đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất, mưu sinh của bà con khu vực này. Trước đây, gia đình ông Phạm Bá Hiệp thầu 5 ha diện tích mặt nước nuôi tôm thương phẩm. Nhưng từ khi biển xâm thực, gia đình ông không còn mét vuông nào để nuôi trồng thuỷ sản. Không biết chuyển đổi nghề nghiệp nào cho phù hợp, hàng ngày vợ chồng ông ra ra mép biển đào con don, con phi đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống. 

Bao đời, người dân thôn Tân Xuân chủ yếu sống bằng nghề đi biển và cào ngao; nhà nào có điều kiện hơn thì nuôi tôm thương phẩm. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, tình trạng biển xâm thực nghiêm trọng, khiến nhiều người dân mất đi nguồn thu nhập. Để khắc phục khó khăn, nhiều gia đình đã đổi sang nghề đi buôn bán hoặc làm thuê kiếm sống qua ngày, cuộc sống trở nên chật vật hơn.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Xã yêu cầu nhà thầu đắp “con lươn” để ngăn chặn phần nào biển xâm thực.

Trưởng thôn Phạm Bá Quân, thôn Tân Xuân cho hay: Hiện Toàn thôn có 135 hộ với trên 646 nhân khẩu. Từ khi bờ biển ở đây bị xâm thực, người dân luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên vì sợ mất đất, mất nhà. Bà con càng lo lắng hơn khi mùa mưa bão, áp thấp nhiệt đới đã đến rất gần. 

Trước tình trạng nguy cấp trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ; giao huyện Hoằng Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở, xâm thực, báo cáo kịp thời tình huống nguy hiểm xảy ra; cắm mốc, biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở, xâm thực và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; không cho người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra triều cường.

Trước nguy cơ “biển lấn làng”, cơ quan chức năng địa phương đã huy động nhân lực, máy móc cho đóng cọc tre, đắp bao cát, làm đê tạm chắn sóng. Song đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt, tạm thời. Bởi những chiếc “tường rào” được gia cố thô sơ này chẳng thấm vào đâu so với những cơn cuồng phong, sóng dữ.

leftcenterrightdel
 Mỗi khi nước biển tràn vào nhà dân là mỗi lần cuốn theo những đống rác ngập ngụa.

Vì vậy, về lâu dài, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã thống nhất triển khai dự án xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực biển ở Tân Xuân. Công trình đê kè biển này có chiều dài 1,6km; tổng mức đầu tư gần 156 tỉ đồng nhằm khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở, xâm thực biển vào đất liền. Hiện chủ đầu tư đang đôn đốc nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.
Theo thiết kế, phần lớn công trình sẽ được thi công ngoài biển, cách mép nước khoảng 100m, kỹ thuật phức tạp, điều kiện thi công khó khăn. Vì thế nhà thầu đã chọn phương án làm cuốn chiếu từng đoạn và chia thành nhiều mũi thi công để đảm bảo tiến độ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Hùng Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: Hiện công trình xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực biển ở Tân Xuân đã thi công được khoảng 60% khối lượng công trình. Tầm tháng 9-10/2023 dự kiến sẽ hoàn thành. Khi bắt đầu thực hiện, công trình này đặt mục tiêu sẽ xong trong tháng 8 nhưng vì dự án nằm ở vùng địa chất phức tạp, thủy triều lên xuống thất thường nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. 

Để khắc phục phần nào tình trạng nước xâm thực vào nhà dân, một tháng trở lại đây, địa phương đã yêu cầu nhà thầu đắp “con lươn”, làm bao bì cát để gia cố ngay trên bờ biển. Song, đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt, chính quyền và nhân dân Hoằng Phụ mong ngóng từng ngày công trình chống sạt lở hoàn thành để không còn nơm nớp nỗi lo “biển nuốt làng”; nhất là khi mùa mưa bão đã cận kề.

 Cảnh báo nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn Thanh Hóa

Ngày 2/8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 68/PCTT,TKCN&PTDS chỉ đạo ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1,5. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các khu dân cư, ngập úng cục bộ ở những vùng trũng thấp tại các huyện Thường Xuân, Như Xuân, Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc… Lũ quét có khả năng gây sạt lở đất, làm hư hại các công trình giao thông, dân dụng, gây thiệt hại về người và tài sản. Người dân cần lưu ý bảo vệ tài sản và tìm nơi trú ẩn an toàn.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT, TKCN &PTDS các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại...

 

 


Bảo Châu