Công văn nêu rõ: VKSND tối cao nhận được Công văn số 655/BDN ngày 2/8/2024 của Ban Dân nguyện, Ủy ban thường vụ Quốc hội, chuyển kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thuộc lĩnh vực của VKSND tối cao với nội dung: “Tình hình tội phạm dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi VKSND các cấp không ngừng đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác. Do đó, cử tri kiến nghị VKSND tối cao thực hiện hiệu quả quy định pháp luật về tư pháp, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, không để xảy ra án oan, sai gây ảnh hưởng cho gia đình người bị oan, sai”.

Nội dung kiến nghị trên VKSND tối cao trả lời như sau: Để thực hiện hiệu quả quy định pháp luật về tư pháp, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng oan, sai trong quá trình điều tra, truy ruy tố, xét xử các vụ án hình sự, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành nhiều chỉ thị chuyên sâu về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự.

Cụ thể như: (1) Chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; (2) Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; (3) Chỉ thị về tăng cường việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; (4) Chỉ thị về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị hình sự; (5) Chỉ thị về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. 

Cụ thể hóa nội dung các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm, VKSND tối cao đã quán triệt, chỉ đạo VKSND các cấp thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp sau:

Bám sát chủ trương của Đảng, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là yêu cầu về chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; thực hiện chức năng công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự hiệu lực, hiệu quả theo đúng quy định Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các đạo luật về tư pháp nhằm hạn chế, loại trừ các trường hợp oan, sai trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Chủ động nắm bắt thông tin, tài liệu cần thiết và thực hiện các thao tác nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để tăng cường thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm; thực hiện nhất quán, đồng bộ chủ trương về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Kiểm sát viên, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp trong việc phê chuẩn, quyết định áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố, đảm bảo việc áp dụng các biện pháp này là có căn cứ pháp luật và thực sự cần thiết.

Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa xét xử vụ án hình sự; kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng luật nội dung và thủ tục tố tụng trong hoạt động xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm các vụ án hình sự; kiểm sát chặt chẽ biên bản các phiên tòa hình sự theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn của VKSND tối cao, đảm bảo mọi nội dung, diễn biến phiên tòa phải được phản ánh đầy đủ, trung thực trong biên bản phiên tòa; chú trọng hoạt động kiểm sát bản án, quyết định hình sự của Tòa án, qua đó kịp thời phát hiện những sai lầm, vi phạm trong quá trình xét xử vụ án để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị theo quy định pháp luật, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Quan tâm, chú trọng công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự; thực hiện việc kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự theo đúng quy định pháp luật.

Tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác hình sự ở Viện kiểm sát các cấp, nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ, Kiểm sát viên; chú trọng công tác bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển cán bộ, Kiểm sát viên đảm bảo thực hiện phương châm “việc chọn người”; thường xuyên tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự để kịp thời tìm ra giải pháp khắc phục, tháo gỡ, đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất giữa các cấp kiểm sát và giữa các ngành tố tụng.

P.V