Công văn nêu rõ: VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023.

Nội dung kiến nghị: Trong quá trình điều tra xử lý tội phạm, thực hiện việc khởi tố hoặc không khởi tố theo yêu cầu bị hại theo quy định tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự còn bộc lộ bất cập. Các hành vi cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 157 chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại và phải đình chỉ điều tra khi bị hại rút yêu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp bị hại từ chối yêu cầu khởi tố và giám định thương tích, gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Cử tri đề nghị trình Quốc hội xem xét, sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

- Sửa đổi khoản 1 Điều 155: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 136, 138, 139, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”.

- Sửa đổi khoản 8 Điều 157: “Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 136, 138, 139, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố”.

Nội dung kiến nghị trên, VKSND tối cao trả lời như sau: Việc Bộ luật Tố tụng hình sự quy định khởi tố vụ án hình sự đối với một số tội danh mà thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng chỉ khi có yêu cầu của bị hại tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự là trên cơ sở xuất phát từ yêu cầu tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng trong một số quan hệ xã hội cụ thể. Dựa trên tính chất, mức độ, nguyên nhân, điều kiện của các tội phạm này, luật đã đặt thêm điều kiện để khởi tố vụ án hình sự chỉ khi có yêu cầu của bị hại là để nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên và nguồn lực của việc tiến hành các thủ tục tố tụng của các cơ quan khi xem xét, xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm liên quan. 

Mặt khác, theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 4, khoản 4 Điều 62 và Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải đối với người bị hại nếu họ không chấp hành Quyết định trưng cầu giám định thương tích của cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, không cần thiết phải sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng như cử tri đã kiến nghị.

P.V