Tôi lấy chồng được 5 năm và đã có 1 con gái 3 tuổi. Do chồng tôi thường xuyên cờ bạc và đánh đập vợ con nên tôi đã làm đơn ra Tòa xin ly dị. Theo phán quyết của Tòa án, tôi nuôi dưỡng con gái và chồng tôi có trách nhiệm cấp dưỡng một khoản tiền hàng tháng cho con gái chúng tôi. Nhưng từ khi ly hôn đến nay đã hơn 1 năm mà chồng cũ của tôi không hề qua lại thăm nuôi cũng như cấp dưỡng cho con gái theo bản án. Hiện nay, tôi đang ốm nặng nên không có tiền nuôi cháu. Xin hỏi Nhịp cầu bạn đọc, tôi cần phải làm những thủ tục gì để yêu cầu chồng cũ cấp dưỡng cho con gái tôi?
 

Nguyễn Bích Lan (Hoàn Kiếm- Hà Nội)


Chị Lan thân mến!

Cha mẹ - con cái vốn là mối quan hệ ruột thịt mà từ ngàn đời nay, dẫu không phải gia đình nào cũng yên ấm, nhưng mối quan hệ này vẫn được xem là khăng khít, bền chặt, tình cảm và trách nhiệm nhất trong các mối quan hệ. Mối quan hệ, cũng như trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, phụng dưỡng giữa cha mẹ đẻ - con ruột cũng được pháp luật xem như một trách nhiệm đương nhiên, gắn liền với mỗi cá nhân từ khi sinh ra và không thể chối từ.

Trong trường hợp của chị, theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Do đó, chị có thể làm đơn yêu cầu thi hành án gửi đến Cơ quan thi hành án cấp huyện nơi có Tòa án cấp huyện đã ra bản án, quyết định sơ thẩm theo quy định tại Điều 31và Điều 35 Luật Thi hành án dân sự để Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án. Nếu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 45, 46 luật Thi hành án dân sự. Do đó chị cần làm đơn gửi lên Cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án đối với phần tiền cấp dưỡng cho con chị. Chúc chị sớm ổn định cuộc sống để nuôi dưỡng con cái cho tốt, trở thành công dân có ích cho xã hội.
 

Nhịp cầu bạn đọc