Khi phát hiện người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc phải thay đổi, thì Kiểm sát viên; người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ; người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

leftcenterrightdel
Quang cảnh một phiên tòa hình sự sơ thẩm. Ảnh minh họa 

Điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) quy định về việc từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như sau: 

“Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

2. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.”

Đồng thời, các trường hợp phải thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký được quy định tại các Điều 51, 52, 53, 54 BLTTHS. Cụ thể:

* Thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra:

Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 49 của BLTTHS; Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án.

* Thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên:

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 49 của BLTTHS; Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án.

* Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm:

Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 49 của BLTTHS; Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

* Thay đổi Thư ký:

Thư ký Tòa án phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 49 của BLTTHS; Đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

Nhìn chung, BLTTHS quy định khá chi tiết các trường hợp người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng lại gặp phải vướng mắc như: Nếu người tiến hành tố tụng trong vụ án đang thụ lý, giải quyết (bao gồm Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán ... ), bị điều động hay luân chuyển công tác thì căn cứ pháp luật nào để ra quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng khác vì BLTTHS không quy định.  

Cụ thể: Khi Điều tra viên bị luân chuyển, điều động (từ đội này sang đội khác hoặc từ địa phương này đến địa phương khác), thì Cơ quan điều tra cho rằng không có căn cứ để thay đổi Điều tra viên do BLTTHS không quy định, nên không đồng ý ra quyết định thay đổi Điều tra viên. Theo đó, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định phân công Điều tra viên khác để tiếp tục tiến hành hoạt động điều tra. Như vậy, vấn đề cần đặt ra là nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên đã bị luân chuyển, điều động đối với vụ án đang giải quyết sẽ như thế nào khi không có bất cứ quyết định nào thể hiện họ không còn tiến hành tố tụng trong vụ án đã được phân công. Tương tự, đối với Kiểm sát Viên, Thẩm phán... cũng vậy.

Tuyết Hằng