Ở góc độ luật thực định, giới hạn xét xử đã được quy định từ trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 1988 và tiếp tục được quy định trong BLTTHS 1988 (Điều 170), BLTTHS 2003 (Điều 196) và BLTTHS 2015 (Điều 298) với những thay đổi nhất định. Điều 298 BLTTHS 2015 quy định như sau:

 “1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

 2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố.

 3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.

So với Điều 196 BLTTHS 2003 thì Điều 298 BLTTHS 2015 bổ sung khoản 3. Quy định mới đã mở rộng phạm vi xét xử cho phép Tòa án được xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn so với tội danh mà VKS truy tố. Tuy nhiên, để Tòa án xét xử về tội danh nặng hơn so với tội danh mà VKS đã truy tố thì Tòa án phải trả hồ sơ để VKS truy tố lại, nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn. Với quy định mới nêu trên, vấn đề đặt ra là Tòa án sơ thẩm có quyền thay đổi nội dung truy tố của VKS hay không? 

Quan điểm thứ nhất phủ nhận sự cần thiết của chế định giới hạn xét xử hoặc nếu quy định thì cần phải thay đổi nội dung của giới hạn xét xử theo hướng thừa nhận Tòa án có quyền trên cơ sở xem xét, điều tra các chứng cứ tại phiên tòa quyết định tội danh của bị cáo không phụ thuộc vào tội danh mà VKS truy tố kể cả tội danh nặng hơn (làm xấu tình trạng bị cáo). Có tác giả cho rằng Quy định của Điều 170 BLTTHS 1988 và Điều 196 BLTTHS 2003 chưa thể hiện được việc đề cao kết quả tranh tụng tại phiên toà như yêu cầu đã được xác định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và cũng không phù hợp với nguyên tắc hiến định “Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật – một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nói chung và trong TTHS nói riêng và cũng không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội; từ đó có thể dẫn đến trường hợp vụ án không được xem xét một cách khách quan, toàn diện vì khi xét xử, Hội đồng xét xử chỉ tập trung kiểm tra tài liệu, chứng cứ xem bị cáo có phạm tội mà Viện kiểm sát truy tố hay không”. Có tác giả còn cho rằng chế định này không phù hợp với nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” đã được quy định trong pháp luật TTHS và bất cập trong thực tiễn áp dụng “bởi có nhiều trường hợp VKS truy tố tội danh chưa phù hợp với hành vi phạm tội bị cáo đã thực hiện (tội nhẹ hơn) nhưng Hội đồng xét xử cũng không được phép tuyên bị cáo đã phạm tội danh nặng hơn tội danh cáo trạng của VKS truy tố. Điều đó đã dẫn đến tình trạng có trường hợp Hội đồng xét xử đã “buộc phải kiến nghị trong bản án đề nghị cấp trên kháng nghị hủy đối với bản án mình đã xử”. Quan điểm này đề xuất VKS chỉ truy tố bị cáo theo hành vi còn tội danh do Tòa quyết định... Tội danh mà VKS truy tố đối với bị cáo chỉ là một căn cứ để Toà án đưa vụ án ra xét xử. Quy định như vậy không biến Toà án thành cơ quan buộc tội, lạm quyền bởi dù có được quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà VKS truy tố thì cũng phải nằm trong nhóm tội danh phù hợp với hành vi mà bị cáo đã thực hiện”.  

leftcenterrightdel
Hội đồng xét xử tuyên án tại một phiên tòa hình sự. Ảnh: CTV (minh họa). 

Quan điểm thứ hai cho rằng, bản chất của chế định giới hạn xét xử sơ thẩm là mối quan hệ pháp lý giữa chức năng buộc tội và chức năng xét xử trong TTHS. Mối quan hệ giữa hai chức năng này không thể không ảnh hưởng đến chức năng bào chữa vì các chức năng cơ bản của TTHS tồn tại không tách rời nhau. Cơ sở lý luận của mối quan hệ này trước hết là lý luận về các chức năng cơ bản của TTHS, theo đó các chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử độc lập với nhau, quan hệ mật thiết, biện chứng với nhau do các chủ thể khác nhau thực hiện. 

Về mặt lý luận, cả hai quan điểm đều có cơ sở nhằm đảm bảo thực hiện đúng chức năng xét xử. Tuy nhiên, ở góc độ thực hiện quyền bào chữa thì trong trường hợp Tòa án đưa ra xét xử theo tội danh khác nặng hơn thì sẽ tồn tại song song hai nội dung buộc tội: buộc tội chính thức nhân danh Nhà nước của VKS- cơ quan thực hiện chức năng công tố theo quy định của Hiến pháp và buộc tội mới nặng hơn do Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa đưa ra trong quyết định đưa vụ án ra xét xử. Vậy buộc tội nào có giá trị pháp lý hay cả hai buộc tội đều có giá trị pháp lý như nhau? Nếu cho rằng buộc tội mới do Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa đưa ra là buộc tội chính thức thì Tòa án lúc này đã tự biến mình thành cơ quan buộc tội, vô hiệu hóa buộc tội của cơ quan có chức năng công tố theo Hiến pháp và Tòa án lại xét xử bị cáo theo chính buộc tội của mình (vừa buộc tội vừa xét xử). Bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình thế nào khi tồn tại song song hai nội dung buộc tội khác nhau? Cơ sở lý luận thứ hai của chế định giới hạn xét xử sơ thẩm chính là yêu cầu bảo đảm quyền bào chữa - quyền hiến định của bị cáo. Bào chữa là quyền tố tụng quan trọng của bị cáo và tương ứng với quyền tố tụng này là nghĩa vụ tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng trong đó có Tòa án phải tôn trọng, tạo mọi điều kiện để bị cáo thực hiện quyền tố tụng của mình một cách tốt nhất, không được vi phạm. 

Theo tác giả, vấn đề mấu chốt là phải giải quyết vấn đề giữa chức năng buộc tội và chức năng xét xử và giải pháp bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo. Về mặt lý luận thì Tòa án chỉ thực hiện chức năng xét xử, khi thực hiện chức năng xét xử, phải có trách nhiệm làm sáng tỏ tất cả các tình tiết của vụ án (bao gồm cả các tình tiết buộc tội, các tình tiết gỡ tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo) nhưng không phải để buộc tội hay bào chữa đối với bị cáo mà nhằm thực hiện chức năng xét xử - xác định sự thật khách quan và ra quyết định đúng đắn về vụ án. Tòa án phải tôn trọng và tạo mọi điều kiện để bị cáo thực hiện quyền tố tụng của mình một cách tốt nhất, không được vi phạm. Vì vậy, để giải quyết vấn đề nêu trên, theo tác giả thì Tòa án chỉ tập trung xét xử hành vi mà bị cáo đã thực hiện và VKS đã truy tố, không phụ thuộc vào tội danh mà VKS đề nghị. Việc xác định bị cáo phạm tội gì, hình phạt như thế nào là do Tòa án quyết định và phải nêu rõ trong quyết định đưa vụ án ra xét xử.  

Theo quan điểm của người viết, để bảo đảm quyền bào chữa và thời gian chuẩn bị bào chữa thì trong quá trình chuẩn bị xét xử, nếu xét thấy phải xét xử theo tội danh khác nặng hơn thì Thẩm phán phải tổ chức phiên họp “trù bị” hoặc “phiên tòa sơ bộ” với sự có mặt của Kiểm sát viên, của người bào chữa và những người tham gia tụng khác nhằm kiểm tra lại toàn bộ hành vi và hậu quả mà bị cáo đã thực hiện, kiểm tra lại toàn bộ chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, điều tra bổ sung theo quyết định trả hồ sơ của Tòa án… Trên cơ sở đó, Thẩm phán quyết định đưa ra xét xử bị cáo theo tội danh và điều luật nào, có thể giống hoặc khác tội danh mà VKS đề nghị truy tố. Phiên toà sơ bộ góp phần khắc phục giải quyết được bất cập về giới hạn xét xử theo quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS 2015 khi phải xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn tội danh mà VKS truy tố bởi bị cáo, người bào chữa biết được quan điểm của Toà án và có ý kiến về tội danh mà Toà án sắp đưa ra xét xử, từ đó có đầy đủ thời gian chuẩn bị cho việc bào chữa. Đồng thời góp phần bảo đảm cho việc xét xử đúng người, đúng tội, kéo giảm tỷ lệ án huỷ, tránh tình trạng sau xét xử sơ thẩm bị cáo kháng cáo kêu oan, đảm bảo công bằng và chính xác khi xét xử. 

Lịch sử tố tụng hình sự của nước ta trước năm 1988  và tố tụng hình sự một số quốc gia trên thế giới cũng có quy định về việc mở phiên tòa sơ bộ trước khi bắt đầu phiên tòa chính thức xét xử sơ thẩm hình sự như: Anh, Hoa Kỳ, Nga... đã hạn chế được tình trạng hệ thống tư pháp quá tải vì số lượng vụ án nhiều, giảm tình trạng hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung cũng như tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí tố tụng không cần thiết. Thiết nghĩ, thông qua thực tiễn về hoạt động xét xử của Tòa án, thì phiên toà sơ bộ là biểu hiện rõ nét tính tranh tụng. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung chế định này vào BLTTHS 2015.

Ths. Lê Thanh Phong

Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh