TAND tối cao vừa có dự thảo Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung chủ yếu của dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng (dự thảo Pháp lệnh).

Theo cơ quan chủ trì xây dựng, thực tiễn áp dụng pháp luật về chi phí tố tụng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Việc áp dụng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tại các Tòa án còn chưa thống nhất về việc tính tiền tạm ứng, trình tự, thủ tục thu, mức thu, mức chi; một số chi phí phát sinh trong hoạt động giám định nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh…

Việc xây dựng dự thảo Pháp lệnh nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thi hành các quy định pháp luật về chi phí tố tụng. Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; bảo đảm trình tự, thủ tục thu, nộp, thanh toán chi phí tố tụng đơn giản, thuận lợi phục vụ việc giải quyết các vụ án, vụ việc kịp thời, hiệu quả; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của Tòa án.

leftcenterrightdel
 Phiên toà xét xử một vụ án hình sự. (Ảnh minh hoạ)

Về bố cục, dự thảo Pháp lệnh (lần 3) gồm 93 điều được bố cục thành 14 chương. Dự thảo Pháp lệnh đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 2 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. 

Theo dự thảo, chi phí tố tụng trong Pháp lệnh này bao gồm: Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài; Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; Chi phí giám định; Chi phí định giá tài sản; Chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến; Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật; Chi phí cho Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, Bào chữa viên nhân dân;

Chi phí cho Hội thẩm; Chi phí tổ chức phiên toà trực tuyến; Chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng (gồm: chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng ở trong nước; chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng ra nước ngoài theo đường dịch vụ bưu chính); 

Chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, xác minh tài liệu, chứng cứ; Chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng; Chi phí sao chụp tài liệu; Chi phí cho người đại diện do Tòa án chỉ định; Chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Về việc miễn, giảm chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, dự thảo Pháp lệnh về cơ bản kế thừa các quy định về miễn, giảm chi phí giám định của Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13, đồng thời quy định bổ sung việc miễn, giảm đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tương tự như đối với chi phí giám định.

Mở rộng đối tượng được miễn (gồm: trẻ em, cá cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở các thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính);

Đồng thời, sửa đổi trường hợp được giảm là người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp. Việc bổ sung quy định về miễn, giảm đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là thể hiện chính sách nhân văn của Nhà nước, bảo đảm quyền khởi kiện của những chủ thể này.

Về chi phí cho Hội thẩm, dự thảo Pháp lệnh quy định chi phí cho Hội thẩm theo hướng tăng hơn so với quy định hiện hành, đảm bảo quyền lợi cho Hội thẩm khi tham gia xét xử, gồm: Chi phí cho Hội thẩm bao gồm phụ cấp xét xử, chi phí đi lại, chi phí lưu trú, chi phí khác theo quy định pháp luật; quy định cụ thể mức phụ cấp xét xử cho ngày thực tế tham gia phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ của Hội thẩm bằng 0,5 mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

P.V