Các hành vi bị nghiêm cấm

Bộ Công an đang xây dựng Nghị định mới quy định về quản lý kho vật chứng để thay thế Nghị định số 18/2002/NĐ-CP và Nghị định số 70/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, ngày 18/2/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2002/NĐ-CP về Quy chế quản lý kho vật chứng. Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đã khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế; xây dựng kho vật chứng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện hiệu quả công tác nhập, xuất, lưu giữ, bảo quản vật chứng của các vụ án.

Đồng thời đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn công tác quản lý kho vật chứng tạo cơ sở, hành lang pháp lý để tổ chức, triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. 

Trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn chưa quy định cụ thể về tổ chức kho vật chứng trong CAND, QĐND, cơ quan thi hành án dân sự và các ngành chức năng tiếp nhận vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, động vật, thực vật để bảo quản đặc biệt. 

Để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc này, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 2/7/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/2/2002 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Nghị định số 18/2002/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành cách đây 21 năm nên nội dung không còn phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, ngoài ra còn gặp một số khó khăn, vướng mắc khi nhập, xuất, bảo quản, chuyển giao vật chứng.

Cũng theo Bộ Công an, việc xây dựng Nghị định quy định về quản lý kho vật chứng thay thế Nghị định số 18/2002/NĐ-CP và Nghị định số 70/2013/NĐ-CP nhằm thống nhất giữa các bộ, ngành trong nhập, xuất, bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật khác thu thập được của các vụ án; đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu trong tình hình thực tiễn quản lý vật chứng.

Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 26 điều. Trong đó, đã quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm, đó là: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép, chiếm đoạt, chuyển nhượng, tiêu dùng, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, cất giấu, thêm, bớt, sửa đổi, làm mất mát, hư hỏng, hủy hoại, phá hủy niêm phong hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng vật chứng.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát việc tiêu huỷ vật chứng của vụ án hình sự. (Ảnh minh hoạ)

Mang vật chứng ra khỏi kho vật chứng mà không được phép của cơ quan, người có thẩm quyền.

Nhập kho vật chứng đối với những vật không thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị định.

Người và phương tiện không có nhiệm vụ vào kho vật chứng.

Cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan thụ lý vụ án, cơ quan quản lý kho vật chứng

Về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan thụ lý vụ án, dự thảo Nghị định quy định các nhiệm vụ, quyền hạn gồm: Ra lệnh nhập kho vật chứng, lệnh xuất kho vật chứng. Nội dung lệnh nhập kho vật chứng, lệnh xuất kho vật chứng phải ghi rõ chủng loại, số lượng, trọng lượng, đặc điểm, tình trạng của vật chứng, lý do, thời gian nhập, xuất, có chữ ký của Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan thụ lý vụ án và đóng dấu cơ quan thụ lý vụ án; họ và tên, chức vụ của người giao, nhận vật chứng.

Phối hợp cơ quan quản lý kho vật chứng, nhập vật chứng, xuất vật chứng.

Tổ chức vận chuyển, bảo vệ vật chứng từ kho vật chứng này đến kho vật chứng khác; bảo quản vật chứng cho đến khi nhập vật chứng hoặc trong quá trình trực tiếp quản lý, bảo quản.

Phối hợp với cơ quan quản lý kho vật chứng niêm phong vật chứng bị bong rách niêm phong theo quy định.

Sau khi vật chứng được thu thập phải kịp thời nhập kho vật chứng, chậm nhất trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi khởi tố vụ án, cơ quan thụ lý vụ án có trách nhiệm ra lệnh nhập kho vật chứng, vận chuyển, bàn giao vật chứng cho cơ quan quản lý kho vật chứng.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định chuyển vật chứng của VKSND thì cơ quan thụ lý vụ án có trách nhiệm ra lệnh xuất kho vật chứng để vận chuyển, bàn giao vật chứng cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp nơi Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án. Lập biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan thụ lý vụ án và cơ quan thi hành án dân sự nơi vật chứng được chuyển đến.

Định kỳ 6 tháng, năm phối hợp với cơ quan quản lý kho vật chứng rà soát, thống kê vật chứng hiện đang bảo quản tại kho vật chứng và xử lý ngay vật chứng theo thẩm quyền.

Mặt khác, dự thảo Nghị định cũng quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý kho vật chứng đó là: Tổ chức triển khai thi hành pháp luật về quản lý kho vật chứng; chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về quản lý kho vật chứng.

Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức di chuyển khẩn cấp vật chứng trong kho vật chứng đến nơi an toàn trong trường hợp có thiên tai, cháy, nổ hoặc do con người đe dọa sự an toàn của kho vật chứng.

Đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân đóng quân trên địa bàn hỗ trợ bảo vệ kho vật chứng trong trường hợp cần thiết.

Đề nghị cơ quan có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ về người, chuyên môn nghiệp vụ để bảo quản vật chứng thuộc chuyên ngành.

Yêu cầu cơ quan thụ lý vụ án xử lý ngay vật chứng khi có dấu hiệu hư hỏng, nguy cơ hư hỏng hoặc đe dọa sự an toàn của kho vật chứng, ảnh hưởng xấu hoặc gây thiệt hại đến môi trường, con người, tài sản.

Phối hợp CQĐT, VKS có thẩm quyền, đồng thời thông báo ngay cơ quan thụ lý vụ án trong các trường hợp vật chứng bị mất mát, xâm phạm, chiếm đoạt để xử lý, giải quyết.

Định kỳ 6 tháng, năm có văn bản đề nghị cơ quan thụ lý vụ án  rà soát, thống kê vật chứng. Đồng thời, sơ kết, tổng kết công tác quản lý kho vật chứng; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về quản lý kho vật chứng.

P.V