Quy định chi tiết, đầy đủ trách nhiệm của VKSND trong giải quyết yêu cầu bồi thường

Tại Hội nghị tập huấn về công tác bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát, lãnh đạo Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7), VKSND tối cao đã trình bày báo cáo chuyên đề về quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND.

Theo đó, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTNN) được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Theo quy định của Luật, VKSND tối cao có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về công tác BTNN; kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác BTNN; chỉ đạo cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện công tác BTNN, xác định trách nhiệm hoàn trả, thực hiện quyết định hoàn trả và xử lý kỷ luật, vi phạm theo thẩm quyền… trong việc giải quyết bồi thường.

Luật TNBTNN năm 2017 đã quy định cụ thể, chi tiết quyền con người, quyền cơ bản của công dân được bảo đảm thực hiện, đồng thời đặt ra yêu cầu phải xây dựng quy trình, kỹ năng giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của VKSND theo hướng đảm bảo thực hiện các quyền của người dân trên thực tế, tăng cường tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự là việc Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm sâu sắc, là thực tiễn cấp bách hiện nay, nhằm thực hiện tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo Hiến pháp và xu hướng cải cách tư pháp ở nước ta cũng như các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả Quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự có vị trí, vai trò và ý nghĩa rất quan trọng đối với Ngành, góp phần nâng cao vị trí, chức năng và nhiệm vụ chính trị của ngành Kiểm sát nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị tập huấn về công tác bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát do VKSND tối cao tổ chức 

Theo Vụ 7, VKSND tối cao, mục đích xây dựng Quy trình nhằm quy định chi tiết, đầy đủ trách nhiệm của VKSND các cấp trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước, kế thừa và phát triển Hướng dẫn quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường, đảm bảo đúng quy định của Luật và pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường, trọng tâm là những vấn đề mới của Luật.

Cùng với đó, việc xây dựng Quy trình còn nhằm xác định, phân định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, cá nhân, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường; hạn chế tối đa các trường hợp giải quyết kéo dài, gây bức xúc cho người yêu cầu bồi thường. Đảm bảo tính kế thừa, ổn định lâu dài và tính khả thi trong thực tiễn; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được phân công giải quyết yêu cầu bồi thường hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường, đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ, thống nhất trong toàn Ngành

Phục hồi danh dự phải bảo đảm kịp thời, công khai, đúng pháp luật

Liên quan đến trách nhiệm phục hồi danh dự, Vụ 7, VKSND tối cao cho biết, theo Quy trình, việc phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện bằng hình thức: Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai và/hoặc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai. Viện kiểm sát giải quyết bồi thường có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu không phục hồi danh dự. Việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại phải bảo đảm kịp thời, công khai, đúng pháp luật, tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người bị thiệt hại.

Đối với việc chủ động phục hồi danh dự, theo quy định của Luật TNBTNN năm 2017, việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại là trách nhiệm của Nhà nước. Viện kiểm sát giải quyết bồi thường có trách nhiệm thay mặt Nhà nước chủ động tổ chức phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại. Theo đó, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường, Viện kiểm sát giải quyết bồi thường gửi thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc tổ chức thực hiện phục hồi danh dự. Thông báo về việc phục hồi danh dự được lập theo Mẫu số 19.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Đăng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ 7, VKSND tối cao trình bày báo cáo chuyên đề về quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND 

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Viện kiểm sát giải quyết bồi thường, người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường phải trả lời bằng văn bản nêu rõ ý kiến về việc phục hồi danh dự và gửi Viện kiểm sát giải quyết bồi thường; trường hợp người bị thiệt hại, người yêu cầu bồi thường trực tiếp trình bày bằng lời nói thì Viện kiểm sát giải quyết bồi thường phải lập biên bản về việc trả lời thông báo phục hồi danh dự theo Mẫu số 20.

Hết thời hạn 10 ngày nêu trên mà Viện kiểm sát giải quyết bồi thường không nhận được trả lời của người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường về thông báo phục hồi danh dự thì chỉ thực hiện phục hồi danh dự khi người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường có yêu cầu bằng văn bản.

Đối với việc phục hồi danh dự theo yêu cầu: Viện kiểm sát giải quyết bồi thường phục hồi danh dự theo yêu cầu của người bị thiệt hại được thực hiện như sau: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường trong đó có yêu cầu phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại, Viện kiểm sát giải quyết bồi thường trao đổi, thống nhất với người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường về việc tổ chức phục hồi danh dự. Nội dung trao đổi thống nhất bao gồm: Hình thức phục hồi danh dự, địa điểm, thời gian, thành phần tham dự buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai; các vấn đề liên quan khác (nếu có).

Trường hợp người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu phục hồi danh dự thì người giải quyết yêu cầu bồi thường phải giải thích cho họ về hậu quả pháp lý của việc rút yêu cầu phục hồi danh dự; đồng thời lập biên bản, ghi rõ việc rút yêu cầu phục hồi danh dự.

Trường hợp người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường đề nghị chưa thực hiện phục hồi danh dự thì người giải quyết yêu cầu bồi thường phải lập biên bản và thông báo cho họ biết việc phục hồi danh dự sẽ chỉ được thực hiện khi họ có yêu cầu bằng văn bản. Biên bản về việc rút yêu cầu hoặc chưa thực hiện phục hồi danh dự được lập theo Mẫu số 20.

Trường hợp không gặp được người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường để trao đổi, thống nhất những nội dung phục hồi danh dự thì Viện kiểm sát giải quyết bồi thường phải thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường về việc chủ động tổ chức thực hiện phục hồi danh dự.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thống nhất được các nội dung phục hồi danh dự theo yêu cầu, Viện kiểm sát giải quyết bồi thường tổ chức phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại.

Trường hợp người bị thiệt hại chết, Viện kiểm sát giải quyết bồi thường trao đổi, thống nhất với người yêu cầu bồi thường về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai theo quy định tại Điều 59 Luật TNBTNN và Điều 25 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTNN.

Việc tổ chức phục hồi danh dự bằng hình thức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai được thực hiện như sau: Kiểm sát viên Viện kiểm sát giải quyết bồi thường tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham gia và thông qua chương trình buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; đại diện Lãnh đạo Viện kiểm sát giải quyết bồi thường trình bày văn bản xin lỗi và cải chính công khai; đại diện Lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau cùng gây thiệt hại phát biểu; người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự phát biểu về lời xin lỗi và cải chính công khai; các thành phần khác tham gia buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai phát biểu; đại diện Lãnh đạo Viện kiểm sát giải quyết bồi thường phát biểu kết thúc.

Quy trình giải quyết yêu cầu BTNN trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND gồm 08 chương, 28 điều. Nội dung cơ bản của Quy trình gồm: Việc tiếp nhận, thụ lý, xử lý hồ sơ yêu cầu bồi thường; việc cử người giải quyết yêu cầu bồi thường; về tạm ứng kinh phí bồi thường; vấn đề xác minh thiệt hại; về tổ chức thương lượng, lập dự toán kinh phí bồi thường; về lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường; về việc cấp phát kinh phí và chi trả bồi thường; về trách nhiệm hoàn trả; quản lý công tác BTNN...  

 

 

P.V