Về phạm vi điều chỉnh, Quy chế này quy định nguyên tắc, quy trình, trách nhiệm trong việc công khai và cung cấp thông tin thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn cung cấp thông tin của VKSND theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.
Thông tin thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn cung cấp của VKSND bao gồm thông tin do các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, VKSND các cấp chủ trì, phối hợp ban hành hoặc tạo ra, được cung cấp theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật có liên quan trong từng lĩnh vực.
Việc công khai, cung cấp thông tin của hệ thống Viện kiểm sát quân sự thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Quy chế này áp dụng đối với VKSND các cấp; công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND.
Về nguyên tắc thực hiện cung cấp thông tin, ngoài các nguyên tắc thực hiện cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin thì việc cung cấp thông tin của VKSND các cấp phải bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong Ngành, việc thực hiện cung cấp thông tin phải báo cáo và được sự cho phép của người đứng đầu VKSND các cấp.
|
|
Lãnh đạo VKSND tối cao chủ trì cùng các đơn vị nghiệp vụ của VKSND tối cao, Công an, Toà án phối hợp tiếp công dân. (Ảnh minh hoạ). |
Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân trong quá trình cung cấp thông tin.
Tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Theo Quy chế quy định, chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin bao gồm: Công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và Quy chế này; người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người giám hộ; người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác.
Về thông tin công dân không được tiếp cận gồm: Thông tin thuộc bí mật nhà nước; thông tin thuộc bí mật công tác do VKSND chủ trì, phối hợp ban hành hoặc tạo ra chưa được phép cung cấp; các thông tin khác công dân không được tiếp cận theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, Quy chế cũng quy định về cá hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin.
Tự ý cung cấp thông tin do VKSND chủ trì, phối hợp ban hành hoặc tạo ra không thuộc trường hợp phải cung cấp.
Cung cấp thông tin không đúng trách nhiệm, quy trình, quy định.
Ngoài ra, Quy chế cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Tiếp cận thông tin.
Việc khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong việc cung cấp thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính.
Quy chế gồm 5 chương, 32 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/7/2024. Trường hợp các quy định của pháp luật được dẫn chiếu tại Quy chế này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng quy định mới thì áp dụng quy định mới. Về xử lý vi phạm, theo Quy chế, cơ quan, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Quy chế này; nếu có vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và của Ngành. |