Công văn nêu rõ, ngày 8/5/2024, Viện trưởng VKSND tối cao ký Quyết định số 161/QĐ- VKSTC về việc ban hành Quy chế tiếp nhận, thu thập, phân loại, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND tối cao (Quy chế 161/2024), thay thế Quyết định số 565/2017/QĐ-VKSTC-C1 ngày 29/12/2017 về việc ban hành Quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND tối cao (Quy chế 565/2017).

Quy chế 161/2024 được xây dựng để đáp ứng các yêu cầu và nhiệm vụ mới theo quy định của pháp luật, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quy chế 565/2017, bảo đảm công tác tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao được thực hiện thống nhất, chính quy, chuyên nghiệp và đúng quy định của pháp luật. 

Để nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với Viện kiểm sát các cấp trong công tác tiếp nhận, thu thập, phân loại, quản lý, xử lý giải quyết nguồn tin về tội phạm, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tổ chức phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Quy chế 161/2024 trong toàn đơn vị.

Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSND tối cao về việc triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định tại Quy chế 161/2024, gắn với chương trình, kế hoạch công tác hàng năm; trực tiếp hoặc phân công một lãnh đạo cấp phó phụ trách, giao cho một đơn vị hoặc một phòng nghiệp vụ làm đầu mối phối hợp với Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

Các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh có báo cáo định kỳ hàng tháng, 6 tháng, 12 tháng về tình hình tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao xảy ra trong phạm vi lĩnh vực đơn vị quản lý và kết quả công tác phối hợp gửi đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

leftcenterrightdel
 Cơ quan điều tra VKSND tối cao tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Xuân Bằng - Giám đốc Công ty đấu giá hợp danh Vạn Quảng Phát. (Ảnh minh hoạ)

Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, nếu phát hiện nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao nhưng đang do Cơ quan điều tra khác thụ lý thì Viện kiểm sát các cấp có văn bản trao đổi thống nhất với Cơ quan điều tra VKSND tối cao trước khi yêu cầu Cơ quan điều tra đang thụ lý chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.

VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự trung ương là đầu mối phối hợp với Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong việc tiếp nhận, thu thập, phân loại, xử lý nguồn tin về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp thuộc cấp mình quản lý.

Sau khi nghiên cứu, phân loại, nếu có căn cứ xác định nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thì xử lý như sau: VKSND cấp tỉnh chuyển ngay nguồn tin về tội phạm cùng các tài liệu liên quan đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để giải quyết theo thẩm quyền; VKSND cấp huyện báo cáo ngay VKSND cấp tỉnh để nghiên cứu phân loại và chuyển ngay nguồn tin về tội phạm đó cùng tài liệu liên quan đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

Trường hợp vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, cấp bách thì VKSND cấp huyện báo cáo VKSND cấp tỉnh, đồng thời báo cáo ngay Cơ quan điều tra VKSND tối cao để kịp thời giải quyết. Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu và Viện kiểm sát quân sự khu vực có trách nhiệm báo cáo ngay Viện kiểm sát quân sự Trung ương nghiên cứu, phân loại và chuyển ngay nguồn tin về tội phạm cùng các tài liệu liên quan đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.

Trường hợp trong vụ án đã khởi tố, truy tố, xét xử nếu phát hiện còn có hành vi khác có dấu hiệu của tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thì VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự Trung ương có văn bản trao đổi thống nhất với Cơ quan điều tra VKSND tối cao trước khi yêu cầu cơ quan đang thụ lý ra quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan để chuyển cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao giải quyết theo thẩm quyền.

Trường hợp chưa đủ căn cứ xác lập nguồn tin về tội phạm hoặc cần kiểm tra, đánh giá tính có căn cứ pháp lý đối với hành vi liên quan đến các vụ việc đang thụ lý, VKSND cấp tỉnh và Viện kiểm sát quân sự các cấp có trách nhiệm kịp thời nghiên cứu và có quan điểm trả lời bằng văn bản khi Cơ quan điều tra VKSND tối cao có văn bản trao đổi nghiệp vụ.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao về tình hình tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp và kết quả công tác tiếp nhận, thu thập, phân loại, xử lý, quản lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền; tổng hợp khó khăn, vướng mắc và đề xuất lãnh đạo VKSND tối cao hướng giải đáp, khắc phục.

P.V