Sau gần 1 năm, Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) và Thông tư 01/2017 có hiệu lực đến nay, qua công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nói chung và công tác kiểm sát tin báo đối với cơ quan Kiểm lâm nói riêng, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm  và đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa công tác này.

Thứ nhất: Cơ quan Kiểm lâm cho rằng tại Thông tư 01/2017 chỉ đề cập khi: Nhận được đơn thư tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố của cá nhân hoặc cơ quan tổ chức thì mới áp dụng Thông tư 01/2017 để xem xét thụ lý giải quyết tin báo tố giác về tội phạm.

Vì vậy, khi Viện KSND thực hiện chức năng này thì một số quan điểm của cơ quan Kiểm lâm cho rằng trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng phát hiện ra một số hành vi vi phạm lĩnh vực lâm luật nên đây không phải là tin báo tố giác về tội phạm nên không thụ lý vào sổ thụ lý tin báo tố giác tội phạm, dẫn đến khó khăn cho công tác kiểm sát tin báo.

Trong khi đó, trước đây tại khoản 2, điều 7, TTLT 06/2013 quy định các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: “ ...tự phát hiện dấu hiệu của tội phạm thuộc quyền hạn điều tra của cơ quan mình.” Thì tiến hành xác minh phân loại để xử lý còn hiện nay Thông tư 01/2017 không quy định cụ thể về nội dung này và BLTTHS 2003 cũng không có quy định kiểm sát tin báo tố giác đối với cơ quan điều tra tự phát hiện dấu hiệu của tội phạm. Chính những quy định này dẫn đến việc nhận thức có sự khác biệt khi chưa có sự thống nhất kịp thời giữa các cơ quan tố tụng với nhau.

Để giải quyết vướng mắc này thì VKS phải căn cứ các quy định của BLTTHS:

- Điểm d, khoản 1, Điều 4, của BLTTHS 2015 về giải thích từ ngữ quy định: “…d) Nguồn tin về tội phạm gồm tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện.”

- Điều 7. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự  (BLTTHS 2015)

“Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.”

  - Điều 19. Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra (BLTTHS 2015)

“Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này…”.

Như vậy, việc đưa ra căn cứ này để xác định cơ quan Kiểm lâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng mà phát hiện ra một số hành vi vi phạm lĩnh vực lâm luật thì thuộc nguồn tin về tội phạm. Nên vẫn phải tiến hành xem xét thụ lý vào sổ tin báo, tố giác tội phạm để giải quyết theo quy định của BLTTHS.

Thứ hai, Cơ quan Kiểm lâm không cung cấp một số hồ sơ xử phạt hành chính

Trong quá trình tiến hành kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại cơ quan Kiểm lâm. VKS rất khó khăn trong việc tiếp cận kiểm sát một số hồ sơ xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm Lâm luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà cơ quan Kiểm lâm thụ lý để giải quyết theo thủ tục vi phạm hành chính. Bởi vì:

- Theo quy định tại điều 18; 19 Luật xử lý vi phạm hành chính thì VKSND không có thẩm quyền kiểm sát, giám sát  các hồ sơ xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Kiểm lâm.

- Đối với những vụ việc chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự thì Pháp luật về xử lý xử phạt hành chính cũng đã quy định trình tự thủ tục giải quyết và bản thân cơ quan Kiểm lâm cũng đã áp dụng các quy định đó.

Để có những giải pháp giải quyết vướng mắc này thì VKS phải căn cứ các quy định của Pháp luật như thế nào để làm việc với cơ quan Kiểm lâm  để kiểm sát những hồ sơ xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm Lâm luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự , đó là:

- Căn cứ vào Khoản 1, điều 34 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định cơ quan Kiểm lâm được điều tra 06 tội phạm quy định tại điều 232 (Tội phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản); điều 243 (Tội hủy hoại rừng); điều 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); điều 245 (Tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên) ; điều 313 (Tội vi phạm về phòng cháy chữa cháy) và điều 345 (Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng) của BLHS.

- Trong 6 tội danh nêu trên thì có tới 5 tội danh đều quy định về định lượng để làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự (trừ tội phạm tại điều 313). Chính vì quy định về định lượng nên khi cơ quan Kiểm lâm phát hiện thấy không đủ định lượng thì lúc này cơ quan Kiểm lâm sẽ áp dụng ngay thủ tục xử lý vi phạm hành chính để xử lý.

Ví dụ: Khi phát hiện thấy một người có hành vi khai thác gỗ trái phép. Bằng biện pháp như đo đếm (nhỏ hơn 20 m3 gỗ nhóm 3 rừng sản xuất….) hoặc bằng trực quan (khoảng 1m3 gỗ nhóm 3 rừng sản xuất). Cơ quan Kiểm lâm sẽ áp dụng ngay thủ tục xử lý vi phạm hành chính để xử lý mà không áp dụng thủ tục giải quyết tin báo tố giác tội phạm theo quy định của BLTTHS và Thông tư 01/2017 để giải quyết. Tượng tự như những hành vi này thì còn có rất nhiều hành vi khác như hành vi: Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, săn bắn…quy định tại 5 tội danh nêu trên.

Trong khi đó theo quy định của 5 tội danh nêu trên, nếu không đủ về định lượng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.(Điểm m, khoản 1, điều 232;  Điểm c, khoản 1, điều 234;  Điểm e, khoản 1, điều 244;  Điểm c, khoản 1, điều 245;  Khoản 1,điều 345 BLHS). Nhưng để xác định được người thực hiện hành vi đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích hay không thì phải tiến hành biện pháp tra cứu tiền án, tiền sự của họ.

Qua thực tiễn tại địa phương, chúng tôi nhận thấy cơ quan Kiểm lâm hầu như không tiến hành thủ tục tra cứu tiền án, tiền sự theo quy định mà chỉ thông qua các biện pháp trao đổi nghiệp vụ trong phạm vi tỉnh của cơ quan Kiểm lâm để xác định người này đã bị xử phạt vi phạm hành chính hay chưa?

Để tiến hành thủ tục tra cứu tiền án, tiền sự của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì phải căn cứ vào Thông tư liên tịch số 05/2018 ( trước đây là Thông tư liên tịch số: 03/2006), cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan Công an để tra cứu.

Như vậy, việc cơ quan Kiểm lâm xác định những hành vi vi phạm không đủ định lượng để xử lý hình sự mà không tiến hành việc tra cứu tiền án, tiền sự của người vi phạm để làm căn cứ xử lý hành chính là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại cơ quan Kiểm lâm thì VKS phải yêu cầu cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ xử phạt hành chính đối với những hành vi được quy định tại các điều 232 (Tội phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản); điều 243 (Tội hủy hoại rừng); điều 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); điều 245 (Tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên) và điều 345 (Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng) của BLHS để VKS tiến hành kiểm sát, vì những hành vi này thuộc các trường hợp có dấu hiệu tội phạm và yêu cầu các hồ sơ này phải có một số tài liệu cơ bản sau:

+ Thủ tục tiếp nhận thụ lý xử lý tin báo.

+ Văn bản thông báo kết quả về trích lục tiền án, tiền sự.

+ Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trên đây là kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố trong việc kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Viện KSND huyện Tu mơ rông, tỉnh Kon Tum đã thực hiện trong thời gian qua nhằm tránh việc bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực Lâm luật.

Nguyễn Huy Việt
(Viện trưởng VKSND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum)