Một số vướng mắc khi áp dụng Điều 142 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội: “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”
Cập nhật lúc 16:20, Thứ sáu, 31/05/2019 (GMT+7)
Tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” quy định tại Điều 142 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS) - là tội danh được sửa đổi, bổ sung từ tội “Hiếp dâm trẻ em” quy định tại Điều 112 của Bộ luật Hình sự 1999.
Quá trình nghiên cứu và áp dụng trên thực tế cho thấy, mặc dù mới được sửa đổi, bổ sung, nhưng điều luật trên có những quy định gây khó khăn, bất cập khi xử lý tội phạm này, cụ thể như sau:
1. Về xác định hành vi khách quan “Quan hệ tình dục khác” của tội phạm
Tại Khoản 1 Điều 142 quy định về cấu thành cơ bản của tội danh này. Theo đó, căn cứ vào độ tuổi của người bị hại, các dạng hành vi phạm tội được chia thành 2 loại:
Loại thứ nhất (theo điểm a, Khoản 1): Đối với bị hại từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi:
Hành vi khách quan của tội phạm biểu hiện ra bên ngoài phải thỏa mãn một trong các trường hợp sau:“Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực” hoặc “Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân” hoặc dùng “thủ đoạn khác”...để giao cấu trái ý muốn hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người bị hại.
Loại thứ hai (Theo điểm b, Khoản 2): Đối với bị hại dưới 13 tuổi: Hành vi khách quan của tội phạm gồm “giao cấu” hoặc thực hiện “hành vi quan hệ tình dục khác”. Không cần có yếu tố trái ý muốn.
Như vậy, so với Điều 112 của Bộ luật hình sự 1999, Điều 142 BLHS đề cập đến dạng hành vi mới, đó là “hành vi quan hệ tình dục khác”.
Có nhiều cách hiểu khác nhau xung quanh quy định này. Theo một số tài liệu đề cập về vấn đề quan hệ tình dục thì cho rằng, nếu quan hệ tình dục nói chung có nghĩa là sự xâm nhập của dương vật vào âm đạo và khả năng tạo ra con cái, thì thuật ngữ quan hệ tình dục khác thường được dùng để chỉ hành vi quan hệ tình dục bằng cách thông qua các bộ phận khác trên cơ thể người nữ giới. Tuy nhiên, cho đến nay, đây là quy định hoàn toàn mới, chưa có văn bản hướng dẫn, khiến những người áp dụng pháp luật gặp khó khăn khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với dạng hành vi này.
2. Về độ tuổi bị hại và mức xử phạt
Điều 142 BLHS chia Điều luật thành 4 khoản. Trong đó, tại khoản 1 quy định mức hình phạt cơ bản của tội phạm là từ 7 năm đến 15 năm, khoản 2 và 3 quy định mức hình phạt tăng nặng của tội phạm.
Tại khoản 1, việc truy cứu đối với người phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi bị hại, được quy định ở 2 dạng:
- Bị hại từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi: Phải có yếu tố trái ý muốn của bị hại.
- Bị hại dưới 13 tuổi. Không nhất thiết phải có yếu tố trái ý muốn của bị hại. Người thực hiện hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi thì dù đồng thuận hay không đồng thuận, vẫn phải chịu mức án ở khung cơ bản này.
Tại Khoản 2 quy định các tình tiết định khung với mức hình phạt từ 12 đến 20 năm, nhưng không có tình tiết nào đề cập đến độ tuổi của bị hại để làm căn cứ xác định mức hình phạt ở khoản này.
Tại Khoản 3, mức hình phạt được quy định cao nhất trong Điều luật (từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình). Trong đó, tại điểm c quy định độ tuổi người bị hại là “dưới 10 tuổi”.
Như vậy, trong trường hợp người bị hại dưới 10 tuổi, thì người phạm tội phải chịu mức hình phạt khởi điểm là 20 năm tù. Nhưng bị hại đủ 10 tuổi đến dưới 13 tuổi, thì người phạm tội chỉ phải chịu mức hình phạt ở khoản 1 với mức cao nhất là 15 năm tù. Trong khi đó người bị hại dưới 10 tuổi với từ đủ 10 tuổi trên thực tế chỉ chênh lệch nhau có 1 ngày.
Nếu so sánh với Khoản 4 của Điều 112 Bộ luật hình sự 1999, thì mức hình phạt của Điều 142 BLHS được quy định không phù hợp, tạo bất cập trong áp dụng trên thực tiễn. Đây cũng là một trong những vấn đề cần thiết được tổng hợp để đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Vũ Thị Đoan - Phòng 2 VKSND tỉnh Quảng Ninh